Giáo dục

'Nghị quyết về học phí': Người trong Ngành giáo dục TP. Vinh nói thực hiện 'phức tạp'

Thậm chí họ cho rằng, thực tiễn triển khai còn bất cập và khó khăn dù việc phân định mức thu cao thấp trong Nghị quyết 14 là rất nhân văn nhằm đảm bảo công bằng về mức thu nhập giữa các địa phương.

Giáo viên và Hiệu trưởng thừa nhận bất cập

“Tại buổi họp phụ huynh vừa qua, giáo viên đã thông qua kế hoạch thu các khoản đầu năm học 2022-2023. Trong đó “căng” nhất vẫn là khoản thu học phí theo Nghị quyết 14 của Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An. Rất nhiều phụ huynh cho rằng mức thu cao quá, tăng nhanh quá và chênh giữa Phường và Xã cao quá. Phường tăng 170 ngàn còn Xã thì chỉ tăng 10 ngàn so với năm học trước”, một giáo viên cấp 2 trên địa bàn TP. Vinh chia sẻ.

Ngoài ra giáo viên này còn chỉ ra một số bất cập khi thực hiện thu học phí theo Nghị quyết 14 mà quy định “cứng” là: học sinh có hộ khẩu ở đâu thì thu theo ở đó. Nhưng thực tế có gia đình có hộ khẩu ở một xã ngoài tỉnh Nghệ An nhưng bố mẹ sống trên địa bàn phường Hưng Dũng để buôn bán. Vậy sẽ phải thu như thế nào? Tại sao sống ở phường Hưng Dũng nhưng lại chỉ thu có 100 ngàn đồng vì theo hộ khẩu là 1 xã ở ngoại tỉnh?

Rất nhiều phụ huynh có con học cấp 2 cho rằng mức thu cao quá, tăng nhanh quá và chênh giữa Phường và Xã cao quá.

Trao đổi với PV, cô Nguyễn Thị Thanh Nga - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Hưng Dũng (thuộc phường Hưng Dũng, TP. Vinh) cho biết, hiện Trường Trung học cơ sở Hưng Dũng đã triển khai họp phụ huynh và mới chỉ thông báo về kế hoạch thu học phí (chưa thu). Tinh thần thu học phí là theo Nghị quyết 14 của Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An. Cụ thể hoá là các văn bản hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An và UBND TP. Vinh.

Theo đó học phí năm học 2022-2023 đối với học sinh có hộ khẩu ở Phường là 300 ngàn đồng và lộ trình 1 năm tăng 15 ngàn; còn học sinh có hộ khẩu ở Xã là 100 ngàn đồng và lộ trình 1 năm tăng 5 ngàn đồng. Quy định của Nghị quyết 14 là học sinh có hộ khẩu ở đâu thì mức thu ở đó. Nhưng vì trường có học sinh trái tuyến ở các xã nên trường đang yêu cầu phụ huynh nộp hộ khẩu phô tô để thống kê.

Hiệu Trưởng Trường Trung học cơ sở Hưng Dũng Nguyễn Thị Thanh Nga cũng thông tin: Như một số trường khác trên địa bàn TP. Vinh thì tại trường cũng có học sinh trái tuyến ở các xã: Nghi Phú, Hưng Lộc về học. Năm học 2022-2023 trường cũng có gần 40 học sinh trái tuyến bước vào lớp 6. Cô Nga cũng cho biết là việc có học sinh trái tuyến mà thu theo Nghị quyết 14 sẽ có một khó khăn và phức tạp.

Tại Trường Trung học cơ sở Lê Mao, cô Nguyễn Thị Thanh Thu (Hiệu trưởng) cũng thừa nhận là hiện trong trường cũng có khoảng 30 học sinh trái tuyến. Vì thế nếu thu theo Nghị quyết 14 thì sẽ có việc trong 1 lớp học sẽ 2 mức thu: 100 ngàn đồng và 300 ngàn đồng.

"Học ở đâu thì thu theo ở đó là hợp lý"

Về những thông tin trên, cô Hoàng Phương Thảo-Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Vinh khẳng định việc các trường triển khai kế hoạch thu học phí năm học 2022-2023 là dựa theo quy định của Nghị quyết 14, trong đó có các hướng dẫn rất cụ thể của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An cũng như UBND TP. Vinh. Về mức thu 300 ngàn đồng đối với học sinh cấp 2 có hộ khẩu ở Phường là mức sàn thấp nhất theo lộ trình các năm của Nghị định Chính phủ.

Tuy nhiên cô Thảo cũng cho rằng khi nhận hướng dẫn thu học phí theo hộ khẩu phòng đã lường trước sẽ xảy ra một số bất cập như phản ánh của giáo viên và Hiệu trưởng trên. Việc phân định mức thu cao thấp trong Nghị quyết 14 là rất nhân văn nhằm đảm bảo công bằng về mức thu nhập giữa các địa phương nhưng thực tiễn triển khai lại bất cập.

Bởi lẽ có những học sinh nhà ở Xã nhưng sống ở khu đô thị Minh Khang nhưng khi học trái tuyến ở Phường lại chỉ phải đóng học phí 100 ngàn đồng. Điều này là chưa hợp lý khi mà quy định mức thu trong Nghị quyết 14 là hỗ trợ vùng khó khăn.

Vì thế theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Vinh Hoàng Phương Thảo thì quy định thu theo hộ khẩu sẽ phức tạp mà nên thu theo nơi cư trú hoặc thu theo điểm trường là tốt nhất.

“Nếu anh ở Xã mà do nhu cầu trường lớp không có bắt buộc bị phân tuyến sang Phường học thì lại khác. Còn ở đây nếu anh ở Xã mà tự nguyện xin sang Phường học thì phải chấp nhận nộp học phí theo Phường. Hiện phòng đã báo cáo những bất cập và kiến nghị lên UBND TP Vinh”, cô Hoàng Phương Thảo thông tin.

Đồng quan điểm trên, cô Nguyễn Thị Thanh Nga – Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Hưng Dũng nói: “Anh đã chấp nhận học trái tuyến thì anh phải nạp theo quy định ở địa phương đó. Để khỏi phức tạp cho trường là thu theo nơi cư trú chứ ko phải thu theo hộ khẩu gốc hoặc thu theo trường là tốt nhất”.

Cô Nguyễn Thị Thanh Thu-Hiệu trưởng Trường THCS Lê Mao thì đề xuất: “Phù hợp mà không phân biệt mức thu giữa các học sinh trong 1 lớp là học ở đâu thì thu theo ở đó là hợp lý”.

Tăng học phí năm học 2022-2023 không chỉ diễn ra ở cấp 3, cấp 2 mà cả cấp học Mầm non.

Trưởng ban chuyên trách Ban Văn hoá - Xã hội nói gì?

Ngày 10/10/2022, Đời sống và Pháp luật có bài viết: “Nghệ An: Phụ huynh TP. Vinh nói Nghị quyết liên quan đến học phí có nhiều bất cập” phản ánh: Ngày 14/7/2002, Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An đã ban hành Nghị quyết số 14/2022/NQ-HĐND quy định về mức thu học phí. Điểm phụ huynh quan tâm nhất ở Nghị quyết này đó là “học phí tăng”. Nghị quyết số 14 có hiệu lực từ 1/9/2022.

Cùng ngày ông Chu Đức Thái – Trưởng ban chuyên trách Ban Văn hoá-Xã hội, Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An thông tin: Mức thu học phí trong Nghị quyết 14 là mức sàn thấp nhất so với Nghị định 81 của Chính phủ. Theo đó Nghị định 81 của Chính phủ quy định mức thu thấp nhất là 300 ngàn đồng nên Nghị quyết không thể đưa xuống mức thấp hơn là 200 ngàn đồng hay 150 ngàn đồng. Về thu học phí phân theo vùng cũng xây dựng theo Nghị định 81. Khi xây dựng biết cũng sẽ có sự chênh lệch nhưng theo quy định thì Thành thị bao gồm các Phường thuộc thành phố và Thị xã. Ban đầu cũng định đưa các xã của TP Vinh vào nhóm Thành thị nhưng thực tế đi khảo sát thấy người dân khó khăn. Vì thế đã xây dựng mức thu làm sao để chia sẻ nhất cho người dân nên mới đưa họ xuống vùng Nông thôn.

Về những bất cập trên? Ông Thái cho rằng cũng tính đến nhưng thực tế là do học sinh học trái tuyến, trong khi phải học đúng tuyến. Còn nguyên tắc khi xây dựng Nghị quyết phải dựa trên cơ sở pháp lý. Đó là ai ở vùng nào thì đóng theo ở vùng đó. Vì thế thực tế sẽ có trường hợp người rất giàu ở Nông thôn nhưng sẽ có người rất nghèo ở Thành thị. Bởi vì bất kỳ chính sách nào cũng phải xác định vùng miền.

Đời sống và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin./.

Tác giả: Trọng Đức

Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP