Bé Nguyễn Phương Thúy, 4 tháng tuổi, nhập viện điều trị tại Khoa bệnh Nhiệt đới - Bệnh viện Sản Nhi vào ngày 31/12/2018. Đến thời điểm này, bé Thúy vẫn đang phải thở máy do mắc sởi biến chứng làm suy hô hấp nặng.
Mẹ bé Thúy - chị Nguyễn Thị Kỳ ở xã Trung Thành, huyện Yên Thành, cho biết: “Trước khi vào đây cháu có vào điều trị viêm tai ở Khoa Tai Mũi Họng, sau đó về nhà khoảng 1 tuần thì cháu nổi mẩn đỏ, lúc đầu nổi trong miệng, sau lan ra khắp mặt, rồi khắp người, sau đó sốt cao, chảy nước mũi, bỏ bú, khó thở, đưa đến bệnh viện khám thì mới biết cháu bị bệnh sởi biến chứng suy hô hấp nặng”.
Khoa Bệnh Nhiệt đới trở thành khu vực cách ly để điều trị riêng cho bệnh sởi. Ảnh: Thanh Hoa |
Bé Thúy chỉ là 1 trong rất nhiều trường hợp mắc sởi phải đến điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An thời gian gần đây. Theo báo cáo tại Khoa Bệnh Nhiệt Đới - Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An: Từ tháng 8/2018 đến ngày 3/01/ 2019 đã có hơn 1.000 ca mắc bệnh sởi vào điều trị tại khoa; trong đó 90% bệnh nhi có biến chứng sang phổi và mỗi ngày có 3 - 5 bệnh nhi nhập viện vì suy hô hấp do biến chứng bệnh của bệnh sởi.
Điều tra nguyên nhân bệnh cho thấy: Hầu hết các trường hợp mắc sởi là do không tiêm, hoặc chưa được tiêm đầy đủ vắc xin phòng bệnh sởi (nguyên nhân chủ yếu là do trẻ bị ốm nên hoãn tiêm và bị tiêm muộn, cha mẹ không đưa trẻ đi tiêm hoặc đi tiêm không đúng lịch nên chưa có đủ miễn dịch)... Ngoài ra, còn có những trẻ sức đề kháng yếu nên bị lây nhiễm bệnh sởi từ người khác hoặc lây nhiễm khi đến khám, điều trị tại bệnh viện.
Theo bác sỹ chuyên khoa tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An: Số ca mắc sởi biến chứng tăng nhiều so với trung bình các năm trước. Lý do là với các dấu hiệu ban đầu như sốt, ho, chảy nước mũi, bệnh sởi dễ bị nhầm với bệnh hô hấp hoặc sốt phát ban. Vì thế, rất nhiều bậc phụ huynh chủ quan, tự mua thuốc điều trị để đến khi bệnh không khỏi và khi đưa đến viện thì đã bị biến chứng. Mặt khác, vì không được cách ly, điều trị kịp thời nên bệnh dễ phát tán, lây lan.
Trường hợp cháu Bùi Anh Thư, 11 tháng tuổi, mắc sởi biến chứng bệnh phổi suy hô hấp là một minh chứng cụ thể. Chị Nguyễn Thị Hồng Thoan ở xã Nam Giang, huyện Nam Đàn (mẹ cháu Thư) cho hay: “Lúc đầu cháu bị nổi ban trong miệng, gia đình cứ nghĩ cháu bị nhiệt miệng, đi mua thuốc nhiệt miệng về cho cháu uống nhưng không khỏi, mà bệnh lại nặng hơn. Cháu bị sốt cao co giật đưa đến bệnh viện thì gia đình mới biết cháu bị bệnh sởi biến chứng suy hô hấp. Cháu đau ốm thường xuyên nên chưa đưa cháu đi tiêm phòng bệnh sởi”.
Cháu Bùi Anh Thư bị suy hô hấp do biến chứng bệnh sởi đang được điều trị tại khoa Bệnh Nhiệt đới. Ảnh: Thanh Hoa |
Trong 2 tuần trở lại đây, bệnh sởi đang gia tăng nhanh, có diễn biến phức tạp, đa số là trẻ chưa đến tuổi tiêm phòng sởi. Để tránh lây chéo, Bệnh viện Sản Nhi đã phải dành cả khoa Bệnh Nhiệt đới chỉ tập trung điều trị cách ly riêng cho bệnh nhi mắc bệnh sởi, kể cả khám nội soi, chụp cũng thực hiện ngay tại khoa.
Bác sỹ Trần Thái Phong, khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An khuyến cáo: Các phụ huynh cần chủ động đưa trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vắc xin sởi hoặc trẻ từ 1 tuổi đến 14 tuổi tiêm vắc xin Sởi - Rubella đầy đủ và đúng lịch. Bệnh sởi rất dễ lây, không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc bệnh sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ.
Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng cho trẻ hàng ngày. Đảm bảo nhà ở và nhà vệ sinh thông thoáng, sạch sẽ. Tăng cường dinh dưỡng cho trẻ. Nhà trẻ, mẫu giáo, trường học nơi tập trung đông trẻ em cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng; thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học bằng các chất sát khuẩn thông thường. Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời
Trước diễn biến phức tạp của bệnh sởi, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các trung tâm y tế dự phòng huyện, thành, thị xã tăng cường công tác phòng chống bệnh sởi; nắm chắc tình hình và báo cáo kịp thời để có các phương án phòng chống không để phát sinh thành dịch./.
Bệnh Sởi là một bệnh truyền nhiễm gây dịch, do vi rút Sởi gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi hoặc cũng có thể gặp ở người lớn, do chưa được tiêm phòng Sởi hoặc đã tiêm phòng nhưng chưa được tiêm đủ liều. Bệnh hay xảy ra vào mùa đông xuân, khi thời tiết ẩm kéo dài. Bệnh sởi rất dễ lây lan, đặc biệt là ở những nơi tập trung đông người như trong trường học. Bệnh lây theo đường hô hấp qua các giọt bắn dịch tiết từ đường hô hấp của người mắc bệnh hoặc cũng có thể qua tiếp xúc trực tiếp hoặc qua bàn tay bị ô nhiễm với các dịch tiết đường hô hấp có chứa mầm bệnh. Trẻ em không được tiêm vắc xin sởi và những người không có miễn dịch với vi rút sởi đều có thể bị mắc sởi. |
Tác giả: Thanh Hoa
Nguồn tin: Báo Nghệ An