Đối tượng Sơn tại cơ quan điều tra. |
Cứ như thế, trong một thời gian dài, “siêu trộm” đã thực hiện trót lọt hàng chục vụ đục két sắt, trộm cắp tài sản trên địa bàn hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, chiếm đoạt hàng tỷ đồng.
Bí ẩn những vụ “đục” két
|
Tối ngày 15/11/2015, kẻ gian đã cậy cửa Phòng Kế toán của Trường THPT Phan Đăng Lưu, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Sáng hôm sau, thầy và trò Trường THPT Phan Đăng Lưu “tá hỏa tam tinh” khi phát hiện chiếc két bị phá tung.
Hơn 490 triệu đồng tiền thu học phí của học sinh chưa kịp đem nộp vào kho bạc được thủ quỹ cho vào két sắt khóa cẩn thận đã “không cánh mà bay”. Hiện trường là chiếc két bạc đã bị cạy phá với hai lỗ to phía trước, vừa đủ đưa các dụng cụ vào nạy các thanh giằng chốt mở khóa. Ngay sau khi sự việc xảy ra, Ban Giám hiệu nhà trường đã làm đơn trình báo tới lực lượng chức năng.
Công an huyện Yên Thành và Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Nghệ An nhanh chóng vào cuộc điều tra. Qua trao đổi với lãnh đạo và kế toán, được biết nhà trường có quy định chỉ được để ở két sắt dưới 30 triệu đồng, rất ít khi để nhiều tiền trong két qua đêm. Những lần để nhiều tiền trong két như vậy là ngoại lệ... Quá trình điều tra gặp nhiều khó khăn hơn khi tên trộm tỏ ra rất tinh ranh, xóa sạch dấu vết, không có camera ghi lại hình ảnh và không để lại bất kỳ manh mối nào.
Khi kẻ gây ra vụ trộm cắp tài sản tại Trường THPT Phan Đăng Lưu còn chưa lộ diện thì ngày 13/5/2016, tức gần sáu tháng sau, tại Trường THPT Nghi Lộc 1, huyện Nghi Lộc kẻ gian phá két lấy đi số tiền 40 triệu đồng. Tiếp đó, tối 15/6/2015, kẻ gian lại đột nhập Tổng Công ty Xây dựng Cienco 4, đóng tại TP Vinh, phá két lấy trộm 300 triệu đồng và một máy tính xách tay. Trụ sở công ty này cách mặt đường khoảng 300 mét có bảo vệ trông giữ 24/24 giờ.
Phía sau và bên trái trụ sở là khoảng trống đồng ruộng. Đối tượng đã đột nhập từ phía này, cắt rào sắt B40 để lên Phòng Hành chính tại tầng hai. Dấu vết phá két sắt rất giống với đặc điểm ở một số vụ trộm trước đó... Đối tượng đã dùng ô che mặt sau đó dùng sơn xịt để vô hiệu hóa camera an ninh. Chỉ có camera hành lang ghi lại được hình ảnh đối tượng từ một góc độ khá xa. Đó là một người đàn ông thấp đậm, mặc quần áo công nhân, đeo khẩu trang, đi găng tay, đầu đội mũ vải kiểu tai bèo...
Một trong các chiếc két bị đối tượng đục phá. |
Tiếp đó, trong năm 2016, liên tiếp đã xảy ra nhiều vụ phá két sắt khác. Ngày 22/9, Công ty Vật tư Nông nghiệp, huyện Nghi Lộc bị đột nhập lấy đi số tiền gần 40 triệu đồng. Ngày 17/11, khi thầy trò Trường THPT Diễn Châu 2 đang gấp rút chuẩn bị chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam thì cũng bị kẻ gian “viếng thăm”. Khoảng 300 triệu đồng, 1 lắc vàng, 1 dây chuyền vàng để trong két sắt tại Phòng Hành chính đã “bốc hơi”. Ngày 17/12, Công ty Gạch ngói 22/12, huyện Hưng Nguyên bị kẻ gian đột nhập, phá két sắt lấy đi 150 triệu đồng. Ngày 30/12, Công ty Than đá TP Vinh cũng bị phá két sắt lấy đi hơn 320 triệu đồng...
Các vụ trộm cắp với giá trị tài sản lên đến hàng trăm triệu đồng liên tiếp xảy ra khiến cho người dân và các doanh nghiệp, công sở, trường học không khỏi hoang mang, lo lắng. Ban Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An đã giao nhiệm vụ cho Phòng Cảnh sát Hình sự phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ, công an các huyện, thành phố, thị xã điều tra, truy bắt đối tượng gây án. Nhận thấy tính chất phức tạp của các vụ án, đầu tháng 4/2017, Phòng Cảnh sát Hình sự báo cáo lãnh đạo công an tỉnh xin ý kiến chỉ đạo, xác lập chuyên án để đấu tranh. Phòng Cảnh sát Hình sự đã chủ trì xác lập chuyên án 417Đ để tập trung tối đa lực lượng, điều tra làm rõ.
Sau khi nghiên cứu kỹ quy luật hoạt động và thủ đoạn gây án của đối tượng trong các vụ trộm, ban chuyên án đã khoanh vùng, phân loại, sàng lọc các đối tượng nghi vấn. Các điều tra viên đã tổ chức điều tra, soát xét không quản ngày đêm để thu thập tài liệu, chứng cứ. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong vụ án là quá trình gây án, đối tượng không để lại dấu vết nào. Sau hai tháng ròng truy xét, nghi can của vụ án vẫn là một ẩn số.
Khi công tác điều tra tưởng như rơi vào ngõ cụt thì đối tượng lại gây án. Rạng sáng 17/6/2017, sau thời gian dài “ẩn mình”, đối tượng tiếp tục trở lại hoạt động. Công ty TNHH Tâm Trí Mạnh, đóng tại xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu đã bị kẻ gian đột nhập, phá két sắt lấy đi hơn 110 triệu đồng, 100 USD, 6.000 nhân dân tệ, 3 điện thoại di động và một số tài sản khác. Lần này cũng vậy, camera an ninh bị vô hiệu hóa và dấu vết tại hiện trường cũng được xóa sạch.
“Siêu trộm” sa lưới...
|
Phòng Cảnh sát Hình sự đã tung toàn bộ lực lượng, phương tiện, phối hợp chặt chẽ với công an các địa phương trong và ngoài tỉnh để rà soát, truy tìm dấu vết. Nghi can mà ban chuyên án nhắm tới là các đối tượng có tiền án, tiền sự về trộm cắp tài sản, các đối tượng nghiện ma túy, cờ bạc, lang thang. Sau hơn ba tháng điều tra, ban chuyên án dựng lên được đối tượng tình nghi là Cao Xuân Sơn (SN 1972), trú tại khối 3, thị trấn Con Cuông, huyện Con Cuông.
Sơn từng có hai tiền án về tội trộm cắp tài sản. Trước đây, Sơn là kế toán của một trường THCS trên địa bàn huyện Con Cuông, do vi phạm bị kỷ luật nên bị buộc thôi việc. Đặc biệt, Sơn có những bất minh về thời gian và kinh tế. Dẫu không nghề nghiệp nhưng Sơn lại có rất nhiều tiền tiêu xài và ăn chơi trác táng. Cao Xuân Sơn được ban chuyên án đưa vào danh sách đối tượng nghi vấn hàng đầu.
Tiếp tục điều tra, theo dõi đối tượng, các điều tra viên nắm được thêm thông tin Sơn là kẻ mê cờ bạc. Thời gian chính của hắn là trên chiếu bạc và “nghiên cứu” lô đề. Sau một thời gian củng cố tài liệu, ngày 22/7/2017, ban chuyên án quyết định bắt giữ Cao Xuân Sơn. Tại cơ quan điều tra, Cao Xuân Sơn phủ nhận mọi cáo buộc về các phi vụ “đục két” trên địa bàn trong thời gian qua. Tuy nhiên, qua đấu tranh và những chứng cứ thu thập được, Cao Xuân Sơn đã phải thừa nhận hành vi phạm tội.
Sơn khai nhận thực hiện trót lọt 11 phi vụ đục két trên địa bàn hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, chiếm đoạt gần 2,2 tỷ đồng. Từng là kế toán, biết thời điểm nào các trường học có tiền do học sinh đóng nộp và các cơ quan, doanh nghiệp có tiền để trả lương... Sơn nghĩ cách chiếm đoạt. Am hiểu chút ít về két sắt, Sơn chuẩn bị công cụ phá két và vật dụng cần thiết gồm: Máy khoan điện, mũi khoan, tua vít, đục bê-tông, xà cậy, đoạn dây thừng, găng tay, đèn pin để hành sự.
Với phương thức, thủ đoạn cực kỳ khôn khéo, Cao Xuân Sơn đã loại bỏ các dấu vết tại hiện trường, gây khó khăn cho công tác điều tra của lực lượng công an. Để tuyệt đối an toàn, Sơn luôn che kín mặt, đeo găng tay khi hành động hòng không để lại dấu vết tại hiện trường. Từng là kế toán nên Sơn hiểu rõ, dẫu trong phòng có hai két sắt nhưng Sơn chỉ phá két nào có dây chun buộc tiền mà kế toán ngoắc ngoài tay nắm.
Ma mãnh hơn, sau khi phá két Sơn chỉ lấy đi tiền mặt và vàng, còn tài sản như điện thoại di động, laptop, đầu thu... thì vứt đi, không mua bán hay trao đổi nhằm cắt đứt sự truy tìm manh mối qua vật chứng của lực lượng chức năng. Thế nhưng dù ma mãnh đến đâu, tên trộm tưởng như có “phép tàng hình” vẫn bị sa lưới pháp luật. Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam Cao Xuân Sơn về tội danh trộm cắp tài sản và đánh bạc...
Ngày 15/5/2018, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An đã mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử Cao Xuân Sơn về tội trộm cắp tài sản và đánh bạc. Cơ quan điều tra làm rõ, từ tháng 11/2015 đến tháng 6/2017, Cao Xuân Sơn đã thực hiện 11 vụ trộm cắp, chiếm đoạt hơn 2,2 tỷ đồng. Sơn nhắm vào các trường học, cơ quan xí nghiệp và tìm cách đột nhập, sau đó dùng khoan phá két sắt để lấy tài sản. Sơn khai nhận lên mạng Internet tìm hiểu cấu tạo két sắt rồi tự mình nghĩ ra cách thức phá két.
Sơn thường nghiên cứu kỹ các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, lợi dụng sơ hở của bảo vệ để đột nhập vào, phá khóa và lấy tiền, tài sản có giá trị khác. Số tiền trộm được Sơn dùng để tiêu xài cá nhân và đánh lô đề. Cân nhắc các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, Hội đồng xét xử tuyên phạt Cao Xuân Sơn 15 năm tù về tội trộm cắp tài sản, 2 năm tù về tội đánh bạc. Tổng hợp hình phạt, Sơn phải thi hành bản án 17 năm tù. Tòa buộc bị cáo phải bồi thường toàn bộ số tài sản đã chiếm đoạt của các đơn vị, doanh nghiệp.
Sơn bảo, vì mê cờ bạc, muốn kiếm tiền nhanh nên hắn nghĩ chỉ có con đường trộm cắp mới đạt được mục đích. Với bản án đích đáng, ở trong tù Sơn sẽ có thời gian để suy ngẫm về những việc sai trái mình đã làm. Những đồng tiền bất chính kiếm được bằng việc làm phi pháp cuối cùng cũng chỉ là “của thiên lại trả địa” khi Sơn nướng hết vào lô đề. Thủ đoạn của kẻ phạm tội dù tinh vi, xảo quyệt đến đâu cũng sẽ như chiếc kim trong bọc, sớm muộn cũng bị đưa ra ánh sáng pháp luật.
Tác giả: Cao Phong
Nguồn tin: Báo Giáo dục & Thời đại