Quyết định đưa vụ án ra xét xử ngày 24/12/2021 của TAND Cấp cao tại Hà Nội. |
Năm 1970, vợ chồng ông Lê Sỹ Ngũ bà Nguyễn Thị Liên được bố mẹ chia cho mảnh đất ra ở riêng và sinh sống ổn định đến nay tại xóm Diên Tiên, xã Lưu Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An (tỉnh Nghệ Tĩnh cũ). Năm 1978, vợ chồng ông Ngũ bà Liên đã đồng ý cho bạn ông Ngũ là ông Thái Lam Hồng ở nhờ và dựng tạm một ngôi nhà trên mảnh đất của mình, do tại thời điểm này ông Hồng không có nhà, đất để ở.
Trong quá trình 2 gia đình chung sống, toàn bộ diện tích mảnh đất này vẫn được ông Ngũ thực hiện nộp thuế đất cho nhà nước theo quy định đầy đủ từ năm 1970 đến nay. Năm 2000, ông Lê Sỹ Ngũ đã được UBND huyện Đô Lương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với tổng diện tích 300m2 và được cấp đổi vào năm 2010 với diện tích 354m2. Đến năm 2011 vợ chồng ông Ngũ tách một phần thửa đất cho con trai cả, phần đất còn lại trên thửa đất 77 là 239,6m2 là vợ chồng ông ở ổn định từ đó đến nay.
Các bên vẫn “ở chung” khi có các quyết định của Bản án dân sự
Năm 1982, vợ chồng ông Ngũ và bà Liên ly hôn, sau khi phân chia tài sản thì phần diện tích đất mà trước đó vợ chồng ông Ngũ cho ông Hồng ở nhờ là phần của bà Liên. Khoảng tháng 12/1982, do bão đã làm đổ ngôi nhà cũ của ông Hồng, các con ông Hồng đã góp tiền xây lại nhà mới (ngôi nhà hiện nay) thì giữa bà Liên và ông Hồng đã xảy ra tranh chấp. Năm 1983, bà Liên làm đơn đến TAND huyện Đô Lương khởi kiện ông Hồng với yêu cầu ông Hồng không được làm nhà trên đất của bà. Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 05 ngày 12/12/1983 của TAND huyện Đô Lương đã quyết định buộc ông Hồng phải tháo dỡ dời nhà ra khỏi mảnh đất mà bà Liên đang ở.
Ông Hồng đã kháng cáo, tại Bản án dân sự phúc thẩm số 06 ngày 25/02/1984 của TAND tỉnh Nghệ Tĩnh (nay là tỉnh Nghệ An) quyết định hủy án sơ thẩm và đình chỉ vụ án kiện với lý do ông Ngũ, bà Liên và ông Hồng đã có thỏa thuận lập giấy cam đoan về việc giải quyết vụ án với nội dung, bà Liên và ông Hồng không khởi kiện tranh chấp nữa vì bà Liên đã chuyển nhà về ở tại mảnh vườn khác do UBND xã cấp, ông Ngũ vẫn ở mảnh vườn cũ và không có ý kiến gì về ông Hồng, hai bên vẫn ở chung như cũ. Bà Liên chuyển đi nơi khác ở đồng thời giao lại toàn bộ nhà cửa ruộng vườn phần của bà được hưởng cho con trai và ông Ngũ quản lý.
Năm 1999, ông Thái Lam Hồng bị bệnh và qua đời, gia đình ông Hồng không còn ai sinh sống trên thửa đất tranh chấp, nên đã nhờ anh Lê Công Hoa trông coi hộ theo giấy uỷ quyền hợp pháp do UBND xã chứng nhận có nêu rõ việc tài sản để lại cho các con là ngôi nhà ngói 3 gian, nhà bếp, giếng nước “trên” diện tích 100m2 (không phải là tài sản “gắn liền” với đất nêu trong giấy uỷ quyền không hợp pháp năm 2012).
Từ 2006, ông Ngũ đã có rất nhiều văn bản gửi cơ quan chức năng đề nghị giải quyết việc yêu cầu gia đình ông Hồng tháo dỡ ngôi nhà và trả lại đất, cũng như nhờ ông Hoa trao đổi với ông Thái Lam Dũng (con trai ông Thái Lam Hồng). Sau đó, UBND xã Lưu Sơn cũng không ít lần gửi công văn và đăng tải thông tin trên báo chí 03 số đề nghị ông Dũng về giải quyết trả lại đất cho gia đình ông Ngũ, nhưng 2 năm liên tiếp ông Dũng không về cũng không trả lời. Ngày 08/9/2019, gia đình ông Ngũ đã gửi đơn khởi kiện đến TAND tỉnh Nghệ An.
Những “dấu hiệu” chưa thoả đáng tại Bản án dân sự
Quyết định tại Bản án dân sự sơ thẩm số 16/2020/DS-ST TAND tỉnh Nghệ An nêu: Tạm giao cho các con ông Hồng được sử dụng phần diện tích đất là 58,8m2 trên mảnh đất tranh chấp, sở hữu 01 ngôi nhà cấp 4, diện tích đất còn lại trả lại cho ông Lê Sỹ Ngũ; Buộc các con ông Hồng phải trích lại do chênh lệch tài sản cho ông Ngũ là 87,5 triệu; Huỷ giấy chứng nhận quyền sử dụng tại thửa đất số 77 tờ bản đồ 04, diện tích 239,6m2 mang tên ông Lê Sỹ Ngũ.
Gia đình ông Ngũ nhận thấy quyết định tại Bản án dân sự sơ thẩm của TAND tỉnh Nghệ An có nhiều điểm không phù hợp với quy định của pháp luật, nên đã gửi đơn kháng cáo lên TAND cấp cao tại Hà Nội. Ngoài ra, một số nội dung chưa thoả đáng như theo nhận định ông Hồng đã quản lý sử dụng mảnh đất tranh chấp cũng như sau này các con ông Hồng quản lý diện tích đất này liên tục, ngay tình, công khai hơn 30 năm và được sử dụng phần diện tích đất là 58,8m2 trên mảnh đất tranh chấp là không có cơ sở, không phù hợp với Điều 101 Luật Đất đai 2013, Điều 21 Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014, Điều 236 Bộ luật Dân sự 2015 cụ thể:
Về quy định quyền sử dụng đất: Trước năm 1983 nguồn gốc thửa đất tranh chấp đã được các bên xác nhận có nguồn gốc do bố mẹ ông Ngũ cho vợ chồng ông năm 1970, đồng thời tại phiên toà xét xử bà Thái Thị Anh con gái ông Hồng cũng đã thừa nhận điều này. Tại phiên toà gia đình ông Hồng không có bất cứ một bằng chứng nào chứng minh có sự mua bán mảnh đất tranh chấp, cũng như trong kết luận của bản án dân sự phúc thẩm số 06 ngày 25/02/1984 của TAND Nghệ An và nội dung giấy cam đoan 3 bên ông Ngũ bà Liên ông Hồng, đã không thể hiện rõ việc bà Liên được UBND xã cấp cho mảnh vườn khác và xây nhà trên đó có liên quan đến việc ông Hồng làm đơn xin UBND xã hay đã hỗ trợ tiền cho bà Liên làm nhà, ông Ngũ bà Liên có mua bán mảnh đất với ông Hồng hay không, mà chỉ nêu đồng ý hai bên vẫn ở chung như cũ.
Về quy định thời điểm sử dụng đất ổn định: Ông Ngũ có bằng chứng việc nộp thuế cho mảnh đất tranh chấp hàng năm theo quy định của pháp luật, có giấy chứng minh dân, hộ khẩu thường trú tại nhà ở gắn liền với đất ở, đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND huyện Đô Lương cấp năm 2000 sau đó được cấp đổi năm 2010 và tiếp đó thửa đất đã được tách thành 02 thửa năm 2011, thửa đất được thể hiện tại bản đồ đo đạc đất đai đang lưu giữ tại UBND huyện Đô Lương.
Gia đình ông Hồng chỉ cung cấp được 01 trang trong sổ mục kê (không biết năm nào) có ghi tên ông Thái Lam Hồng diện tích đất ở 100m2, các bằng chứng còn lại như nêu trên gia đình ông Hồng không có, ông Ngũ đã lên kiểm tra sổ mục kê tại UBND huyện Đô Lương thì không còn lưu giữ, kiểm tra tại UBND xã Lưu Sơn thì chỉ có duy nhất 01 tờ nêu trên không có trang bìa sổ và các trang trước và sau.
Về quy định thời gian sử dụng đất ổn định: Trước năm 1984 giữa bà Liên và ông Hồng đã có tranh chấp mảnh đất, sau đó từ năm 1984 đến năm 1999 (ông Hồng qua đời) các bên đã sống chung ổn định, sau khi ông Hồng qua đời gia đình không còn ở đó. Năm 2006 ông Ngũ đã làm đơn gửi các cơ quan chức năng đề nghị vào cuộc xử lý vụ việc yêu cầu gia đình ông Hồng tháo dỡ di chuyển nhà để trả lại đất, UBND xã Lưu Sơn đã gửi nhiều công văn thông báo tới gia đình ông Hồng, thậm chí đã đăng tải thông tin trên Báo Pháp Luật Việt Nam 03 số, nhưng gia đình ông Hồng đã không trả lời và đến giải quyết vụ việc. Như vậy TAND Nghệ An căn cứ việc gia đình ông Hồng sinh sống ổn định trên đất không tranh chấp, với thời gian sử dụng 30 năm theo quy định tại Điều 236 Bộ luật Dân sự 2015 để công nhận quyền sử dụng đất cho gia đình ông Hồng là không đúng quy định.
Mặt khác, theo nhận định của Viện Kiểm sát nhân dân Cấp cao tại Hà Nội nhận thấy quyết định của bản án sơ thẩm TAND tỉnh Nghệ An có những vi phạm về tố tụng, thu thập và đánh giá chứng cứ, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các đương sự và cấp phúc thẩm không thể khắc phục được. Do đó Viện Kiểm sát nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đã quyết định kháng nghị toàn bộ Bản án sơ thẩm dân sự số 16/2020/DS-ST TAND tỉnh Nghệ An theo thủ tục phúc thẩm. Đề nghị TAND Cấp cao tại Hà Nội xét xử theo hướng Huỷ toàn bộ Bản án sơ thẩm dân sự chuyển hồ sơ vụ án cho TAND Cấp cao tại Hà Nội giải quyết lại theo quy định của pháp luật.
Tác giả: PV
Nguồn tin: lsvn.vn