Nhân ái

Người đàn ông 71 tuổi gồng gánh nuôi vợ bệnh hiểm nghèo, 2 cháu mồ côi bố

Ngoài 70 tuổi, ông Giáo vẫn một mình gồng gánh chăm người vợ bị bệnh hiểm nghèo và hai cháu ngoại mồ côi bố. Trong thế đường cùng, ông hi vọng có phép màu cứu rỗi gia đình mình.

Những ngày qua, một không khí ảm đạm bao trùm trong gia đình ông Phạm Xuân Giáo (71 tuổi) và bà Thái Thị Cúc (69 tuổi), trú tại thôn Mỹ Khánh, xã Khánh Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An. Trong căn nhà tồi tàn, những phận người đang trải qua ngày tháng cực cùng của khó khăn.

Căn nhà tồi tàn là tài sản lớn nhất của vợ chồng ông Giáo.

Thấy khách vào, ông Giáo bước từng bước đầy khó nhọc ra đón. Căn nhà nhỏ che nắng, che mưa bao năm nay đã hư hỏng nặng. Ông loay hoay mãi mới tìm được chỗ cho khách ngồi.

Người đàn ông có khuôn mặt khắc khổ hằn lên trên từng nếp nhăn bảo: "Từ lâu rồi tôi và bà ấy đi viện thường xuyên. Nhà đã nhỏ, không có người lớn dọn dẹp nên mới lộn xộn như thế này".

Ông Giáo kể, vợ chồng lấy nhau rồi sinh được 7 người con. Kinh tế gia đình phụ thuộc vào mấy sào ruộng khoán. Khi các con trưởng thành, cuộc sống của hai ông bà tưởng như nhàn hạ hơn để an hưởng tuổi già thì người vợ lại lâm bệnh hiểm nghèo.

Nhiều năm qua, bà Cúc chống chọi với căn bệnh ung thư tử cung quái ác.

Năm 2015, bà Cúc thấy mệt mỏi, đau nhức trong người nên được gia đình chở đến một bệnh viện ở thành phố Vinh (Nghệ An) để thăm khám và được phát hiện bị ung thư tử cung, cần phải nhập viện ngay để chữa trị.

"Cầm kết quả của bà ấy mà chân tay tôi rụng rời. Cái nghèo, cái khổ đã bám víu cả đời và bệnh tật cũng không buông tha. Cũng vì nhà nghèo quá không có tiền đi khám thường xuyên nên bà ấy mới phát hiện căn bệnh hiểm nghèo muộn như thế này". Vừa nói, ông Giáo nhìn qua người vợ tội nghiệp nằm cạnh bên rồi hai hàng nước mắt lăn dài.

Để có tiền chữa trị cho vợ, ban ngày ông đi mò cua, bắt ốc, tối đến tranh thủ ra đồng để buông câu, bắt lươn đồng về bán. Tuy nhiên, số tiền ít ỏi chẳng thấm vào đâu so với kinh phí đi viện của vợ.

Không những thế, ông Giáo còn phải cưu mang 2 cháu ngoại mồ côi bố.

"Tài sản trong gia đình có gì đáng giá nhất tôi cũng bán hết rồi. Giờ chỉ còn căn nhà lụp xụp để chui ra, chui vào chắc cũng phải rao bán. Từ ngày nhập viện đến giờ, bà ấy đã trải qua 7 đợt phẫu thuật cắt bỏ khối u với chi phí hơn 100 triệu đồng nhưng bệnh tình vẫn chưa thể thuyên giảm", ông Giáo nói.

Nằm trên giường, bà Cúc thều thào: "Tôi già rồi chết cũng cam lòng nhưng thương ông ấy lắm. Cả cuộc đời lam lũ, vất vả nuôi vợ con nhưng chưa khi nào được hưởng một giây phút nhàn hạ. Nhiều lần tôi bảo với ông ấy hãy phó mặc cho số phận nhưng ông ấy luôn động viên và khuyên không được đầu hàng".

Suốt thời gian dài, người vợ điều trị tại bệnh viện, các con của ông Giáo người thì đi làm ăn xa, người lấy chồng ngoại tỉnh nên cũng ít khi có điều kiện về để thay cha chăm sóc mẹ mà chỉ hỗ trợ được phần nào về tài chính.

"Các con của tôi cũng đang chật vật cả nên không giúp được gì nhiều. Hiện nay, vợ tôi vừa trải qua đợt phẫu thuật thứ 7 để cắt bỏ khối u và mới được bệnh viện cho về nhà. Các bác sĩ khuyên gia đình sau Tết phải đưa bà ấy vào lại bệnh viện để tiến hành xạ trị. Bác sĩ nói rằng việc xạ trị cũng rất tốn kém, gia đình cần phải có sự chuẩn bị", ông Giáo thở dài.

Căn nhà bếp dùng để nấu ăn, sinh hoạt không may bị thiêu rụi ngày sát Tết.

Nhà đã nghèo, kiệt quệ nhưng hoạn nạn vẫn không buông tha cho gia đình. Một ngày đầu tháng 1/2023, do sự cố chập điện khiến nhà bếp của vợ chồng ông bị thiêu rụi.

"May tôi phát hiện sớm nên đã hô hoán dân làng đến dập lửa kịp thời, không thì ngôi nhà chính nằm sát bên cũng bị cháy. Gian nhà dùng để nấu ăn, sinh hoạt đã bị thiêu cháy gần như toàn bộ, phần ngói đổ sập hoàn toàn…", ông Giáo bần thần kể lại.

12 năm trước, con rể của ông không may bị điện giật tử vong khi đang đi làm công nhân ở miền Nam. Chị Phạm Thị Phượng (con gái ông Giáo) đưa 2 con trai về quê sống cùng bố mẹ. Khó khăn chồng chất, chị phải đi làm thuê nên để 2 con lại nhờ vợ chồng ông chăm sóc.

Ông Giáo buồn bã khi nhắc đến gia cảnh của mình.

"Hồi bố của 2 cháu mất thì chúng còn nhỏ. Ở quê khó kiếm việc làm, thu nhập thấp nên con Phượng đành phải đi làm công nhân ở tận Hải Phòng. Công việc bấp bênh nên mỗi tháng gửi về cũng không đáng bao nhiêu, vợ chồng tôi ở nhà phải lo cho 2 cháu ăn học", ông Giáo tâm sự.

Cũng theo ông Giáo, căn bệnh của bà Cúc được xem như là "án tử" nhưng vợ chồng vẫn luôn động viên nhau để vượt qua. Dù khó khăn cỡ nào, thậm chí phải bán căn nhà cấp 4 xập xệ, ông cũng phải chấp nhận để vợ có tiền chữa bệnh.

"Gia đình ông Giáo là một trong những hoàn cảnh đặc biệt của xã. Ngày trước, hai vợ chồng rất chịu khó làm lụng, thế nhưng từ khi bà Cúc bị bạo bệnh, gia đình rơi vào thế tận cùng khó khăn. Chính quyền cũng thường xuyên thăm hỏi, động viên gia đình. Chúng tôi mong muốn các tấm lòng hảo tâm chia sẻ, giúp đỡ để họ có một tương lai tốt hơn", ông Nguyễn Đào Quý - Chủ tịch UBND xã Khánh Thành chia sẻ.

Cả gia đình đang rơi vào thế đường cùng, ông Giáo mong muốn có phép màu đến với gia đình mình.

Trong căn nhà tồi tàn với 4 miệng ăn, người vợ đang lâm bệnh nặng, 2 cháu còn quá nhỏ. Tiền đong gạo qua ngày cũng khó chứ đừng nói đến chuyện tích cóp chữa bệnh. Trong khi số tiền vay nợ lại ngày một lớn lên, cả gia đình ông Giáo như bị dồn vào chân tường.

Mọi sự ủng hộ, giúp đỡ xin gửi về: Ông Phạm Xuân Giáo.

- Địa chỉ: Thôn Mỹ Khánh, xã Khánh Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An

- ĐT: 0329237967.

Tác giả: Nguyễn Tú

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP