Hấp dẫn tô bún thịt nướng phố Hội |
Mẹ tôi cho một ít bún váo bát trước khi đặt vài lát thịt nướng, một ít rau sống, sợi đu đủ chua sau đó mới chan nước lèo.
Nước lèo bún thịt nướng là thứ "nước sốt" đặc biệt, nó có màu vàng nhạt, chất hơi sền sệt, thơm mùi đậu phộng và đường.
Có lẽ, với nhiều người dân phố Hội quê tôi, con đường Bạch Đằng uốn lượn bên dòng sông Hoài từng là một miền kí ức trong trẻo, mát lành của tuổi thơ.
Làm sao quên được những ngày vui đùa nghịch nước mùa lụt hay buổi chiều hè mát lành thỏng thả ngồi câu cá.
Giờ đây, khi tóc đã chuyển hai màu, tôi lại có thói quen lang thang trên con đường ấy. Không chỉ vì ánh đèn lồng lấp lánh, những đóa hoa đăng lung linh huyền ảo mà hút hồn tôi là những gánh hàng ẩm thực.
Cả trăm quang gánh đua nhau mời gọi. Từ gánh xí mà, chè bắp, bánh bao bánh vạc đưa hương nhẹ nhàng trong gió cho đến các đặc sản cao lầu, mì Quảng, hến xào... và đặc biệt bún thịt nướng thơm lừng, ngào ngạt.
Rất nhiều món trên con đmường ẩm thực ấy nhưng không hiểu sao tôi ghiền bún thịt nướng nhất.
Có lẽ không chỉ đơn giản bún thịt nướng nằm trong danh sách món ngon đường phố tại Hội An mà mỗi khi thưởng thức từng cọng bún trắng ngần, lát thịt nướng vàng ươm ấy lại làm cho tôi tự hào hơn về người mẹ thân thương.
Tôi không còn nhớ gánh bún thịt nướng của mẹ có từ bao giờ. Chỉ biết, khi ba mất, cả nhà tôi sống nhờ vào gánh bún của mẹ. Đấy là những ngày đầu những năm 1990, thành phố Hội An bắt đầu rộn ràng khách du lịch, mẹ chọn ngay đầu đường Bạch Đằng để đặt đôi quang gánh.
Gánh bún thịt nướng trên đường Bạch Đằng - phố Hội tô thêm vẻ đẹp cho cung đường ẩm thực phố Hội |
Gánh hàng bún thịt nướng của mẹ bắt đầu "đỏ lửa" lúc hoàng hôn vừa buông xuống. Khách gọi, mẹ vội vã bưng từng tô bún, trán lấm tấm mồ hôi, nụ cười vồn vã. Tô bún của mẹ thật giản đơn.
Những sợi bún nhỏ nhắn mẹ lấy từ lò làm bún thủ công, vài lát thịt nướng nóng hổi được đặt khéo léo, điểm vài cộng rau xanh, sợi đu đủ muối chua, chỉ thế thôi mà lúc nào cũng đông khách.
Thật ra, bún thịt nướng vốn là món sở trường của mẹ trước khi mẹ quyết định gắn bó với nghề này. Mẹ học được từ các bà, các chị sống bên nhà và thường trổ tài mỗi khi nhà có khách.
Những hôm rảnh rỗi tôi mon men phụ mẹ bán bún. Nhớ một lần mẹ bảo với khách khi nhận được câu xuýt xoa khen ngon: "Chú à, thực ra không chỉ riêng gánh bún tôi ngon đâu, hầu hết bún thịt nướng được bày bán ở phố Hội có cùng chung công thức vì mọi người học hỏi, không ngại truyền tai nhau bí kiếp chế biến để cùng tạo nên một món ăn có vị trí trong lòng thực khách".
Thịt sau khi ướp được nướng nóng hổi, thơm lừng thú hút nhiều du khách |
Và có lẽ vì vậy mà dù Hội An có trải qua bao thăng trầm và tôi đã trưởng thành, đi nhiều nơi, thưởng thức nhiều món ngon vật lạ thì vị đậm đà, thơm ngon đặc trưng bún thịt nướng vẫn không hề phai, luôn mê hoặc tôi.
Nguyên liệu để làm nên món bún thịt nướng không có gì quá đặc biệt, chủ yếu là bún và thịt nướng. Bún phải là loại bún làm thủ công, thơm ngon, không có vị chua, không to dài mà nhỏ nhắn, mềm mại.
Thịt nướng phải chọn thịt heo dân nuôi, cho ăn rau, ăn cám vừa mới mổ, loại thịt ba chỉ hoặc nạc vai, có cả mỡ, cả nạc.
Sau khi cắt lát thịt hình vuông mỏng, ướp thịt cùng với gia vị, một chút riềng, sả. Để thịt ngấm từ một đến 2 tiếng, trước khi nướng cho một chút dầu ăn để thịt không khô. Khi thịt đã ngấm gia vị, người chế biến rải đều mè lên từng lát thịt rồi nhanh chóng đặt lên vỉ nướng.
Ở phố Hội, thịt nướng bằng than củi nên bao giờ cũng thơm và ngon. Khi nướng thịt, người bán hàng phải chú ý quạt lửa cũng như lật đều vỉ thịt sao cho thịt vừa chín tới chứ không bị cháy. Thoáng chốc, hương thơm ngọt ngào xen lẫn mùi thơm khói than lan tỏa cả góc phố.
Riêng công đoạn nước lèo thể hiện sự khéo léo, tinh tế của người chế biến. Nước lèo bún thịt nướng là thứ "nước sốt" đặc biệt, có màu vàng nhạt, chất hơi sền sệt, thơm mùi đậu phộng và đường. Ngoài ra, một vài thực khách còn thích nước mắm ớt tỏi chua ngọt.
Cô chủ gánh bún phối các nguyên liệu với nhau sao cho hài hòa |
Bây giờ chỉ cần phối các nguyên liệu với nhau sao cho hài hòa. Mẹ tôi có thói quen cho một ít bún váo bát trước khi đặt vài lát thịt nướng, một ít rau sống, sợi đu đủ chua sau đó mới chan nước lèo.
Bao giờ cũng có một số phụ gia như ớt, chanh trên bàn nhưng dường như thực khách không cần nhích thêm một tí nữa vì bát bún vốn đã rất phù hợp với khẩu vị.
Từ ngày tôi đỗ đại học, gánh bún thịt nướng của mẹ thêm nặng trĩu. Những khi trời mưa gió, dù biết rằng chẳng giúp được gì nhiều cho mẹ nhưng cũng mong chạy về với mẹ, chỉ để quanh quẩn bên gánh nhỏ, chỉ để được nhìn thấy nụ cười ân cần của mẹ bên những vị khách xung quanh.
Giờ đây, đôi bàn tay run rẩy của mẹ không thể chế biến thịt nướng được nữa và đôi vai gầy không còn đủ sức để tiếp tục gánh bún như ngày nào, nhưng với tôi vẫn nhớ hoài, thương hoài vị bún ngọt ngào tình mẫu tử, tình người của mẹ.
Và những lúc mệt mỏi, chán chường tôi lại tìm về nơi ấm áp nhất dẫu đó chỉ là những gánh bún bên đường Bạch Đằng, phố Hội.
Tác giả: Văn Thị Hoàng
Nguồn tin: Báo Tuổi Trẻ Online