Có hơn 1ha nuôi tôm giáp sông Mai Giang, ông Hồ Đình Tài (xóm Học Văn, Quỳnh Bảng, Quỳnh Lưu) vụ này thả hơn 90 vạn con giống tôm thẻ chân trắng. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật nên tôm phát triển tốt, chỉ còn chờ hơn 1 tháng nữa là gia đình có thể thu hoạch.
Vậy nhưng, ông Tài không khỏi thấp thỏm lo âu khi mùa mưa lũ đã đến mà đê chắn sóng biển của sông Mai Giang đang ở tình trạng bị sạt lở nghiêm trọng. Nếu lượng mưa lớn kết hợp với con nước lên thì diện tích nuôi tôm của gia đình và nhiều hộ lân cận có thể bị nước mặn tràn vào, gây thiệt hại lên tới hàng chục tỷ đồng.
Nhiều đoạn trọng yếu của đê chắn sóng biển Mai Giang bị sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: Quỳnh Thanh |
Chỉ vào đoạn sạt lở dài hơn 20m tại đê Mai Giang, ông Tài cho biết: “Tình trạng sạt lở bờ đê của sông đã diễn ra từ nhiều năm qua khiến nhiều hộ dân sinh sống và nuôi trồng thủy sản ngay sát bên đê rất lo lắng. Chỉ cần nước tràn vào thì bao nhiêu tôm cá trong hồ sẽ bị cuốn hết. Không chỉ vậy, nước lũ dâng kéo theo rác thải, chất bẩn và mầm bệnh ngấm sâu vào đất khiến cho vùng nuôi tôm bị ô nhiễm. Mà giống tôm thẻ chân trắng rất dễ nhiễm bệnh nên nhiều hộ phải chịu cảnh tôm giống chết yểu khi vừa mới thả.
Mỗi năm, khi mùa mưa lũ đến, nước sông dâng cao càng khiến bờ đê bị sạt lở thêm. Chưa kể, cống ngăn nước biển cách các đoạn sạt lở vài chục mét cũng bị hỏng mấy năm nay. Vậy nên, sự điều tiết nước khi mưa lớn và thủy triều dâng không mang lại hiệu quả.
Trước tình hình đó, chính quyền xã và người dân phải tự tu sửa lại bằng cách đóng cọc và chèn bao tải cát. Nhưng rồi chỉ được một thời gian ngắn, đâu lại vào đấy."
Những đoạn đê sạt lở được gia cố hết sức tạm bợ. Ảnh: Quỳnh Thanh |
Đề cập vấn đề trên, ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Bảng cho biết: "Chiều dài sông Mai Giang qua xã Quỳnh Bảng dài gần 3,2 km nằm trong khu vực nuôi tôm công nghiệp. Sau trận bão năm 2017, nhiều đoạn đê bị sạt lở, trong đó có 3 điểm ách yếu đi qua địa bàn 3 xóm Học Văn, Mai Giang 1 và Mai Giang 2.
Ngoài các điểm sạt lở, tuyến đê ngăn sóng còn có nhiều điểm tràn với chiều dài lên đến 1.000m.
Nếu mưa lớn kéo dài kết hợp thủy triều lên có thể gây ngập lụt 180ha bao gồm 100ha diện tích nuôi tôm và 80ha vùng cư dân sinh sống".
Cống ngăn nước biển qua đoạn đê Mai Giang đã hỏng mấy năm nay. Ảnh: Quỳnh Thanh |
Được biết, để khắc phục tình trạng trên, vừa qua UBND tỉnh đã trích nguồn ngân sách 100 triệu đồng nhằm hỗ trợ huyện và xã tiến hành khắc phục sạt lở tại 3 điểm ách yếu của tuyến đê Mai Giang đi qua xã Quỳnh Bảng.
Tuy nhiên, tại những điểm còn lại của đê vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro khi bị tác động bởi dòng chảy của lũ và sức nước thủy triều.
Cùng với đó, các điểm tràn với chiều dài hơn 1.000m cũng là mối lo cho diện tích nuôi trồng thủy sản của bà con khi chiều cao đê ngăn sóng còn thấp so với độ dâng của thủy triều. Nếu không khắc phục kịp thời có thể gây thiệt hại lớn cho cuộc sống của người dân.
Tác giả: Quỳnh Thanh
Nguồn tin: Báo Nghệ An