Xã hội

Nhà máy cao lanh “bức tử” hồ Bàu Cúi

Trong quá trình chế biến, lọc cao lanh, Công ty Cổ phần khoáng sản và xây dựng Đồng Hới đã để cao lanh tràn ra ngoài vùi lắp khe suối, vườn tràm, ao nuôi cá của người dân và đang dần lấn chiếm một diện tích lớn của hồ Bàu Cúi tại phường Bắc Lý, TP. Đồng Hới.

Việc cao lanh tràn ra ngoài lắp ao nuôi cá, vườn tràm đã diễn ra nhiều năm nay tại nhà máy lọc cao lanh của Công ty Cổ phần khoáng sản và xây dựng Đồng Hới khiến cho người dân sống xung quanh hết sức bức xúc. Sự việc này không chỉ làm thiệt hại kinh tế của họ mà nay còn gây ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường, đặc biệt là một diện tích lớn của hồ Bàu Cúi bị cao lanh tràn vào vùi lắp, thế nhưng đến nay vẫn không có cơ quan chức năng nào xử lý.

Cao lanh của Công ty Cổ phần khoáng sản và xây dựng Đồng Hới vùi lấp hồ Bàu Cúi

Ông Hoàng Thanh Quý nhà nằm sát ngay hồ Bàu Cúi khu vực bị cao lanh tràn xuống gây ô nhiễm, bức xúc: “Năm ngoái bác có lên nói với họ, họ có hứa hẹn nhưng không thấy về. Cứ khi nào có mưa là cả cát và cao lanh trên nhà máy tràn về đây thôi. Nhà tôi có 5 cái ao nuôi cá, hiện nay chỉ còn 1 ao nuôi được cá nữa thôi, mà ao của tôi đào quá đầu người bây giờ như chú thấy đó, cao lanh đã lắp sạch rồi. Hôm trước có đàn bò 7 con của thằng Vương trại bên xuống đó bị sình lầy may mà có tôi không thì chết hết. Trước đây tôi đã có kiến nghị, phản ánh lên phường nhưng cũng không thấy ban, ngành nào kiểm tra xử lý cả, một cái hồ rộng lớn cung cấp nước trồng lúa, chăn nuôi mà không ai quan tâm cả. Tình trạng này đã diễn ra nhiều năm rồi, phải xử lý chứ để thế này sống sao nổi, chỉ một vài năm tới là hồ này sẽ bị lấp hết”.

Cao lanh tràn ra suối…

Theo ghi nhận của PV Báo TN&MT, từ nhà máy lọc cao lanh của Công ty Cổ phần khoáng sản và xây dựng Đồng Hới đến hồ Bàu Cúi khoảng 500m. Khu vực tập kết cao lanh của đơn vị này không hề có khuôn viên che chắn hay hồ lắng theo quy định. Một cái cống lớn từ nhà máy để đổ thẳng ra suối, dọc theo con suối này cao lanh đều phủ trắng, có nơi cao lanh dày đến cả mét. Cao lanh tràn đến đâu là cây cối ở đó đều bị chết, đặc biệt nhiều diện tích tràm, bạch đàn, tre và thậm chí ngay cả cây thông cũng bị chết. Men theo con suối này đến hồ Bàu Cúi, một khu vực rộng lớn của hồ cũng bị vùi lấp trắng xóa. Đáng nói hơn, hiện 2 cái ao nuôi cá của gia đình ông Hoàng Thanh Quý đã bị cao lanh lấp hoàn toàn.

… vùi lấp vườn cây, ao hồ người dân

Ông Hoàng Thanh Quý cho biết thêm hiện nay khu vực lồng hồ Báu Cúi cao lanh tràn xuống lấp với độ dày cả mét, trước đây cá tại hồ này rất nhiều lắm tuy nhiên từ khi hồ bị cao lanh tràn xuống là cá cũng ít dần và tại khu vực hồ bị cao lanh lấn chiếm trở thành vũng sình lầy rất nguy hiểm.

Trao đổi với PV, ông Hoàng Bá Trọng- Chủ tịch phường Bắc Lý thừa nhận có hiện tượng cao lanh từ nhà máy này tràn ra gây ô nhiễm môi trường,: “Đơn vị này nằm tại xã Lộc Ninh, nhưng cao lanh lại tràn xuống hồ Bàu Cúi của phường Bắc Lý. Hồ Bàu Cúi có diện tích hơn 1 héc ta, nhằm mục đích phục vụ cho người dân sản xuất lúa và nước tưới. Mấy năm nay cao lanh có tràn ra ngoài khe suối gây ảnh hưởng cho những hộ dân sống gần hồ”.

… vùi lấp vườn cây, ao hồ người dân

Để nắm rõ về công tác bảo vệ môi trường, cũng như các hồ sơ liên quan đến việc chế biến cao lanh gây ô nhiễm môi trường, chiều ngày 26/4, chúng tôi đã trực tiếp đến cơ sở này liên hệ làm việc. Tuy nhiên, ông Dương Nhật Huy - Giám đốc Công ty Cổ phần khoáng sản và xây dựng Đồng Hới, cho biết do mới đi Quảng Trị về uống hơi nhiều mệt nên hẹn sáng ngày mai đến làm việc. Sáng ngày 27/4, chúng tôi tiếp tục liên lạc lại với ông Huy, thì rất bất ngờ khi nhận được câu trả lời từ ông Huy: “Bọn em có thẻ nhà báo thì anh mới làm việc, đây là quy chế làm việc của công ty. Anh chỉ làm thuê cho người ta, là giám đốc điều hành”.

Cao lanh tràn đến đâu là cây cối đều bị chết

Ngay sau đó, PV Báo TN&MT đã liên hệ với Sở TN&MT Quảng Bình để nắm rõ hơn về Báo cáo đánh giá tác động môi trường của đơn vị này. Sau khi nhận được phản ánh của Báo, ông Trần Phong- Giám đốc Sở TN&MT Quảng Bình đã chỉ đạo Chi cục Bảo vệ môi trường, Thanh tra sở TN&MT tiến hành kiểm tra nhà máy này.

Kết quả kiểm tra sơ bộ của Chi cục bảo vệ môi trường cho thấy: Giám sát môi trường định kỳ không tuân thủ; một số nội dung bảo vệ môi trường thực hiện không nghiêm túc, bụi bặm vẫn còn phát tán, không có biện pháp hiệu quả; sự cố môi trường để xảy ra trôi bùn đất xuống của năm ngoái, những năm khác đã có biểu hiện, để vỡ đê ngăn ra nên đã trôi toàn bộ bùn cao lanh ra ngoài.

Tình trạng này đã diễn ra nhiều năm nhưng không bị xử lý

Trước những sai phạm trên Sở TN&MT đã yêu cầu Công ty Cổ phần khoáng sản và xây dựng Đồng Hới phải nạo vét sâu một cái hồ trong nội bộ để phục vụ sản xuất nhưng không được tràn bùn ra môi trường và phải hoàn thành trước ngày 15/5; phải hoàn thành xây một cái đập kiên cố, hồ lắng lớn để giữ quặng đuôi lại phục vụ cho mục đích tái sử dụng trước ngày 31/8; phải nạo vét toàn bộ phần bùn cao lanh chảy ra dọc khe, khu vực lồng hồ để đảm bảo thoát nước cho khe phải hoàn thành trong mùa hè trước ngày 31/8; những thiệt hại gây ra cho vườn, cho dân phải chủ động phối hợp với phường để xác định thiệt hại và hỗ trở cho người dân.

Dù không đảm bảo một số nội dung về bảo vệ môi trường nhưng Công ty Cổ phần khoáng sản và xây dựng Đồng Hới vẫn ngang nhiên hoạt, quá trình hoạt động đã để bùn cao lanh tràn ra ngoài gây ảnh hưởng môi trường và thiệt hại kinh tế cho người dân nhiều năm qua.

Tác giả: Hồng Thiệu- Trung Thuần

Nguồn tin: Báo Tài nguyên & Môi trường

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP