Nhân ái

Người mẹ chỉ biết đau xót nhìn con đau đớn quằn quại vì bệnh tật dù biết có hi vọng cứu chữa

Đầu không còn sợi tóc, trên khắp cơ thể là dấu tích của những mũi tiêm truyền, nhìn con nhiều lần quằn quại trong đau đớn vì u nguyên bào thần kinh, người mẹ dân tộc Tày mắt lại đỏ hoe. Dù biết con còn hi vọng cứu chữa nhưng chị đành đau xót vì đã quá kiệt quệ.

Bé Quan Đức Phát sống ở vùng miền núi xa xôi thuộc thôn Nông Tiến 1, xã Trung Hà, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang, điều kiện đi lại rất khó khăn. Cậu bé 6 tuổi ấy đang từng ngày phải chiến đấu với căn bệnh u nguyên bào thần kinh. Thường xuyên bệnh tái phát nên suốt một thời gian dài qua, cuộc sống của bé Phát gắn liền với bệnh viện.

Đầu không còn sợi tóc, trên khắp cơ thể là dấu tích của những mũi tiêm truyền, nhìn con nhiều lần quằn quại trong đau đớn, người mẹ dân tộc Tày mắt lại đỏ hoe. Lau vội nước mắt, chị Hoàng Thị Tăng kể về hành trình cùng con chiến đấu với căn bệnh hiểm nghèo.

Bé Phát đang từng ngày phải chiến đấu với căn bệnh u nguyên bào thần kinh.Ảnh GD

Khá giống với nhiều bệnh nhi ung thư khác, bé Phát cũng chỉ phát hiện được bệnh sau cơn đau bụng kéo dài triền miên. Khi vào viện, ban đầu con được chẩn đoán là viêm hạch mạc treo, cho thuốc điều trị gần tuần mà không mấy tiến triển. Đó là thời điểm vào tháng 5/2021.

Ngay sau đó, Phát được gia đình đưa tới bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang điều trị khoảng nửa tháng. Tình hình ngày càng xấu, cơn đau hành hạ Phát ngày một nhiều. Một tháng sau đó, Phát mới được chuyển tới Bệnh viện đa khoa Hùng Vương, tỉnh Phú Thọ để làm các xét nghiệm chuyên sâu. Tại đây các bác sĩ đã phát hiện trong cơ thể Phát có một khối u ở ổ bụng. Nghi u ác tính, ngay lập tức Phát được làm thủ tục chuyển tuyến tới bệnh viện tuyến trung ương nhằm có điều kiện chữa bệnh tốt hơn.

Để điều trị, Phát đã phải trải qua 12 đợt truyền hóa chất. Cơ thể của đứa bé 6 tuổi chịu thử thách khắc nghiệt tác dụng phụ của hóa chất. Chị Tăng nhiều lần phải quay mặt đi gạt nước mắt vì thấy con bị tác dụng phụ của hóa chất giày vò từng cơn.

Thế rồi, hi vọng mở ra khi bác sĩ cho biết là Phát đủ điều kiện để ghép tủy. Như vậy có nghĩa là cơ hội cho sự sống của Phát được tốt hơn. Dẫu vậy, sau ca ghép tủy với chi phí hơn 100 triệu đồng, kinh tế gia đình chị Tăng càng thêm kiệt quệ. Chưa kể, số tiền trước đó vay mượn để vào các đợt truyền hóa chất còn đang nợ lên tới hơn 200 triệu đồng.

Mỗi lần ôm con đi viện, chi phí đi lại, ăn uống rồi sinh hoạt… trong 15 ngày đã tốn đến 10 triệu đồng. Để lo cho con, thửa đất duy nhất nơi vợ chồng chị Tăng đang sinh sống cũng đã đem thế chấp ngân hàng, vay 50 triệu.

Bé Phát đang rất cần sự hỗ trợ của mọi người khi hiện giờ gia đình đang rơi vào kiệt quệ. Ảnh GD

Hiện tại Phát đã được ghép tủy. Sau phẫu thuật, sức khỏe cũng có phần tiến triển. Vậy nhưng con phải dùng nhiều loại thuốc chống biến chứng có giá đắt đỏ. Đa số các loại thuốc đó đều phải đặt ở nước ngoài nên càng tốn kém. Tình cảnh gia đình ngày một khốn đốn.

Mỗi ngày trôi qua, người mẹ nghèo càng thêm lo lắng khi tiền thuốc của con cạn kiệt. Tính mạng của Phát vẫn bị đe dọa, nếu không có tiền mua thuốc có thể "tắt" bất cứ lúc nào. Chị Tăng bảo, nếu vượt qua đợt biến chứng ghép tủy, hi vọng cho bé Phát còn nhiều. Thế nhưng lúc này để lo cho con là điều không thể của người mẹ nghèo dân tộc Tày này. Mong sao sự hỗ trợ kịp thời của những tấm lòng hảo tâm sẽ cho mẹ con chị Tăng vượt qua giai đoạn này.

Mọi sự giúp đỡ gia đình chị Tăng xin gửi về:

Chị Hoàng Thị Tăng ở thôn Nông Tiến 1, xã Trung Hà (huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang.

Tác giả: Hà My

Nguồn tin: Báo Sức khỏe & Đời sống

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP