Từng bị bạo hành bằng dao
Hai nhân viên bị chủ quán bánh xèo bị Nguyễn Thị Ánh Tuyết (SN 1986, quê Phú Mỹ, Nghĩa Mỹ, Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) đang được điều trị các vết thương tại Trung tâm Y tế huyện Yên Phong (Bắc Ninh).
Tại bệnh viện Võ Văn Đức (21 tuổi, ở Quảng Ngãi) kể, anh bắt đầu làm việc tại quán bánh xèo miền Trung do Nguyễn Thị Ánh Tuyết làm chủ từ đầu năm nay.
Những ngày đầu, công việc bình lặng trôi qua, làm được khoảng 2 tháng, Đức bắt đầu bị những trận đòn vô cớ từ nữ chủ quán.
Đức đang được điều trị tại bệnh viện |
Lúc mới bị đánh, Đức nghĩ rằng mình làm sai, chủ quán bực tức đánh nên anh không suy nghĩ gì nhiều. Nhưng về sau, những trận đòn càng tăng thêm.
Không chỉ thế, Đức và Trương Quang Duy còn không được chủ quán cho ăn uống đầy đủ.
"Có hôm chủ cho ăn, hôm không, bọn em chủ yếu ăn cơm với nước tương, nước mắm. Nhiều khi đói quá, bọn em phải ăn thức ăn thừa...", Đức kể.
Đức nói thêm, hay bị đánh vào lưng, tay, chân. Có những hôm chủ quán bực tức vớ được cái gì đánh nhân viên bằng thứ đó.
"Chủ dùng chày đập tiêu, đồ đánh vảy cá và dao để đánh nhân viên...", Đức nói.
Ngoài ra, Đức còn bị bà chủ Nguyễn Thị Ánh Tuyết dùng dao chém vào tay khiến anh bị chảy máu nhiều.
Vết thương trên tay của Đức |
Đức kể tiếp, nhiều hôm nhìn thấy bà chủ đánh Trương Quang Duy ngay trước mặt mình nhưng em phải lờ đi, can không được vì em cũng là người bị đánh.
Nguyên nhân mà Đức không bỏ đi nơi khác làm vì làm tại quán bánh xèo gần 1 năm nay chưa được trả đồng tiền lương nào.
“Em sợ bỏ đi chủ quán sẽ không trả tiền lương, vậy em chịu đựng làm cố”, Đức nói.
Qua điều tra, Công an huyện Yên Phong xác định, để tránh bị phát hiện và giữ chân được Duy, Đức làm việc cho mình, Tuyết đã bắt hai nhân viên làm việc quần quật từ 7 giờ sáng hôm trước đến 3,4 giờ sáng hôm sau, không trả lương, không cho ăn cơm và không được gặp gỡ, giao tiếp với người ngoài.
Chủ quán bánh xèo có thể bị phạt 3 năm tù
Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp) nhận định, những hành vi của Tuyết có thể bị truy cứu thêm trách nhiệm hình sự về tội Cố ý gây thương tích.
“Cơ quan công an sẽ đưa các nạn nhân đi giám định tỉ lệ thương tích, mức độ tổn hại sức khỏe và căn cứ vào đó để ra quyết định khởi tố đối với Tuyết.
Trong trường hợp thương tích dưới 11%, nhưng một trong hai nạn nhân là trẻ em (Trương Quang Duy,15 tuổi, ở Quảng Ngãi), cùng với hành vi phạm tội được xác định có tính chất côn đồ, Tuyết có thể bị khởi tố về tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho người khác, quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015.
Theo đó, mức phạt mà Tuyết có thể phải đối mặt nếu bị quy kết tội danh trên là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”.
Tuyến đang được cơ quan chức năng lấy lời khai |
Luật sư nói tiếp, “trong trường hợp cơ quan điều tra không đủ căn cứ để xử lý tội Cố ý gây thương tích, thì với những hành vi đánh đập các nạn nhân bằng bàn chải sắt, chày giã tiêu… Tuyết có thể bị xử lý hình sự về tội Hành hạ người khác, quy định tại Điều 140 BLHS năm 2015”.
Tại điểm a, khoản 2, Điều 140 BLHS, quy định về tình tiết tăng nặng là hành hạ người dưới 16 tuổi, luật sư cho biết Tuyết sẽ nhận mức phạt tù 1-3 năm nếu bị kết tội.
Ngoài ra, luật sư Cường cho rằng cần xem xét chủ quán bánh xèo Miền Trung có vi phạm quy định của Bộ luật Lao động năm 2012 về sử dụng lao động chưa thành niên.
“Cơ quan công an cần xác định chính xác tuổi của nạn nhân Trương Quang Duy xem đã đủ 15 tuổi hay chưa, do Bộ luật Lao động quy định người lao động phải từ 15 tuổi trở lên”, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp nói.
Theo luật sư, trường hợp Duy đã đủ tuổi lao động, công an phải tiếp tục làm rõ khối lượng, thời gian, công việc mà nạn nhân đã phải làm.
Quán bánh xèo nơi xảy ra vụ việc |
Theo khoản 2 và 5 Điều 163 Bộ luật Lao động về nguyên tắc sử dụng lao động là người chưa thành niên, người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi được làm việc tối đa 8 giờ mỗi ngày và 40 giờ mỗi tuần.
Ngoài ra, người sử dụng lao động phải tạo cơ hội để người lao động chưa thành niên được học văn hóa.
“Theo lời khai của Tuyết và các nạn nhân, nghi phạm đã bắt Đức và Duy làm việc từ 7h ngày hôm trước đến 3h-4h ngày hôm sau (khoảng 20 giờ/ngày), điều này là vi phạm quy định”, luật sư cho hay.
Về mức xử phạt, luật sư Cường trích dẫn Điều 28 Nghị định 28/2020/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực lao động.
Theo đó, Tuyết sẽ bị phạt tiền 10-15 triệu đồng vì vi phạm quy định sử dụng người đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi làm thêm giờ.
Tác giả: Nhị Tiến
Nguồn tin: Báo VietNamnet