Kinh tế

Nhiều cơ hội cho Hà Tĩnh đột phá phát triển kinh tế xanh

Từ năm 2011 đến nay, Hà Tĩnh đã thực hiện nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội nhằm chuyển đổi xanh, cải thiện môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư để phát triển hệ thống hạ tầng.

Kinh tế xanh được hiểu là "nền kinh tế ít carbon, tiết kiệm tài nguyên và hòa nhập xã hội. Trong nền kinh tế xanh, tăng trưởng việc làm và thu nhập được thúc đẩy bởi đầu tư công và tư nhân vào các hoạt động kinh tế, cơ sở hạ tầng, tài sản cho phép giảm lượng khí thải carbon và ô nhiễm, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, tài nguyên cũng như ngăn ngừa mất đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái".

Hà Tĩnh tăng trưởng, chuyển đổi xanh để không bỏ ai lại phía sau

Ở Việt Nam, phát triển xanh - bền vững trở thành quan điểm xuyên suốt trong chính sách của Đảng, Nhà nước và đã được lồng ghép trong các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch hành động quốc gia.

Đối với tỉnh Hà Tĩnh cần căn cứ các chính sách, quy định của Chính phủ, thúc đẩy mô hình tăng trưởng xanh là nội dung mà tỉnh Hà Tĩnh cần phải thực hiện từ nay đến năm 2030, tầm nhìn 2050.

Ảnh minh họa: Trương Hoa.


Để thực hiện được nền kinh tế tăng trưởng xanh, Hà Tĩnh cần đặt ra mục tiêu xây dựng lối sống xanh kết hợp với nếp sống đẹp truyền thống để tạo nên đời sống chất lượng cao hòa hợp với thiên nhiên; thực hiện đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới bảo đảm các mục tiêu tăng trưởng xanh, bền vững; nâng cao chất lượng cuộc sống và khả năng chống chịu của người dân với biến đổi khí hậu, bảo đảm bình đẳng về điều kiện, cơ hội phát huy năng lực và thụ hưởng thành quả của sự phát triển, không để ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình chuyển đổi xanh.

Trong thời gian tới, một số ngành nghề, lĩnh vực được dự đoán sẽ thu hút mạnh đầu tư cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và Hà Tĩnh nói riêng là: bất động sản, vật liệu và dịch vụ xây dựng, dịch vụ tiêu dùng, hàng tiêu dùng, ngành nông nghiệp, viễn thông, tin học, công nghệ thông tin và cơ khí, công nghiệp hỗ trợ.

Từ năm 2011 đến nay, Hà Tĩnh đã thực hiện nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội tương đối hiệu quả nhằm chuyển đổi xanh, đặc biệt tỉnh đã quan tâm cải thiện môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư để phát triển hệ thống hạ tầng.

Trong giai đoạn này, trừ năm 2016, kinh tế của Hà Tĩnh chứng kiến tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng với mức tăng trưởng bình quân đạt 16,5%/năm. Sau sự cố môi trường cùng với việc kết thúc giai đoạn đầu tư xây dựng, tổng sản phẩm (GRDP) năm 2016 đã giảm mạnh khoảng 14,58% nhưng hồi phục nhanh chóng trong năm sau khi Nhà máy Formosa đi vào hoạt động.

Theo mục tiêu đề ra, đến năm 2030, Hà Tĩnh sẽ trở thành một trong những cực phát triển của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, phấn đấu trở thành tỉnh khá của cả nước. Địa phương sẽ hướng đến phát triển ổn định, bền vững các lĩnh vực văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và đối ngoại. Bốn ngành trọng điểm để tạo đột phá cho Hà Tĩnh gồm: công nghiệp luyện thép, công nghiệp hỗ trợ, chế tạo thép và sản xuất điện; nông - lâm nghiệp và thủy sản; dịch vụ logistics; du lịch.

Khai thác tiềm năng, tận dụng cơ hội để tăng trưởng xanh

Hà Tĩnh sở hữu nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng và phong phú, bao gồm than đá, quặng sắt, titan và một số khoáng sản quý hiếm khác. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển công nghiệp khai khoáng và chế biến.

Với vị trí nằm trên hành lang kinh tế Đông - Tây, Hà Tĩnh có tiềm năng phát triển giao thương và logistics, đặc biệt là thông qua cảng biển Vũng Áng và các tuyến giao thông chính.

Đối với các cơ chế, chính sách, Hà Tĩnh đã và đang nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ, bao gồm các chính sách khuyến khích đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng với đó là việc mở rộng hợp tác với các đối tác quốc tế, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao, nông nghiệp và du lịch, sẽ tạo ra nhiều cơ hội phát triển mới cho tỉnh Hà Tĩnh.

Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế xanh của Hà Tĩnh trong tương lai sẽ phải đặt ra những thách thức đòi hỏi chính quyền và nhân dân địa phương này phải cùng nhau vượt khó.

Trong đó việc tăng trưởng kinh tế xanh và toàn diện đòi hỏi đầu tư lớn vào hạ tầng cơ sở. Mặc dù Hà Tĩnh đã đạt được nhiều tiến bộ trong phát triển hạ tầng, nhưng vẫn còn nhiều khu vực cần được cải thiện để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai như bão lũ, hạn hán, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân.

Mức độ phát triển không đồng đều giữa các vùng trong tỉnh, đặc biệt là sự chênh lệch giữa khu vực đô thị và nông thôn. Tình trạng di cư lao động từ nông thôn ra thành thị và đi làm việc ở nước ngoài dẫn đến thiếu hụt lao động tại địa phương, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội.

Việc tăng trưởng kinh tế sẽ tạo ra những áp lực cho môi trường, như phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp nặng và khai thác khoáng sản, có thể gây ra ô nhiễm môi trường nếu không được quản lý chặt chẽ. Việc khai thác quá mức các tài nguyên thiên nhiên có thể dẫn đến suy thoái tài nguyên và mất cân bằng sinh thái.

Chính vì vậy, tỉnh Hà Tĩnh nên tập trung theo Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với bốn cụm ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh Hà Tĩnh gồm: Công nghiệp luyện thép, chế tạo sau thép và sản xuất điện, Nông, lâm nghiệp và thủy sản, Dịch vụ logistics, và Du lịch. Đồng thời đề ra định hướng xanh hóa bốn lĩnh vực này.

Tỉnh cần thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường trong sản xuất, khuyến khích đổi mới sáng tạo và phát triển các sản phẩm, dịch vụ xanh. Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và chuyển giao công nghệ xanh. Xây dựng chiến lược và chính sách rõ ràng về phát triển bền vững và chuyển đổi xanh.

Hoàn thiện khung pháp lý và cơ chế thị trường cho các hoạt động xanh, tăng cường vai trò điều phối và giám sát của Chính phủ. Khuyến khích mô hình sản xuất sạch hơn, tiết kiệm tài nguyên và thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất, tiêu dung.

Tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp và người tiêu dùng trong bảo vệ môi trường. Tăng cường đầu tư công vào cơ sở hạ tầng và công nghệ xanh. Triển khai các cơ chế và công cụ tài chính khuyến khích đầu tư xanh, thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân và các tổ chức tài chính xanh.

Tác giả: Trương Hoa

Nguồn tin: nhadautu.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP