Pháp luật

Nhận 3 triệu USD hối lộ, cựu bộ trưởng đối diện mức án tử hình

Với cáo buộc nhận hối lộ 3 triệu USD, cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son có thể đối diện với khung hình phạt cao nhất là tử hình.

Như Báo Gia đình & Xã hội đã đưa tin, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa ban hành kết luận điều tra vụ án Mobifone mua 95% cổ phần AVG.

Theo đó, Cơ quan CSĐT xác định cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son bị cáo buộc nhận hối lộ 3 triệu USD, còn cựu Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhận hối lộ hơn 200.000 USD từ ông Phạm Nhật Vũ.

2 bị can nói trên bị đề nghị truy tố về tội danh "Vi phạm quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng" và "Nhận hối lộ".

Theo Thạc sỹ - luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp, thương vụ AVG khiến dư luận xôn xao từ lâu. Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố hai cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông trong vụ án này về hai tội danh đặc biệt nghiêm trọng là: "Tội vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng" theo quy định tại khoản 3 (Điều 220 Bộ luật Hình sự 2015) với mức hình phạt cao nhất theo tội danh này là 20 năm tù và "Tội nhận hối lộ" theo quy định tại Điều 354 (Bộ luật Hình sự năm 2015) với mức hình phạt cao nhất là tử hình.

Hai cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn (ảnh tư liệu)

"Theo kết luận điều tra thì cả ông Tuấn và ông Son đều thừa nhận hành vi có nhận tiền của ông Vũ để thực hiện việc ký hợp đồng mua bán theo yêu cầu của ông Vũ. Hai người này đã thừa nhận hành vi phạm tội nhận hối lộ và đã bồi thường khắc phục một phần hậu quả đã gây ra, hoàn trả một phần số tiền do phạm tội mà có.

Bởi vậy, hai cựu bộ trưởng sẽ được hưởng nhiều tình tiết giảm nhẹ khi lượng hình như: Thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải theo quy định tại điểm s, khoản 1, Điều 51 BLHS; Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập và công tác theo quy định tại điểm v, khoản 1, Điều 51 BLHS.

Nếu số tiền bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả là "đáng kể" thì hai cựu bộ trưởng này còn được hưởng tình tiết giảm nhẹ theo điểm b, khoản 1, Điều 51 BLHS. Ngoài ra các tình tiết giảm nhẹ khác cũng có thể được áp dụng như "lập công chuộc tội" (nếu có) và một số tình tiết có thể được áp dụng theo khoản 2, Điều 51 Bộ luật hình sự…", luật sư Cường nói.

Cũng theo luật sư Cường, với tính chất đặc biệt nghiêm trọng của vụ án, với vai trò là người đứng đầu, là cán bộ cao cấp mà không tuân thủ pháp luật, gây thiệt hại đặc biệt lớn cho nhà nước, số tiền lên tới 7.000 tỷ đồng, bởi vậy mức hình phạt sẽ rất nghiêm khắc.

Bên cạnh đó, với cáo buộc nhận hối lộ số tiền 3,2 triệu USD (quy đổi ra tiền Việt Nam khoảng 74 tỷ đồng) là số tiền rất lớn. Bởi vậy, trường hợp nếu không khắc phục hậu quả được 3/4 số tiền do phạm tội mà có thì dù có nhiều tình tiết giảm nhẹ thì cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son sẽ khó thoát khỏi mức án cao nhất của tội danh này là tử hình.

“Về nguyên tắc thì hình phạt chỉ được đặt ra khi tòa án tuyên bố bị cáo có phạm tội. Việc quyết định mức hình phạt cụ thể đối với từng bị cáo, từng tội danh và việc tổng hợp hình phạt sẽ do Hội đồng xét xử quyết định trên cơ sở kết quả tranh tụng tại phiên tòa…", luật sư Cường nhấn mạnh.

Cũng theo luật sư Cường, trong trường hợp tòa án xác định các bị can là có tội thì với những bị can chủ mưu, vai trò chủ yếu sẽ khó có thể thoát được mức án cao nhất là tử hình. Với nguyên tắc cá biệt hóa vai trò trong đồng phạm thì những người vai trò thứ yếu, không hưởng lợi nhiều, thành khẩn khai báo, tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả... thì sẽ được hưởng sự khoan hồng của pháp luật với mức hình phạt thấp hơn, có thể là tù chung thân hoặc tù có thời hạn tùy thuộc vào hành vi và vai trò của từng bị cáo đối với vụ án này.

Việc quyết định mức hình phạt cụ thể cho từng bị cáo sẽ phụ thuộc vào tính chất mức độ của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Trong đó, có thể phân thành 2 yếu tố chính là yếu tố nhân thân và yếu tố hành vi. Trong đó yếu tố nhân thân bao gồm hoàn cảnh, nhân thân, công lao, thành tích, khả năng nhận thức, khả năng cải tạo... còn yếu tố hành vi là tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi, sự tác động của hành vi tới xã hội. Thông thường khi lượng hình thì yếu tố hành vi sẽ quyết định nhiều hơn đến mức và loại hình phạt.

"Trong bối cảnh Đảng ta đang đẩy mạnh công cuộc đấu tranh, phòng và chống tham nhũng như hiện nay, chính sách xét xử đối với tội phạm tham nhũng là "nghiêm minh", "nghiêm trị", thiệt hại do các bị can, bị cáo gây ra cho nhà nước 7.000 tỷ đồng thì mức hình phạt trong vụ án này sẽ hết sức nghiêm khắc. Dù kết quả vụ án thế nào thì đó cũng là một sự ngậm ngùi, một bài học lớn trong công tác cán bộ, về đạo đức của người lãnh đạo trong bối cảnh kinh tế, xã hội còn nhiều phức tạp, nhiều cám dỗ như hiện nay", luật sư Cường nói.

Điều 354. Tội nhận hối lộ

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

b) Lợi ích phi vật chất.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Có tổ chức;b) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn;c) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;d) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng358 đến dưới 3.000.000.000 đồng;đ) Phạm tội 02 lần trở lên;e) Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước;g) Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:

a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.

5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

6. Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà nhận hối lộ, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này.

Điều 220. Tội vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong những hành vi sau đây gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính173 về hành vi này mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 224 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:a) Vi phạm quy định về quyết định chủ trương đầu tư;b) Vi phạm quy định về lập, thẩm định chủ trương đầu tư;c) Vi phạm quy định về quyết định đầu tư chương trình, dự án;d) Vi phạm quy định về tư vấn, thiết kế chương trình, dự án.

2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm:a) Vì vụ lợi;b) Có tổ chức;c) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;d) Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

3. Phạm tội gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Tác giả: Bình Minh

Nguồn tin: Báo Gia đình & Xã hội

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP