Miếng đất mất tình chị em
Theo đơn trình bày của bà Nguyễn Thị Thực (83 tuổi, trú ở xóm 13, xã Tràng Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An) về việc, năm 2009, ông Ngô Trí Ất (chồng bà Thực) mất, có lập di chúc để lại thửa đất cho vợ và các con (4 con gái). Đến năm 2017, gia đình bà Thực tiến hành lập Văn bản phân chia di sản thừa kế tài sản và đã được Văn phòng công chứng Nguyễn Đổng ở xóm Yên Hương, xã Yên Sơn, huyện Đô Lương thực hiện vào ngày 08/5/2017.
Sau khi 4 người con của ông Ất bà Thực họp bàn và thống nhất, toàn bộ di chúc và giấy tờ có liên quan đã được giao cho chị Hương là Chuyên viên của Phòng Tài nguyên môi trường (TNMT) huyện Đô Lương để hoàn thiện thủ tục, hồ sơ sang tên cho bà Thực.
Bà Nguyễn Thị Thực mong muốn UBND huyện làm rõ đúng sai, cũng như hướng dẫn cụ thể cho bà trong việc cho, tặng quyền sử dụng đất. |
Ngày 04/5/2017, UBND huyện Đô Lương đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (gọi tắt là bìa đỏ) mang mã số CĐ 488735, đối với thửa đất số 71, tờ bản đồ số 17, diện tích 126m2 tại xóm 13, xã Tràng Sơn, huyện Đô Lương, chủ sử dụng đất là bà Nguyễn Thị Thực.
Tiếp đó, đến ngày 19/7/2017, bà Thực làm hợp đồng cho, tặng quyền sử dụng đất nêu trên cho con gái út là chị Ngô Thị Tư (SN 1974). Và hồ sơ đã hoàn thiện thủ tục ở cấp xã, chuyển lên huyện chờ giải quyết.
Tuy nhiên, khi biết được việc này, hai người con của bà Thực là bà Ngô Thị Nhâm (SN 1962, trú ở xóm 11, xã Tràng Sơn, huyện Đô Lương) và Ngô Thị Tâm (SN 1971, trú ở xóm 13, xã Tràng Sơn, huyện Đô Lương) cho rằng, việc mẹ mình tự ý cho tặng đất của cha để lại mà không hỏi ý kiến gì của các con, cũng như không thực hiện theo di chúc là trái với quy định của pháp luật.
Chính vì lý do trên, hai bà đã gửi đơn lên UBND xã Tràng Sơn cũng như UBND huyện Đô Lương, kiến nghị tạm dừng việc làm hồ sơ cho tặng quyền sử dụng đất giữa bà Nguyễn Thị Thực và bà Ngô Thị Tư, với lý do các bà cho rằng việc cấp bìa đỏ cho Nguyễn Thị Thực là chưa đúng quy định của pháp luật. Không những vậy, bà Nhâm và bà Tâm còn cho rằng bà Tư đã tự ý tháo nhà ở, nhà thờ không theo nội dung di chúc để lại.
Trao đổi với PV, bà Ngô Thị Tư cho biết: “Việc bà Nhâm và bà Tâm vu cáo tôi tự ý tháo dỡ nhà thờ và làm mới là không đúng. Sự thật là hiện trạng nhà mẹ tôi ở bây giờ vẫn nguyên như trước. Còn việc mẹ làm hồ sơ cho tặng đất cho tôi vì trước đó, các chị em trong nhà đã thống nhất ý kiến, sau đó mới đưa các giấy tờ cho chị Hương lo thủ tục, chứ tôi không tự ý cũng như bàn bạc riêng với mẹ”.
Căn nhà vợ chồng ông Ất bà Thực vẫn nguyên hiện trạng, không như tố cáo của bà Tâm và bà Nhâm. |
Bà Nguyễn Thị Thực tỏ ra bức xúc nói: “Tôi mong cơ quan chức năng làm rõ đúng, sai cũng như hướng dẫn cụ thể hồ sơ thủ tục về quyền cho tặng, bởi ngoài phần đất chồng tôi mất để lại theo di chúc, thì theo quy định còn có phần đất của tôi là tài sản chung của hai vợ chồng, nên tôi có quyền cho người con nào có hiếu với cha mẹ. Không thể vì miếng đất mà chúng nó (bà Nhâm và bà Tâm – PV) không còn coi tôi ra gì”.
Bìa đỏ cấp trước ngày ký hồ sơ?
Theo tìm hiểu của PV, tại Báo cáo của UBND xã Tràng Sơn ký ngày 09/8/2018, gửi UBND huyện Đô Lương về việc giải quyết đơn thư của bà Ngô Thị Nhâm và bà Ngô Thị Tâm, cũng khẳng định rằng: Qua 2 đề nghị của bà Ngô Thị Nhâm và bà Ngô Thị Tâm, đến thời điểm hiện tại chưa xảy ra việc tháo dỡ nhà thờ xây mới lại tại ngôi nhà bà Thực đang ở tại thửa đất trên.
Việc làm hồ sơ cho tặng giữa bà Nguyễn Thị Thực và bà Ngô Thị Tư đã được UBND xã làm xong thủ tục và gửi lên Phòng TNMT và Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất của huyện (hồ sơ được làm trước lúc sự việc tranh chấp xảy ra).
Báo cáo của UBND xã Tràng Sơn gửi UBND huyện Đô Lương về việc đơn thư của bà Tâm và bà Nhâm. |
Vào cuộc xác minh được biết, hồ sơ đề nghị cấp bìa đỏ của bà Nguyễn Thị Thực, tại Văn bản phân chia di sản thừa kế, được lập ngày 08/5/2017, do Văn phòng công chứng Nguyễn Đổng có trụ sở tại xóm Yên Hương, xã Yên Sơn, huyện Đô Lương thực hiện. Thế nhưng, bìa đỏ của bà Nguyễn Thị Thực, mã số CĐ48873, số vào sổ: CH02989/356/QĐ-UBND, lại được cấp ngày 04/5/2017 do ông Hoàng Văn Hiệp – Phó Chủ tịch UBND huyện Đô Lương ký.
Vậy tại sao lại có chuyện ngược đời như vậy, khi hồ sơ thủ tục có sau, còn bìa đỏ lại được cấp trước 4 ngày? Phải chăng quy trình thẩm định hồ sơ của cán bộ chuyên môn huyện Đô Lương có vấn đề, hay vì chị Hương làm ở phòng TNMT nên mới có thể “lách luật”, được như vậy?
Việc thực hiện quy trình ngược như vậy có ảnh hưởng như thế nào, những cán bộ liên quan sẽ phải chịu trách nhiệm ra sao, Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
Tác giả: Đức Chung
Nguồn tin: Báo Công lý