Theo thông tin phản ánh của người dân, trạm xử lý nước thải khu công nghiệp Tháp - Hồng – Kỷ (huyện Diễn Châu, Nghệ An) đã được đầu tư xây dựng và hoàn thành nhiều năm qua, thế nhưng đến nay công trình này không phát huy được hiệu quả, mà chỉ để “làm cảnh”.
Theo tìm hiểu của PV, tháng 6/2009, UBND tỉnh Nghệ An có Quyết định số 3096 phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp nhỏ (nay là CCN Tháp – Hồng – Kỷ) do UBND huyện Diễn Châu làm chủ đầu tư, với tổng số tiền đầu tư 51 tỷ đồng, nguồn vốn từ ngân sách của huyện và đóng góp của doanh nghiệp.
Nhìn từ ngoài vào, ít ai ngờ rằng trong này là trạm xử lý nước thải được đầu tư tiền tỷ đang nằm bất động. |
Năm 2010, hạng mục thoát nước và khu xử lý nước thải được UBND huyện Diễn Châu phê duyệt thiết kế kỹ thuật và dự toán công trình hạ tầng kỹ thuật với tổng kinh phí là hơn 6,1 tỷ đồng. Tưởng rằng dự án này sau khi hoàn thành sẽ phát huy được hiệu quả như mong muốn ban đầu, nhằm giảm tình trạng ô nhiễm môi trường.
Thế nhưng sau khi hoàn thành, dự án này được đưa vào vận hành thử vào cuối năm 2012, rồi từ đó đến nay, dường như không có hoạt động nào ở đây nữa. Những cỗ máy tiền tỷ được lắp đặt tại đây, thay vì phát huy được hiệu quả như mong đợi thì nay dường như “án binh bát động” chưa biết đến khi nào mới “tỉnh dậy”. Từ chỗ đầu tư ban đầu được kỳ vọng bao nhiêu, thì đến nay người dân càng thấy thất vọng bấy nhiêu ở dự án này.
Theo người đàn ông có nhiệm vụ trông coi ở khu xử lý nước thải này cho biết: “Dự án chưa thể vận hành được, hiện tôi đang được thuê trông coi ở đây. Hiện nay, mỗi tuần máy móc được chạy khởi động cũng như có người đến kiểm tra bảo dưỡng máy móc thiết bị”.
Theo quan sát của PV tại đây, nhà điều hành, nhà để máy móc thiết bị, hay các bể nước, bể lắng đều đã hoàn thiện chờ đưa vào vận hành sử dụng. Song, do không được sử dụng nên hệ thống các bể chứa nước đã đóng váng, mọc rêu.
Bể chứa nước đóng cặn, váng hết sức bẩn. |
Với hệ thống xử lý nước thải đạt công suất 300m3/ ngày rõ ràng sẽ giải quyết được việc xử lý ô nhiễm môi trường nơi đây, điều mà người dân sinh sống xung quanh khu vực này từ trước đến nay vốn hết sức lo lắng. Tuy nhiên, trạm xử lý nước thải hiện nay chưa hoạt động nên nước thải vẫn phải xả ra môi trường.
Được biết, hiện ở CCN này có 28 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh tại đây với đa dạng các ngành nghề kinh doanh như: sản xuất ống thép kẽm, phôi thép, tôn lợp, thép, may công nghiệp, phân bón...và một số làm nơi chứa kho hàng như gạch men, xi măng…
Ông Hoàng Văn Ba – Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Diễn Châu cho biết: “Ngoài vấn đề về con người để thành lập ban quản lý, vận hành máy móc ở đây (Trạm xử lý nước thải - PV), thì vấn đề về kinh tế cũng là một chuyện đáng quan tâm. Bởi theo đề án, kinh phí để vận hành máy móc một năm tiêu tốn gần 600 triệu đồng, trong khi hiện tại ở đây chỉ có 28 doanh nghiệp hoạt động, nếu chia đều ra thì họ có chấp nhận hay không?”.
Bên trong khuôn viên, nhà điều hành, nhà chứa máy móc đều đã hoàn thành nhưng khóa cửa. |
“Thực tế là có hệ thống xử lý nước thải này ở các CCN là hết sức cần thiết để giải quyết vấn đề ô nhiễm nguồn nước. Huyện cũng đã tính những phương án để có thể đưa trạm xử lý nước thải vào hoạt động, tuy nhiên đến nay những cỗ máy này vẫn chưa vận hành được” – ông Ba thông tin thêm.
Một dự án rất có ý nghĩa, nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, điều mà huyện Diễn Châu bấy lâu nay đang hết sức lo lắng. Thế nhưng, đến nay vẫn chưa thể phát huy được hiệu quả của nó, khiến nỗi thất vọng của người dân lại thêm kéo dài.
Tác giả: Đức Chung
Nguồn tin: Báo Công lý