Giáo dục

Nghệ An: Xử lý nghiêm sai phạm thu, chi trong trường học không đúng quy định

Một số ít đơn vị trường học, cá nhân lãnh đạo và giáo viên tại Nghệ An chưa thực hiện đúng việc tổ chức vận động các khoản thu, chi từ các nguồn tài trợ… từ đó gây dư luận không tốt trong xã hội.

Trường Tiểu học Nghi Đức (xã Nghi Đức, thành phố Vinh, Nghệ An). (Nguồn: Báo Giáo dục và Thời đại)

Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã ra văn bản hướng dẫn công tác quản lý thu, chi năm học 2024-2025 ngay từ đầu năm học tại các cơ sở giáo dục công lập trong tỉnh.

Tuy nhiên, vẫn còn một số ít đơn vị trường học, cá nhân lãnh đạo và giáo viên chưa thực hiện đúng việc tổ chức vận động các khoản thu, chi từ các nguồn tài trợ… từ đó gây dư luận không tốt trong xã hội.

Nhiều trường thu sai quy định

Ủy ban Nhân dân xã Nghi Đức-thành phố Vinh (Nghệ An) vừa có văn bản yêu cầu Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Nghi Đức họp kiểm điểm nghiêm túc về những thiếu sót của nhà trường trong việc triển khai di dời hệ thống máy điều hòa nhiệt độ.

Song song với nội dung này, Ủy ban Nhân dân xã cũng yêu cầu nhà trường tổ chức họp phụ huynh, nhận thiếu sót và mong muốn phụ huynh thông cảm, đồng hành với nhà trường để cùng Ban Giám hiệu làm tốt hơn công tác dạy và học.

Trước đó, vụ việc “di dời máy điều hòa” của Trường Tiểu học Nghi Đức đã xôn xao trên các trang mạng xã hội chỉ sau một ngày trường tổ chức họp phụ huynh đầu năm học 2024-2025. Theo đó, các trang mạng xã hội có hình ảnh bảng kê chi tiết kinh phí thực hiện việc chuyển điều hòa của 8 phòng học với mức tổng kinh phí 3.872.500 đồng/lớp.

Theo nhiều phụ huynh, việc tháo, lắp điều hòa với nhiều khoản chi phí “cao hơn mặt bằng chung trên thị trường” là chưa phù hợp. Chưa kể trong quá trình triển khai, Ban Giám hiệu nhà trường không thông báo, bàn bạc với phụ huynh là chưa hợp lý, thiếu dân chủ. Trong khi đó, các điều hòa này là do phụ huynh tự đóng góp mua sắm và trang bị cho các lớp học.

Trước đó, từ năm học 2024-2025, Trường Tiểu học Nghi Đức đã chuyển các phòng học cũ của 2 khối 4 và 5 sang dãy nhà học mới (mới được xây dựng nhưng chưa được nghiệm thu). Song song với đó, nhà trường đã tổ chức tháo, lắp các điều hòa từ phòng học cũ sang phòng học mới.

Bà Lâm Thị Thúy Hòa, Hiệu trưởng nhà trường, thừa nhận: "Chúng tôi có thiếu sót là mới chỉ xin ý kiến và được sự đồng ý của 3 thành viên Ban đại diện Hội cha mẹ học sinh nhà trường mà chưa xin ý kiến của Hội cha mẹ học sinh các lớp. Vì thế, dù mục đích của nhà trường là để cho các con vào năm học mới có điều kiện tốt nhất học tập, nhưng lại nhận được ý kiến trái chiều. Trên thực tế, điều hòa của các lớp là do phụ huynh đóng góp. Vì vậy, việc nhà trường tự ý thực hiện và buộc phụ huynh kí biên bản bàn giao điều hòa cho trường là chưa hợp lý."

Ông Nguyễn Văn Cảnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Nghi Đức cho biết: "Việc triển khai của nhà trường dù có mục đích tốt nhưng chưa thực hiện nghiêm túc trong việc thực hiện các quy định của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở “Dân biết, dân bàn, dân làm và dân kiểm tra.”

Ngoài ra, khi thực hiện các công việc liên quan đến tài chính tại nhà trường thì trường cần phải có kế hoạch cụ thể, báo cáo Phòng Giáo dục và Đào tạo, chính quyền địa phương nắm và chỉ đạo. Đặc biệt, cần phải thông qua và lấy ý kiến thống nhất của các bên liên quan trước khi thực hiện."

Không chỉ thực hiện không đúng quy trình, nhiều trường còn vận động tài trợ sai quy định.

“Mong phụ huynh lớp 6 nói chung và lớp ta nói riêng ủng hộ vận động tài trợ thêm để nhà trường hoàn thành kế hoạch. Qua nắm bắt tình hình ủng hộ vận động tài trợ một số phụ huynh của lớp ta thì nhà trường không thể hoàn thành kế hoạch mua sắm cơ sở vật chất được, rất mong phụ huynh chia sẻ”... là tin nhắn của ông Nguyễn Hữu Hồng, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Đỉnh Sơn (huyện Anh Sơn) gửi cho phụ huynh lớp 6 của trường.

Khi nhận được thông tin này, nhiều phụ huynh khá bất ngờ bởi nhóm kín của lớp nhưng hiệu trưởng nhà trường lại trực tiếp vào để vận động tài trợ.

Trước đó, tại buổi họp phụ huynh của các lớp, nhiều lớp của trường trên cũng đã thông báo các khoản thu trong năm học 2024-2025.

Đáng chú ý, trong “danh mục” này, ngoài một số khoản thu theo quy định, có một số khoản thu dù là “tự nguyện” hoặc phải được triển khai trên cơ sở thỏa thuận với Ban đại diện cha mẹ học sinh nhưng lại được các lớp đưa ra mức thu cố định như: tiền vận động tài trợ (xã hội hóa) 350.000 đồng, tiền quỹ đoàn, quỹ đội, tiền vệ sinh...

Tương tự, trên địa bàn huyện Anh Sơn, một số trường cũng đã vận động thu tiền của phụ huynh để mua tivi hoặc nạp các khoản thu trái quy định như mua ghế, tiền kế hoạch nhỏ, tiền hội...

Liên quan các khoản thu này, ông Đoàn Văn Thanh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Anh Sơn, cho biết huyện đã thành lập đoàn kiểm tra để xác minh các thông tin phụ huynh đã nêu. Tuy chưa có kết quả cuối cùng nhưng hiện chưa có trường nào trên địa bàn được Phòng Giáo dục và Đào tạo phê duyệt kế hoạch vận động tài trợ.

Bên cạnh đó, các khoản thu khác dù không sai nhưng trước khi thu, các trường phải xây dựng kế hoạch và được huyện thông qua mới được phép thu.

Chấn chỉnh lạm thu, chi đầu năm học

Từ đầu năm học tới nay huyện Anh Sơn đã ra nhiều văn bản yêu cầu các cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện nghiêm túc các khoản thu, chi đầu năm học 2024-2025.

Phòng Giáo dục và Đào tạo cũng rất cẩn trọng trong việc phê duyệt các khoản vận động tài trợ để phù hợp với thực tiễn; yêu cầu các nhà trường cần phải niêm yết công khai các văn bản quy định về thu, chi để mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên, phụ huynh và người học được biết về các khoản thu, chi cũng như quy trình, nguyên tắc thực hiện.

Song song với đó, các cơ sở giáo dục phải công khai tất cả khoản thu đến từng phụ huynh, thực hiện dãn các khoản thu.

Học sinh một trường tiểu học. (Ảnh minh họa: Thanh Tùng/TTXVN)

Huyện cũng nghiêm cấm các nhà trường không được lợi dụng Ban đại diện cha mẹ học sinh dưới hình thức “tự nguyện” thu từ cha mẹ học sinh để mua máy móc, trang thiết bị, quà tặng cho nhà trường.

Bên cạnh đó, các trường học tuyệt đối không được đưa ra các khoản thu khi chưa có văn bản thống nhất của Ủy ban Nhân dân huyện.

Ngoài ra, huyện yêu cầu các nhà trường cam kết không thu, không tùy tiện thu các khoản thu, các loại quỹ trái quy định. Nếu thu sai, hiệu trưởng nhà trường phải chịu trách nhiệm...

Đầu năm học mới, Nghệ An đã công bố những khoản thu theo quy định tại các nhà trường trong năm học 2024-2025. Năm nay có 3 khoản thu theo quy định với các mức thu cụ thể là: thu học phí, thu bảo hiểm y tế và khoản thu dịch vụ trông giữ xe đạp. Ngoài các khoản thu trên, các nhà trường thực hiện các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của nhà trường.

Theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An, việc triển khai phải theo nguyên tắc: vào đầu năm học, căn cứ nhu cầu của học sinh và được sự đồng thuận của cha mẹ học sinh, tình hình thực tế tại đơn vị mình, nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục, trong đó có nội dung dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của nhà trường, tổ chức thông báo rộng rãi trên website, bảng tin, cổng thông tin điện tử của nhà trường... để học sinh, cha mẹ học sinh biết đăng ký tham gia.

Trên cơ sở đó, các trường xây dựng dự toán thu chi các khoản dịch vụ đảm bảo nguyên tắc thu đủ bù chi, không vì mục đích thương mại, phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân trên địa bàn.

Liên quan đến nội dung này, Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An cũng đã có văn bản chỉ đạo đối với ngành Giáo dục và Đào tạo và các ngành liên quan nhằm thực hiện nghiêm các khoản thu lĩnh vực giáo dục, đào tạo trong năm học 2024-2025.

Ông Nguyễn Trọng Hoàn, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết: "Quan điểm chỉ đạo chung là yêu cầu các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc các quy định về thu chi ngay từ đầu năm học, bảo đảm công khai, minh bạch, dân chủ, xử lý nghiêm đối với các trường hợp cố ý vi phạm, nhằm tạo ra nề nếp và tạo được sự đồng thuận, ủng hộ của phụ huynh cũng như dư luận xã hội đối với ngành Giáo dục và Đào tạo, huy động tốt nguồn lực xã hội hóa, vận động cộng đồng chung tay đầu tư, chăm lo cho sự nghiệp giáo dục"./.

Tác giả: Bích Huệ

Nguồn tin: vietnamplus.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP