Giáo dục

Nghiên cứu chục năm vẫn chưa xong tiến sĩ

Có nghiên cứu sinh làm chục năm chưa xong tiến sĩ, nhiều người bỏ ngang. Cơ chế hiện nay không khuyến khích giảng viên học tiến sĩ vì quá cực.

Nghiên cứu sinh thực hiện nghiên cứu tại phòng thí nghiệm vi mạch và hệ thống cao tần Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) - Ảnh: NHƯ QUỲNH

Đây đã là năm thứ 9 trong chương trình tiến sĩ của ông H. - cán bộ quản lý một trường đại học tại TP.HCM. Hiện ông phải thu thập lại số liệu, xử lý dữ liệu để cập nhật nghiên cứu theo yêu cầu của hội đồng vì số liệu trước đó đã cũ.

Khả năng ngoại ngữ của người hướng dẫn và nghiên cứu sinh chưa tốt, chưa thể đọc hiểu đầy đủ các nghiên cứu mới nhất về lĩnh vực của mình nên chưa nhìn được tổng quan để từ đó tìm ra cái mới hay phát triển thêm cái đã được nghiên cứu. Điều này dẫn đến việc nghiên cứu kiểu quanh quẩn cối xay, không thật sự chất lượng và có giá trị áp dụng thực tế.

PGS.TS ĐỖ VĂN DŨNG


Gần chục năm chưa xong

Ông H. cho biết trúng tuyển nghiên cứu sinh tiến sĩ quản trị kinh doanh từ năm 2015 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành luận án. Nói về việc học tiến sĩ, ông H. cho biết cái khó nhất là thời gian và tính mới của đề tài.

"Vừa làm vừa học nên thực sự không thể tập trung hoàn toàn cho việc nghiên cứu. Đó là lý do khiến thời gian hoàn thành bị kéo dài", ông H. nói.

Thế nhưng, ngoài thời gian, ông H. cũng cho biết có nhiều yếu tố khác khiến việc học không đúng tiến độ. Nghiên cứu sinh học ba chuyên đề, xong mỗi chuyên đề phải viết báo cáo chuyên đề. Tuy nhiên ý kiến hội đồng mỗi chuyên đề khác nhau.

Hội đồng chuyên đề 1 đồng ý nhưng có thành viên hội đồng chuyên đề 2 không đồng ý hoặc góp ý điều chỉnh. Nếu nghiên cứu sinh không thuyết phục được sẽ phải làm lại, sửa lại. Việc này tốn rất nhiều thời gian.

"Việc kéo dài này khiến cho những số liệu mà tôi thu thập khi thực hiện ba chuyên đề đến nay nhiều cái đã lạc hậu. Do đó tôi được yêu cầu phải bổ sung số liệu mới của những năm gần đây. Vậy là phải thu thập, xử lý dữ liệu, viết lại", ông H. cho hay.

Tương tự, ông T., giảng viên một trường đại học tư thục tại TP.HCM, cho biết hiện đã là năm thứ 7 nhưng ông chưa hoàn thành luận án tiến sĩ. Ông cho biết vừa dạy vừa làm các công việc chuyên môn như kiểm định, hỗ trợ sinh viên, các hoạt động của trường khiến thời gian cho nghiên cứu rất ít.

"Toàn bộ dữ liệu nghiên cứu tôi thuê một công ty chuyên nghiệp họ thu thập, nhập liệu, xử lý bước đầu, tôi chỉ xem lại và đánh giá, phân tích. Ngay cả như vậy cũng bị trễ tiến độ", ông T. cho hay.

Trong khi đó, ông N. vừa nhận bằng tiến sĩ chuyên ngành điện vào năm 2022 sau 7 năm miệt mài. Tuy nhiên ông cho biết khóa của ông có nhiều người bỏ giữa chừng sau khi xong chuyên đề 2.

"Cái khó của khối ngành kỹ thuật là thiếu trang thiết bị và phòng nghiên cứu. Làm tiến sĩ khối kỹ thuật rất tốn kém và đòi hỏi thực nghiệm, thí nghiệm nhiều. Chẳng hạn các mô hình phải đặt mua từ Hàn Quốc về lập trình lại hệ thống điện tử, chứ trong nước không có hoặc thiếu chính xác.

Tôi may mắn được giáo sư ở phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) hỗ trợ lab để làm các nghiên cứu chuyên sâu. Nếu không có lab này thì tôi cũng không thể nào hoàn thành đề tài của mình", ông N. nói thêm.

Việc nghiên cứu sinh bỏ không làm tiến sĩ không phải hiếm. Ông V. cũng từng ngược xuôi TP.HCM - Hà Nội học xong các chuyên đề tiến sĩ, đã bảo vệ đề cương cấp cơ sở nhưng vì không thống nhất được hướng làm luận văn với cán bộ hướng dẫn và góp ý của thành viên hội đồng nên ông quyết định bỏ ngang.

Nói về việc bỏ học tiến sĩ, ông V. cho biết hội đồng góp ý thay đổi tên đề tài, cán bộ hướng dẫn không đồng ý với hướng nghiên cứu của mình nhưng các trao đổi đều không mang lại hiệu quả.

"Tôi học ba chuyên đề nhưng nói thật không liên quan gì đến đề tài tôi đang nghiên cứu. Thầy hướng dẫn có cách nhìn khác với tôi về vấn đề tôi đề xuất nghiên cứu. Nếu làm theo cách của thầy, tôi thấy đề tài của mình không đi đến đâu và cũng không có nhiều đóng góp thực tế, không đúng với mục tiêu nghiên cứu của mình. Thế là tôi quyết định bỏ không tiếp tục làm tiến sĩ", ông V. nói.

Lễ trao bằng tốt nghiệp tiến sĩ và thạc sĩ tại Trường đại học Mở TP.HCM - Ảnh: N.T.

Khó đủ bề

Theo các chuyên gia, các điều kiện tuyển sinh tiến sĩ ngày càng chặt, nhiều ngành hot đi làm được trả lương cao, thiếu chính sách hỗ trợ tài chính cho nghiên cứu sinh là những yếu tố khiến nhiều người không mặn mà học tiến sĩ. Đó là chưa kể đào tạo kiểu vừa làm vừa học khiến thời gian kéo dài, ảnh hưởng chất lượng nghiên cứu.

Đánh giá về đào tạo tiến sĩ tại Việt Nam hiện nay, PGS.TS Vũ Hải Quân, giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM, cho rằng vẫn còn nhiều bất cập, chưa khuyến khích người học học tiến sĩ. Theo ông Quân, hiện nay chưa có chính sách cấp học bổng cho nghiên cứu sinh.

Tính riêng ở lĩnh vực khoa học công nghệ, nhiều trường đại học tại Singapore, Hong Kong, Đài Loan sẵn sàng trả tiền cho nghiên cứu sinh bằng hoặc cao hơn mức lương mà doanh nghiệp trả cho sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc.

Một điểm bất cập nữa là kết nối giữa nhà trường, nhà khoa học và doanh nghiệp ở Việt Nam còn hạn chế nên chưa có nhiều đặt hàng, tài trợ nghiên cứu mang tính mới, thực tiễn đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Ngài ra, các quy định liên quan đào tạo chưa theo thông lệ quốc tế, một số ngành thiếu chuyên gia đầu ngành do quy trình xét chức danh giáo sư, phó giáo sư hiện nay.

Cùng quan điểm này, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, nguyên hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho rằng người học tiến sĩ ở Việt Nam khó đủ thứ. Vừa làm vừa học như học tại chức nên không có nhiều thời gian nghiên cứu.

Thiếu phòng thí nghiệm, trang thiết bị nghiên cứu chuyên dụng, nhất là khối ngành kỹ thuật với đặc thù phải nghiên cứu lý thuyết sau đó thực nghiệm để chứng minh. Có những vật liệu rất đắt tiền đôi khi nghiên cứu sinh không thể mua để làm.

Ở nước ngoài người hướng dẫn kéo dự án về cho nghiên cứu sinh làm và nhiệm vụ của họ là làm việc ở lab để nghiên cứu.

Hiện nay, nhiều trường đại học đưa ra các quy định bắt buộc giảng viên phải học tiến sĩ trong thời gian nhất định, nếu không sẽ bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ.

Mới đây, Trường đại học Công Thương TP.HCM ra thông báo yêu cầu giảng viên nữ dưới 45 tuổi, nam dưới 50 tuổi đã có bằng thạc sĩ bắt buộc phải học tiến sĩ. Khi đăng ký, giảng viên phải dự kiến tiến độ học tập, thời gian dự kiến hoàn thành khóa học và nhận bằng tốt nghiệp; thời gian học nghiên cứu sinh không quá 6 năm.

Chính sách khuyến khích

TS Phạm Tấn Hạ, phó hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) cho biết trường quy định giảng viên có trình độ thạc sĩ sau 5 năm, dưới 40 tuổi phải học tiến sĩ. "Thực sự vừa làm vừa học giảng viên sẽ gặp khó khăn.

Do đó trường hỗ trợ 50% học phí, giảm 50% giờ dạy, chế độ chính sách giữ nguyên để khuyến khích giảng viên học lên tiến sĩ. Việc này nhằm nâng tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ, bổ sung lực lượng tiến sĩ trẻ cũng như đáp ứng tốt hơn yêu cầu giảng dạy", ông Hạ nói.

Chọn chỗ quen học để dễ "ăn nói"

Anh Q., giảng viên một trường đại học lớn tại TP.HCM, không học tiến sĩ tại trường mình đang làm việc mà chọn học ở một trường tỉnh. Theo anh Q., lý do chọn trường tỉnh vì trước đó đã quen thân với một tiến sĩ ở đây và người này đồng ý hướng dẫn cho mình.

"Cùng đào tạo tiến sĩ nhưng mỗi trường có thêm các quy định khác nhau, như trường tôi làm rất nghiêm ngặt nên khó. Người trong trường cũng khó mở miệng nhờ vả vì còn làm việc với nhau sau này nữa. Thế nên tôi chọn học ở trường khác, có chuyện gì cũng dễ "ăn nói" hơn", anh Q. chia sẻ.

Tác giả: Minh Giảng

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP