EVN vẫn chưa thể thực hiện thoái hết vốn tại EEMC vì vướng mắc chờ đợi quyết định của Bộ Công Thương. Ảnh: LĐ |
Quá sốt ruột vì phải chờ đợi, ngày 20.8, một nhà đầu tư là Công ty TNHH Hyosung đã gửi Thư xác nhận tới Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương, EVN để khẳng định quyết tâm muốn mua toàn bộ hơn 13 triệu cổ phần EVN đang sở hữu tại EEMC, tương đương với 46,58% vốn của EEMC. Nhà đầu tư này cũng không quên đề nghị các cơ quan chức năng thúc đẩy giao dịch được tiến hành càng nhanh càng tốt.
Tuy nhiên, một nguồn tin cho biết, cho tới lúc này Bộ Công Thương vẫn chưa phê duyệt phương án bởi còn đang cân nhắc hiệu quả nào cao nhất cho Nhà nước.
Cần phải nhắc lại rằng, cách đây ít lâu chính Bộ Công Thương đã chỉ đạo EVN thoái toàn bộ vốn tại EEMC nhưng việc thoái vốn vẫn “giậm chân tại chỗ”.
Trước đó, EVN đã đưa ra phương án bán toàn bộ số lượng cổ phiếu là 13.131.632 cổ phiếu với mức giá bán được tính theo giá bán trần của phiên giao dịch trong ngày giao dịch, nhưng không được thấp hơn giá giao dịch bình quân trên thị trường cổ phiếu TBD tại các phiên gần nhất với ngày công bố. Đồng thời, văn bản chỉ đạo của Bộ cũng đề rõ giá bán không thấp hơn 37.100 đồng/cổ phiếu.
Tuy nhiên, giai đoạn dự định tiến hành giao dịch (tháng 4.2018), diễn biến thực tế của thị trường đối với cổ phiếu TBD biến động bất thường, giá trị vượt xa giá trị thực của TBD.
Quan trọng hơn, nếu TBD được bán thành 6 phiên giao dịch như dự định thì nhà đầu tư chỉ cần mua đủ tỉ lệ chi phối, như vậy nhiều khả năng TBD có thể không bán được hết và EVN do đó không thể thoái hết toàn bộ 46,58% vốn như dự định.
Trong khi thời điểm đó có một số nhà đầu tư muốn mua toàn bộ số cổ phần này và có vẻ như nhà đầu tư có quyết tâm lớn nhất là Công ty TNHH Hyosung Việt Nam.
Nhà đầu tư này đã sẵn sàng trả với mức giá 90.000 đồng/cổ phiếu hoặc cao hơn. Nếu chấp nhận đối tác này, EVN có thể thu về ít nhất là 1.181 tỉ đồng (sau khi làm tròn số). Đây có lẽ cũng là con số không dễ bỏ qua nếu như biết rằng chênh lệch so với giá trị đầu tư trên sổ kế toán của EVN sẽ ở mức hơn 1.125 tỷ đồng.
Đây chắc chắn là bài toàn khó cho Bộ Công Thương để làm sao “vẹn cả đôi đường”. Tuy nhiên, nếu tiếp tục còn băn khoăn không quyết đoán, không ai chắc được đến khi “đặng chẳng đừng”, giá trị mang lại sẽ là bao nhiêu!
Tác giả: PV
Nguồn tin: Báo Lao động