Kinh tế

Người dân Diễn Châu khoan giếng lấy nước mặn ngầm để nuôi tôm

Do nước bị ô nhiễm, tôm hay bị dịch bệnh, hàng trăm hộ bị thua lỗ nên nhiều hộ gia đình ở xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu đã có sáng kiến khoan giếng lấy nước mặn ngầm nuôi tôm.

Anh Trần Văn An ở xóm Xuân Bắc, xã Diễn Vạn chăm sóc tôm vụ 2. Ảnh: Mai Giang

Hướng chuyển đổi diện tích làm muối sang nuôi trồng thủy sản được Diễn Vạn triển khai hàng chục năm nay nhưng không thành công, do nước sông ô nhiễm, cá tôm chết hàng loạt. Với quyết tâm biến khó khăn thành lợi thế, năm 2016, một số hộ đã có sáng kiến khoan giếng để lấy nước mặn ngầm pha với nước ngọt nuôi tôm. Nhờ chủ động được nguồn nước sạch hơn đã giúp tôm phát triển nhanh, hạn chế được các loại dịch bệnh nên đạt năng suất cao, bình quân đạt 7 tấn/ha.

Là người đầu tiên áp dụng sáng kiến nuôi tôm bằng nước mặn ngầm, anh Trần Văn An ở xóm Xuân Bắc, xã Diễn Vạn đã hóa giải được bài toán thua lỗ trên diện tích 4.000m ao của gia đình qua nhiều năm nuôi trồng thủy sản.

Anh cho khoan 5 giếng có độ sâu 10m để lấy nước mặn. Nước giếng được bơm đưa vào một ao lắng và xử lý kỹ độ kiềm, kim loại nặng sau đó mới dẫn nước vào ao nuôi. Cách làm này đã đem lại thắng lợi cho 3 vụ tôm đầu, gia đình anh thu về cả tỷ đồng.

Anh An cho biết: "Nước lọc ngầm độ kiềm rất cao, kim loại nặng lớn nên chi phí xử lý cũng cao. Độ mặn thấp thì giống bị hao, thả 10 con thì hao hết 5 - 6 con; nhưng làm bằng nước mặn ngầm thì đảm bảo được con giống. Tôi làm thời gian đầu, giờ ai cũng học làm cả".

Gia đình anh Hoàng Văn Hương thu hoạch vụ tôm nuôi bằng nước mặn ngầm. Ảnh: Mai Giang

Cũng như anh An, gia đình anh Hoàng Văn Hương, đầu năm 2018 đã quyết định đầu tư hàng trăm triệu đồng khoan giếng để chuyển 0,5ha từ nuôi cá, cua sang nuôi tôm bằng nước mặn ngầm. Vụ đầu, làm thử nghiệm nên anh thả thưa, chỉ 20 vạn con giống. Qua gần 4 tháng nuôi đã cho anh thu hoạch hơn 2,5 tấn tôm, thu về gần 300 triệu đồng.

Anh Hương chia sẻ: Toàn bộ khu vực làm muối chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản, kinh tế cao hơn. Gia đình đã khoan 6 cái bơm để đưa nước vào ao tăng độ mặn. Sau vụ này, tôi sẽ cải tạo để nuôi sẽ dày hơn.

Còn đối với anh Mai Quang Hùng, tuy sinh sống ở thành phố Vinh nhưng khi thấy những cánh đồng muối của quê hương bỏ hoang, anh đã về quê đầu tư nuôi tôm. Anh cũng khoan 5 giếng có độ sâu 10m để lấy nước mặn ngầm. Nhờ đó, nuôi tôm trên đồng muối đã thành công. Chỉ với 0,5 ha, mỗi vụ anh thu về hơn 6 tấn tôm, trị giá gần 700 triệu đồng, không thua kém gì so với nuôi bằng nước biển.

Với thành công này, anh Hùng đang thuê thêm 1,5 ha nữa để nuôi tôm bằng nước mặn ngầm. Anh cho biết, sử dụng nước ngầm phải mất công xử lý nhưng rất tốt, an toàn cho con tôm; hiện nay gia đình nuôi tôm hoàn toàn không dùng hóa chất, tôm đảm bảo sạch.

Nhiều người học đến học cách nuôi tôm bằng nước mặn ngầm của anh Mai Quang Hùng. Ảnh: Mai Giang

Thu nhập cao từ nuôi tôm trên vùng đất chua mặn bỏ hoang được xem là kỳ tích đối với bà con ở đây. Từ chỉ 4 ha nuôi tôm thẻ chân trắng, đến nay, Diễn Vạn đã có 32 ha với 60 hộ nuôi.

Ông Hoàng Thiên Long - Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Vạn cho biết: Vài năm gần đây, các hộ nuôi tôm chân trắng khá hiệu quả với mức thu nhập 500 - 600 triệu đồng/ha. Xã cũng đã có những biện pháp để hỗ trợ cho bà con, có chủ trương chuyển đổi từ cánh đồng muối năng suất thấp sang nuôi trồng thủy sản.

Những vùng đất hoang hóa đã trở thành những ao tôm bạt ngàn, thể hiện cách làm đúng và sức sáng tạo của chính quyền, nhân dân Diễn Vạn. Trong khi các xã vùng ven biển hầu như đã hết quỹ đất để nuôi tôm thì nơi đây hàng trăm ha đất đồng muối bỏ hoang đã được đánh thức tiềm năng bằng nuôi tôm nước mặn ngầm.

Tác giả: Mai Giang

Nguồn tin: Báo Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP