Tin trong tỉnh

Nghệ An: Về lại 'làng tỷ phú'... nhờ buôn đồng nát xuyên quốc gia

Những ngôi biệt thự san sát, những chuyến xe tấp nập ra vào... Đây là bức tranh của “làng tỷ phú” buôn đồng nát xuyên quốc gia Diễn Tháp (Nghệ An).

Mảnh đất đếm không hết đại gia

Được biết đến với biệt danh “thủ phủ đồng nát”, xã Diễn Tháp (huyện Diễn Châu – Nghệ An) là nơi xuất thân của nhiêu đại gia, tỷ phú đi lên từ nghề “buôn đồng nát”. Nơi đây, nhiều đại gia, tỷ phú mà số vốn của họ được đồn lên đến cả hàng trăm tỷ đồng.

Nhưng ít ai biết được xã Diễn Tháp trước đây còn là làng quê nghèo, người dân hầu như chỉ biết đến làm nông nghiệp. Nghề thu mua phế liệu ở đây đã tạo nên một diện mạo mới cho làng quê này từ khoảng những năm 1990.

Hai bên đường vào trung tâm xã Diễn Tháp là những dãy nhà biệt thự liền kề nhau.


Hơn 30 năm xuất hiện, nghề buôn đồng nát đã làm thay đổi hẳn cuộc sống người dân Diễn Tháp. Quanh làng là những ngôi nhà cao tầng chót vót, những biệt thự sang trọng mọc san sát, đền chùa, nghĩa trang đều thuộc hạng đồ sộ. Số lượng đại gia, tỷ phú “đồng nát” nhiều vô kể, đến nỗi hỏi người dân trong làng họ cũng “chịu” không thể đếm hết.

Chị Ngô Thị Hoa (30 tuổi) - Chủ một hộ kinh doanh phế liệu ở xã Diễn Tháp chia sẻ với phóng viên: “Ở đây đại gia nhiều lắm làm sao mà kể hết”.

"Có những người họ giàu lắm, mua đất ở Vinh, Sài Gòn, Hà Nội…trong nhà mỗi người một ô tô riêng, có người còn có cả trăm tỷ gửi ngân hàng...”, Chị Hoa nói.

Theo lời chị Hoa, thì hầu hết các đại gia này đều xuất thân từ nông dân. Ngày trước, một vài người vẫn còn gắn với chiếc xe đạp thồ đi khắp nơi thu mua phế liệu nhưng nhờ nghề buôn đồng nát rồi “trúng quả” đã biến họ trở thành đại gia, tấm gương làm giàu khiến ai cũng ngưỡng mộ.

Theo người dân xóm 5 xã Diễn Tháp, biệt thự của gia đình anh Nguyễn Hùng Mạnh (51 tuổi) trị giá hàng chục tỷ đồng, với nội thất toàn hàng Ý đắt tiền. Anh Mạnh vốn là một tay buôn khét tiếng ở xóm 5, chuyên đưa hàng đi Lào.

Cơ sở sản xuất bẫy chuột ở xóm 5 Diễn Tháp chuẩn bị hàng đưa sang Lào bán.


Sinh ra trong gia đình nhà nông nghèo khó, sau khi lấy vợ, anh Hùng ra ở riêng và bắt đầu xây dựng cuộc sống cho riêng mình. Thập niên 90, nghe mấy anh em rủ đi Lào, anh cũng đánh liều đi theo. Hiện gia đình anh đang sở hữu nhiều đại lý lớn cả ở Việt Nam và Lào với hàng chục nhân công có mức thu nhập khá hàng tháng.

Một “già làng” về nghề buôn đồng nát – ông Nguyễn Đức Lung (85 tuổi), ở xóm 5 xã Diễn Tháp cho hay, ông là một trong nhiều người đầu tiên ở xã tiên phong qua Lào làm ăn. Hiện nay, cả 3 người con của ông Lung đều nối gót làm giàu từ nghề buôn bán ở Lào. Ông Lung bồi hồi chia sẻ, thời điểm những năm 1991,1992 ông cùng bà con trong xã gom hàng hoá sang tận Lào buôn bán. Đến nay, tất cả các con của ông đều có nhà riêng cùng khối tài sản giá trị cả bên Lào lẫn ở Việt Nam.

Thấy gia đình ông có của ăn của để, từ đó người dân trong làng đua nhau học theo. Nhà nào cũng vận động con cháu đi theo , có những gia đình 5 người con thì cả 5 người đều đi gom đồng nát qua Lào. Ông Lung nói “Người dân ở đây cứ đùa nhau, đây là xã Lào, vì cả xã mọi người trong độ tuổi lao động đều qua Lào làm ăn…”.

Theo kể của ông Lung, ngày đó nhờ nhạy bén với thời cuộc, người dân bắt đầu dùng xe đạp cà tàng đi buôn đồng nát. Trước tiên họ phục vụ cho nghề đúc đồng của mình. Ban đầu, dân trong làng chỉ đi thu gom khắp nơi trong tỉnh rồi sau đó tiếp tục mở rộng địa bàn ra các tỉnh trong Nam, ngoài Bắc. Thời gian đầu họ chỉ mua đồng nhưng sau thấy nhôm, sắt, nhựa… cũng nhiều nên gom về nhập cho các đại lý lớn thu mua.

Thời điểm đó cả làng đi buôn đồng nát và thu mua đủ thứ như đưa xoong nồi đi đổi đồng nát, buôn lông vịt, dép nhựa hỏng, bao bì, chai lọ… Cứ hễ cái nào mua được, bán được là họ buôn hết. Cũng từ đó Diễn Tháp còn có tên gọi khác là "Làng đồng nát".

Khi phế liệu trong nước dần khan hiếm, dân Diễn Tháp lại lân ra sang tận Lào để thu mua. Thời điểm đó, giá phế liệu tại Lào vô cùng thấp, thế là người dân trong xã lại ồ ạt kéo nhau qua Lào. Mỗi chuyến phế liệu từ Lào về lại được tập kết ở các đại lý của xã Diễn Hồng (huyện Diễn Châu). Sau công đoạn qua phân loại, tái chế phế liệu được đưa trở lại Lào bán với giá cao.

Chỉ sau một thời gian ngắn, xã Diễn Tháp đã thay đổi hoàn toàn. Khắp từ đầu đến cuối xã, những tòa biệt thự cao tầng nằm san sát, nối đuôi nhau chạy dọc trên con đường khô cằn năm xưa. Từ những năm 2000, người dân ở Diễn Tháp đua nhau xây nhà tầng, biệt thự, mua xế xịn.. Diễn Tháp phất lên nhanh chóng và trở thành một trong những xã giàu nhất tỉnh Nghệ An.

Giàu nhưng không tệ nạn

Đó là lời khẳng định của chủ tịch xã Diễn tháp ông Đậu Xuân Mạnh. Khi nghe Chủ tịch xã Diễn Tháp nói chuyện, tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Đây là làng “Do Thái” (ý nói đến dự thông minh của người dân nơi đây), nhờ biết cách làm ăn mà hàng trăm người làng Diễn Tháp đã trở thành đại gia, 2/3 số hộ dân xây nhà cao tầng, nhiều biệt thự hàng chục tỷ đồng. Nhiều đại gia vùng này đã mạnh tay mua ô tô tiền tỷ…

Những ngôi biệt thự đang hoàn thiện như thế này ở Diễn Tháp không phải là hiếm


Theo ông Mạnh, cả xã hiện có trên 3.000 người trong độ tuổi lao động. Trong năm 2022 cả xã có đến 700 người đi xuất khẩu lao động ở các nước và vùng lãnh thổ như, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Mỹ, Đức, Canada, Ăngola…và trên dưới 1.000 đi làm ăn buôn bán tại Lào.

Người dân Diễn Tháp có 3 hình thức làm giàu, thứ nhất từ làm nông nghiệp (chủ yếu chăn nuôi), làm dịch vụ đại lý cho những người đồng nát xuyên biên giới (có trên dưới 50 đại lý với số vốn từ 70 triệu đồng trở lên) và số còn lại là người giao thương với Lào.

Khi tôi thắc mắc: “Người dân đi khắp nơi làm ăn như vậy chắc mang tệ nạn về xã nhiều lắm?”. Cả chủ tịch xã, lẫn phó chủ tịch xã Diễn Tháp ông Phan Huy Hùng đều lắc đầu: “Chúng tôi cam đoan, tuy giàu có nhưng ở Diễn Tháp không có tệ nạn xã hội. Từ chuyện trộm cắp vặt, đánh bài đến ma tuý…hầu như vắng bóng. Theo như cách nói của Chủ chủ tịch xã thì “Dân quê tôi khôn lắm! Không dễ gì bập vào ma tuý đâu bởi cái giá phải trả quá cao”. Nhiều năm nay, Diễn Tháp luôn nằm trong Top đầu học sinh đỗ đại học, cao đẳng so với các xã trong huyện.

Khi tự hào kể về những tấm gương làm ăn kinh tết giỏi, thành đạt trở về, phó chủ tịch UBND xã Diễn Tháp Phan Huy Hùng không khỏi ngậm ngùi khi nhắc đến một số nam thanh niên bị tai nạn rủi ro đã phải bỏ xác nơi xứ người. Nghề đồng nát là một nghề đòi hỏi sự chịu khó. Có người hành nghề theo dọc sông Mê-kông, cưỡi xe máy đến cả những vùng miền núi xa lắc, qua nhiều đèo cao, suối sâu…bỏ mạng xứ Người.

Thực tế cho thấy, nghề đồng nát ở Diễn Tháp đem lại nguồn thu lớn, tạo công ăn việc làm cho người lao động địa phương. Tuy nhiên, nghề buôn đồng nát cũng khiến người làng Diễn Tháp phải đổi mặt với sự ô nhiễm môi trường, thậm chí là những tai nạn cướp đi sinh mạng... dù nghề giúp cho người dân khá giả lên trông thấy, luôn được xướng danh "làng tỷ phú"...

Tác giả: Hoàng Trinh

Nguồn tin: Báo Công Thương

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP