Kinh tế

Người nghèo liên tiếp phản ánh bị sập bẫy làm đại lý bán hàng online

Tham gia làm đại lý bán hàng online cho các trang mỹ phẩm trên mạng xã hội dưới hình thức tuyển cộng tác viên đăng bài quảng cáo, nhiều người chẳng những không “cải thiện thu nhập” trong lúc dịch bệnh như kỳ vọng mà còn bị sập bẫy bởi các đơn hàng ảo, mất tiền.

Nhiều người chọn làm đại lý bán hàng mỹ phẩm online để kiếm thu nhập rồi bị một số đối tượng lừa đảo. Ảnh: A. Quang

Phản ánh đến báo Lao Động, rất nhiều bạn đọc ở TPHCM cho biết họ cũng là nạn nhân của việc bị lừa do làm đại lý bán hàng qua mạng.

Chị Thanh Trúc, ngụ ở quận 5, TP.HCM cho biết, do hiện nay chị đang thất nghiệp nên qua lời giới thiệu của bạn bè chị đã đăng ký làm đại lý bán hàng mỹ phẩm thông qua một trang facebook.

Nhân viên tư vấn của trang này quảng bá rất nhiều lời hoa mỹ về sản phẩm và cho chị Trúc biết là nguồn hàng sản phẩm đắp mặt nạ mà nhóm này phân phối đang cháy hàng.

Các nhân viên này đưa ra chương trình bán một sản phẩm sẽ được hưởng hoa hồng 100 nghìn đồng trên sản phẩm đó. Không những vậy nhân viên này còn “ưu ái” cho chị Trúc số điện thoại các tiệm spa đang cần nguồn hàng này.

Chị Trúc liên tục nhận được điện thoại của một số người nhận là chủ tiệm spa hối thúc lấy hàng. Do đang thất nghiệp và tin tưởng có thể kiếm tiền để trang trải cuộc sống, chị Trúc đã cố gắng xoay sở số tiền gần 10 triệu để mua sản phẩm từ kênh bán hàng này.

Tuy nhiên, ngay sau khi nhận hàng và trả tiền, chị Trúc liên hệ với các địa chỉ spa thì không còn ai nhận hàng. Các số điện thoại của các nhân viên tư vấn đều không thể liên lạc được nữa. Giờ đây chị Trúc chỉ biết ôm các sản phẩm không ai muốn mua cộng thêm số nợ.

“Khách và công ty đều chặn hết Facebook và số điện thoại trên Zalo, còn gói hàng đang bị lưu ở bưu điện, gói còn lại thì không trả lại được. Tôi dò Facebook những người mua hàng mới biết có nhiều người trong danh sách đó bị lừa trước và cảnh báo tôi, nhưng đã muộn" - chị Trúc nghẹn ngào cho biết.

Cũng tương tự như trường hợp chị Trúc, vợ chồng anh Hùng ngụ ở Long An là công nhân làm tại TP.HCM khi tham gia đại lý với hy vọng kiếm lời nhưng giờ đây mọi thứ trở thành cục nợ.

Cũng thông qua giới thiệu trên mạng, vợ chồng anh chị tham gia mạng lưới bán sản phẩm là cục sạc điện thoại thông qua một mạng lưới có tên Moxia…Những người tham gia được hứa hẹn sẽ nhận được hoa hồng rất cao khi bán được sản phẩm của hệ thống là cục sạc di động. Mỗi người được lựa chọn mức mua hàng để được chi trả lợi nhuận.

App Moxia đưa ra các gói đầu tư để huy động vốn và trả lãi hàng ngày, tuy nhiên sau khi thu tiền từ vợ chồng anh chị thì hàng cũng không nhận được, người tư vấn cũng không liên hệ được.

“Các chuyên viên tư vấn đều cho biết công ty đều cam kết nhận lại hàng nếu tôi không bán được. Nhưng sau khi tôi nhận hàng và chuyển tiền, các trang Facebook đều bị chặn, còn các số điện thoại liên lạc của những người từng liên hệ với tôi đều ò í e...giờ vợ chồng tôi mang nợ mà không biết phải làm sao”, vợ chồng anh Hùng bức xúc phản ánh.

Theo luật sư Nguyễn Thanh Nhã (Văn phòng luật DBS), dù các cảnh báo lừa đảo tuyển cộng tác viên được đưa ra liên tục thời gian qua nhưng số nạn nhân rơi vào bẫy những trường hợp trên vẫn tăng do cách thức biến đổi của những "công ty" này và sự nhẹ dạ của nhiều người.

Không chỉ thay đổi hình ảnh nhận diện trang, các "công ty" còn tung ra những sản phẩm thương hiệu khác nhau nhưng đều cùng một món hàng mà phổ biến là mặt nạ dưỡng da, thực phẩm chức năng, nước hoa... dán mác Hàn Quốc, Nhật Bản... để dụ tuyển cộng tác viên bán hàng online. Đây không phải là kinh doanh đa cấp nhưng những "công ty" này đang sao chép cách thức hoạt động của mô hình đa cấp để đi lừa đảo người khác.

Tác giả: GIA MIÊU

Nguồn tin: Báo Lao động

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP