Sáng 26/9, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai Đề án giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2018- 2021 và nghe dự thảo kết quả rà soát quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Viết Hồng chủ trì hội nghị.
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Phú Hương |
Những năm qua, Nghệ An đã thực hiện chủ trương giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng chưa gắn liền với việc giao rừng, cho thuê rừng. Do đó, việc xử lý chủ sử dụng đất vi phạm chuyển đổi, chuyển nhượng, khai thác rừng trái phép không thực hiện được, dẫn đến tình trạng mất rừng trên phạm vi toàn tỉnh.
Toàn tỉnh có trên 1.236 ha rừng và đất lâm nghiệp; tổng trữ lượng gỗ trên 72,6 triệu m3. Đến nay, UBND các cấp đã giao đất cho các hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư sử dụng vào mục đích lâm nghiệp được trên 108 nghìn ha. Tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp được giao rừng gắn với giao đất là hơn 2 nghìn ha, cho hai nhóm đối tượng là cộng đồng dân cư và tổ chức kinh tế, tổ chức nhà nước.
Nghệ An hiện có trên 10 nghìn ha đất lâm nghiệp bị mua bán, chuyển nhượng trái phép và sử dụng sai mục đích; chủ yếu tập trung tại các huyện Quỳ Hợp, Quế Phong, Quỳ Châu, Con Cuông và Anh Sơn.
Trồng keo trên diện tích đất lâm nghiệp được chuyển đổi mục đích sử dụng tại huyện Quỳ Châu. Ảnh: Nhật Lân |
Đề án giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh đề ra mục tiêu: Từ năm 2018 - 2021 hoàn thành cơ bản việc giao rừng, là đối tượng rừng sản xuất với tổng diện tích trên 265,7 nghìn ha cho hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng quản lý, sử dụng có hiệu quả vào mục đích lâm nghiệp; Xây dựng được cơ sở dữ liệu quốc gia về hồ sơ quản lý rừng và đất lâm nghiệp đến từng chủ quản lý, trạng thái rừng, trữ lượng rừng, chất lượng rừng; giảm thiểu các tác động tiêu cực đến rừng tự nhiên; ngăn chặn, hạn chế được hành vi chuyển nhượng, chuyển đổi, mua bán trái phép đất có rừng tự nhiên và rừng trồng nguồn vốn của Nhà nước.
Phát biểu tại hội nghị, sau khi nghe ý kiến thảo luận của đại diện các sở ngành liên quan, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Viết Hồng chỉ đạo: Việc giao rừng phải gắn với giao đất, cấp GCN-QSDĐ lâm nghiệp, nếu chưa giao rừng thì tạm thời chưa cấp GCN-QSDĐ lâm nghiệp; giải quyết hài hòa lợi ích của người dân và cộng đồng; Thực hiện đúng trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật, chính xác và hiệu quả; phù hợp với quy hoạch 3 loại rừng, quy hoạch sử dụng đất lâm nghiệp của địa phương và không được chồng lấn trên đất đã có chủ quản lý.
Đồng chí Đinh Viết Hồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ban, ngành và địa phương liên quan phối hợp triển khai sớm đề án. Ảnh: Phú Hương |
Những khu rừng còn tranh chấp, ranh giới không rõ ràng thì chưa tiến hành giao rừng cũng như giao đất, cấp GCN-QSDĐ. Việc giao rừng kế thừa diện tích ranh giới mà hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định từ trước đến nay, đảm bảo ổn định, hạn chế tối đa việc xáo trộn, tránh xung đột và đảm bảo quyền lợi cho các hộ gia đình cá nhân sống ven rừng; hạn chế giao quá manh mún.
Giao Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Sở TN&MT triển khai các nội dung của đề án, giải quyết kịp thời các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện. Sở Tài chính phối hợp Sở NN&PTNT bố trí kinh phí triển khai đề án, đưa vào kế hoạch cấp kinh phí năm 2019; Các huyện chỉ đạo các phòng chuyên môn bàn giao hồ sơ giao đất lâm nghiệp của huyện cho kiểm lâm để tổ chức giao rừng cho các hộ dân; chỉ đạo các xã xây dựng phương án trình HĐND xã để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Các sở, ngành liên quan và Kiểm lâm các huyện có kế hoạch cụ thể cho những tháng còn lại của năm 2018 để chủ động triển khai với tinh thần càng sớm càng tốt.
Cũng trong sáng nay, hội nghị cũng đã nghe và cho ý kiến dự thảo kết quả rà soát quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Nghệ An./.
Tác giả: Phú Hương
Nguồn tin: Báo Nghệ An