Theo phản ánh của một số người dân xã Quỳnh Giang, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), trạm trộn bê tông Công ty CP xây lắp Giang Sơn (gọi tắt là Công ty Giang Sơn) thường xuyên xả nước thải chảy tràn ra ngoài khu vực kênh mương, ruộng lúa của người dân.
Hình ảnh nước thải tràn ra ngoài từ bể lắng của trạm trộn bê tông của Công ty Giang Sơn được phóng viên ghi lại vào ngày 23/6. |
Anh Bùi Văn G., người dân sinh sống tại xóm 5, xã Quỳnh Giang cho biết: “Phía sau khu trạm trộn bê tông của Công ty Giang Sơn có xây dựng 1 bể lắng nước thải. Tại đây, nước thải thường xuyên tràn từ bể lắng ra bên ngoài, chảy vào kênh mương lấy nước trồng lúa. Không biết họ xây dựng kiểu gì mà để nước thải cứ liên tục chảy tràn ra ngoài liên tục như thế”.
Nước thải chảy tràn ra mương từ trạm trộn bê tông Công ty Giang Sơn mà phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường ghi lại được trong tháng 5 và tháng 6 vừa qua.
Theo quan sát của Phóng viên, tại bể lắng rộng hàng trăm mét vuông nằm ngoài tường bao, xung quanh ba phía là ruộng lúa sản xuất của người dân. Bể lắng của Công ty Giang Sơn chứa nước thải màu xanh và có nhiều váng nổi lên, có hiện tượng tràn ra ngoài, nước thải theo đường mương chảy ra kênh tưới tiêu cho ruộng lúa của người dân. Ngoài nước thải, Công ty Giang Sơn còn đổ hàng chục khối chất thải rắn dư thừa từ trạm trộn bê tông ra phía ngoài tường bao sau công ty này.
Nước có màu trắng đục chảy từ bể lắng ra mương tưới tiêu sản xuất lúa. |
Ngoài ra, phía trước cổng Công ty Giang Sơn giao với đường QL1A, xe chở vật liệu xây dựng rơi vãi gây ô nhiễm môi trường. Mỗi lần có xe đi qua, bụi bay lên mù mịt làm ảnh hưởng các phương tiện tham gia giao thông, tiềm ẩn nguy cơ xẩy ra tai nạn giao thông.
Trạm trộn bê tông của Công ty CP xây lắp Giang Sơn, nơi xả thải tràn ra môi trường. |
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường, ông Nguyễn Anh Tuấn – Chủ tịch UBND xã Quỳnh Giang cho biết: "Sau khi nhận được phản ánh, chúng tôi sẽ cho kiểm tra và làm việc với Công ty Giang Sơn vào sáng thứ 2 tuần tới. Chúng tôi sẽ trả lời cụ thể khi có kết quả kiểm tra".
Ông Nguyễn Minh Thành – Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Quỳnh Lưu cho biết, do mới chuyển sang nên cũng chưa nắm được hết, đơn vị sẽ cho kiểm tra, nếu đúng như phản ánh sẽ xử lý nghiêm theo quy định.
Cát, đá rơi vãi trước cổng Công ty Giang sơn, giao nhau với QL1A gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn tai nạn cho người tham gia giao thông. |
Được biết, ngày 14/6/2017, UBND tỉnh Nghệ An có Quyết định số 2554/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Dự án Trạm trộn bê tông thương phẩm công nghệ cao và gia công, lắp đặt sửa chữa máy móc công trình nông nghiệp tại xã Quỳnh Giang, huyện Quỳnh Lưu cho chủ đầu tư dự án là Công ty CP xây lắp Giang Sơn. Khu đất lập quy hoạch xây dựng có diện tích 11.006,9m2. Các hạng mục công trình được thể hiện trong bản vẽ quy hoạch là 11 hạng mục. Trong đó, có những hạng mục đã xây dựng sẵn từ chủ đầu tư trước đây (Công ty Giang Sơn nhận chuyển nhượng khu đất – PV). Còn các hạng mục còn lại xây dựng mới, trong đó có khu vực trạm trộn với diện tích xây dựng trong quy hoạch là 300m2.
Trụ sở Công ty CP xây lắp Giang Sơn. |
Mức phạt hành chính hành vi xả thải trái phép ra môi trường Căn cứ theo Điều 4 Nghị định 155/2016/NĐ-CP thì hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường sẽ bị xử lý như sau: * Hình thức xử phạt chính: Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt chính sau đây: – Cảnh cáo; – Phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là 1.000.000.000 đồng đối với cá nhân và 2.000.000.000 đồng đối với tổ chức. * Hình thức xử phạt bổ sung: – Tước quyền sử dụng có thời hạn đối với: Giấy phép xử lý chất thải nguy hại/Giấy phép xả thải khí thải công nghiệp. – Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường – Mọi hoạt động của doanh nghiệp tạo ra chất thải cần xử lý sẽ bị tạm đình chỉ cho – khi hết thời hạn xử lý, các hoạt động khác không liên quan – quá trình xả thải vẫn được phép tiếp tục. Ngoài ra, doanh nghiệp vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả: – Buộc khôi phục lại tình trạng môi trường đã bị ô nhiễm hoặc phục hồi môi trường bị ô nhiễm do vi phạm hành chính gây ra; – Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và báo cáo kết quả đã khắc phục xong hậu quả vi phạm theo quy định. Ngoài ra, việc tước giấy phép xử lý chất thải chỉ tạm dừng các công việc có liên quan tới những hoạt động xả chất thải của doanh nghiệp. Những hoạt động khác sẽ được phép hoạt động bình thường. |
Tác giả: Nguyễn Công - Quang Trường
Nguồn tin: kinhtemoitruong.vn