Xã hội

Nguyên Tổng Giám đốc VOV bị cắt ghép hình ảnh để quảng cáo thuốc chữa bệnh

Xã hội 4.0 đã nảy sinh nhiều tội phạm mạng. Nguyên Tổng Giám đốc VOV, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ ngỡ ngàng phát hiện bị một “lăng băm” lợi dụng cắt ghép hình ảnh để quảng cáo.

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Nguyên Tổng Giám đốc VOV, Nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương. Ảnh: VOV

Nguyên Tổng Giám đốc Đài Phát thanh tiếng nói Việt Nam (VOV), PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ ngỡ ngàng khi vừa phát hiện bị một tài khoản mạng xã hội tự nhận là "lương y Dương Văn Bảy" lợi dụng hình ảnh cá nhân của ông đã đăng tải, đem về cắt ghép với mục đích quảng cáo thuốc.

“Yêu cầu ông Bảy ngay lập tức gỡ bỏ quảng cáo dối trá, cắt ghép hình ảnh tôi hơn 10 năm trước (Nguyễn Thế Kỷ, lúc đó là Phó Trưởng ban Tuyên Giáo Trung ương và 2 cán bộ lãnh đạo cấp vụ của Ban là Bùi Ngọc Quý, Nguyễn Phương Hoa) đang nhận 1 bộ sưu tập những bài thơ hay về đất nước được đóng thành quyển dày, khổ lớn mà một công dân cao niên đến tặng Ban Tuyên Giáo Trung ương tại phòng khách của Ban.

Hình ảnh người tặng bị thay bằng hình ông Bảy được cắt ghép trên máy vi tính. Tôi cũng thiết tha đề nghị các đơn vị của Ban Tuyên Giáo Trung ương, Bộ Thông tin & Truyền thông, Bộ Y tế và các cơ quan chức năng xử lý nghiêm hành vi sai trái, dối lừa người bệnh của kẻ lừa đảo này” – ông Nguyễn Thế Kỷ viết trên trang cá nhân.

Trao đổi với phóng viên VietTimes hôm nay, 24/6, nguyên Tổng Giám đốc VOV Nguyễn Thế Kỷ bức xúc: “Thật không thể tưởng tượng được có người bạo gan đến thế, lấy hình ảnh cá nhân của tôi và cắt ghép rồi đưa hình ảnh cá nhân của mình vào bên cạnh để quảng cáo. Vị này là ai? Liệu có trình độ gì về chữa bệnh thật không? Bệnh ung thư tuyến giáp cũng là bệnh nặng chứ? Quảng cáo lừa dối để thu hút bệnh nhân thế này, thu tiền của người bệnh mà không biết có chữa được bệnh hay không?”

Hình ảnh của nguyên Tổng Giám đốc VOV bị cắt ghép lợi dụng để quảng cáo

Trên hình ảnh quảng cáo có đăng tải “Chứng nhận là lương y” do Sở Y tế Hà Nội cấp. Cùng với đó là dòng quảng cáo: “Bà con bị u tuyến giáp, bướu cổ, cường giáp, để lại số điện thoại, tôi chỉ cách tại nhà, đã chữa là khỏi”. Tuy nhiên, rất cần phải xác định lại xem chứng nhận này có phải là thật? Hay lại cũng là một sản phẩm của sự cắt ghép?

“Chỉ cần nhìn tấm ảnh chụp, chắc chắn mọi người cũng nhận ra đây không phải là một bằng khen hay chứng nhận gì cả. Đây là một tập sách dày, một bộ sưu tập những bài thơ hay về đất nước do vị công dân cao tuổi mang đến tặng. Thế mà người tự nhận là “lương y Dương Văn Bảy” kia lại có thể làm như vậy? Xa lộ thông tin ngày nay phát triển và có nhiều lợi ích cho con người nhưng mặt trái của nó là phát sinh nhiều lợi dụng, lừa đảo. Không thể để cho tội phạm mạng hoành hành như vậy, tôi đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc xác định xem vị này là ai? Người này ở đâu? Có trình độ chữa bệnh thật hay không?” – PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ đề nghị.

Những trường hợp mạo danh “lương y” nhưng trình độ “lang băm” xuất hiện trên mạng xã hội ngày một nhiều đã không còn xa lạ đối với cộng đồng. Đã có rất nhiều người treo biển “Nhà tôi ba đời…” nhưng thực chất, "một mảnh bằng" được đào tạo về y học cũng không có. Thế nhưng người bệnh trong lúc mắc phải nan y, khổ đau, bối rối, cố gắng tìm thầy tìm thuốc vẫn có thể hoa mắt và bị lừa.

Không chỉ riêng PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ bị mạo danh để quảng cáo, mà hiện nay, trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ đang khá nhiều kẻ sử dụng "trò bẩn" này!

Nhiều website, fan page bán hàng trên mạng xã hội đăng tải hình ảnh, clip của PGS.TS. Trần Văn Ơn - giảng viên cao cấp Bộ môn Thực vật, Trường Đại học Dược Hà Nội – để quảng cáo thuốc điều trị tiểu đường. Đặc biệt nguy hại khi những hình ảnh, những clip về ông bị cắt ghép gắn với những lời khuyên phi khoa học, nhằm lừa đảo người mua, có thể gây nguy hiểm cho người bệnh.

Chia sẻ với VietTimes, PGS.TS Trần Văn Ơn bày tỏ: Bệnh tiểu đường cho đến nay chưa chữa khỏi được. Vì thế, việc một số trang mạng/website gán cho tôi nói là uống thuốc thìa canh chữa được bệnh tiểu đường là phi khoa học. Sự mạo danh để bán hàng này rất nguy hiểm, vì không chỉ ảnh hưởng đến uy tín nhà khoa học, uy tín của Trường Đại học Dược, mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh, tác động xấu hơn đến người bệnh vì sản phẩm nhái thường làm từ nguyên liệu trôi nổi, thậm chí có thể trộn cả hóa dược cấm. Điều tôi lo lắng nhất là nếu người dân mua phải những sản phẩm không được kiểm soát về chất lượng cũng như độ an toàn, thì biến chứng sẽ khôn lường.

Nhiều trang mạng mạo danh nhà khoa học Trần Văn Ơn

Gần đây, nhiều bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cũng liên tục bị nhiều cá nhân, phòng khám tư, cơ sở thẩm mỹ giả mạo để thu hút bệnh nhân. Thậm chí, họ cắt ghép hình ảnh, video về bệnh viện trên các kênh truyền thông tin và lồng tiếng quảng cáo cho sản phẩm để tạo niềm tin, lôi kéo người theo dõi, rồi kinh doanh thuốc trái phép. Bên cạnh đó, một loạt fanpage giả mạo còn ngang nhiên sao chép và đăng tải lại các bài, logo, ảnh bìa fanpage chính thức của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Cũng đang xuất hiện rất nhiều fanpage giả mạo Bệnh Viện Mắt Hà Nội 2 để bán các loại thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, không có giấy phép nhưng được quảng cáo như “thần dược”.

Cùng với đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý những kẻ mạo danh, thì người dân cũng cần hết sức thận trọng trước những thông tin quảng cáo về thuốc trên mạng xã hội, tránh "tiền mất tật mang".

Tác giả: Hòa Bình

Nguồn tin: viettimes.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP