Theo phản ánh, chùa Vĩnh Phúc tại xóm Dương Phòng, xã Xuân Hải, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) là ngôi chùa có từ lâu đời nhưng qua thời gian không được tôn tạo đã xuống cấp không thể sử dụng được. Khoảng năm 2015, có nhà tài trợ ủng hộ một số tiền lớn để đầu tư nâng cấp chùa. Tuy nhiên, sau khi được nhà tài trợ ủng hộ số tiền lớn Ban đại diện xóm Dương Phòng, chính quyền địa phương xã Xuân Hải không thực hiện các quy định của pháp luật về xây dựng, mà nhanh chóng xây dựng, trùng tu chùa ngôi chùa cổ này.
Chùa cổ đang xây dựng dở dang ở huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh |
Cách thành phố Hà Tĩnh khoảng 50km, nhóm phóng viên chúng tôi đến xóm Dương Phòng, xã Xuân Hải, huyện Nghi Xuân những ngày cuối tháng 10/2019. Đây là miền quê nghèo, đi sâu vào trong xóm chúng tôi thấy một ngôi chùa được xây dựng khá đẹp, nhiều công trình đã hoàn thiện, điện chính đang thi công dựng dở dang, không thấy hoạt động thi công, mà chỉ có một bà tầm 70 tuổi sống tại đây. "Bà là người đơn thân không nơi nương tựa, từ khi xây dựng lại chùa thì bà về đây nương thân", bà chia sẻ.
Để làm rõ hơn nội dung phản ánh, chúng tôi đã gặp bà Dương Thị Danh, Bí thư chi bộ xóm Dương Phòng, bà Danh cho biết: Chùa Vĩnh phúc có từ lâu đời. Thời kỳ chiến tranh chùa bị tàn phá nhiều hạng mục. Do không có tiền tôn tạo nên dần dần chùa xuống cấp và không thể sử dụng được.
Hội Người cao tuổi trong địa phương và các phật tử địa phương mong muốn khôi phục lại chùa nhưng không có kinh phí. Năm 2014, xã mời bà Trần Thị Toàn là con em địa phương về dự đại hội. Thấy chùa đã xuống cấp bà Toàn có phát biểu trước đại hội sẽ ủng hộ địa phương và xóm Dương Phòng khôi phục lại chùa. Sau đó, thì xóm có làm tờ trình gửi chính quyền địa phương và bắt đầu xây dựng, tôn tạo lại chùa.
Việc cải tạo và xây dựng lại chùa là tín ngưỡng tôn giáo. Tuy nhiên, khi thực hiện cũng cần phải tuân thủ các quy định của pháp luật trong quản lý xây dựng. Liên quan tới sự việc ông Nguyễn Xuân Thọ, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Xuân Hải cho biết: Bà Toàn là con em địa phương, có nhiều đóng góp ủng hộ xã nhiều công trình như: Hỗ trợ làm đài tưởng niệm liệt sỹ của xã; hỗ trợ kinh phí mua máy móc cho trạm y tế; hỗ trợ làm nông thôn mới... Về ngôi chùa thì trước đây trong lịch sử đảng bộ đã ghi nhận, sau này, thông qua họp dân mấy xóm có tờ trình xin khôi phục lại chùa.
Cũng liên quan đến việc xây dựng chùa, tại xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) có một ngôi chùa được xây dựng trên phần đất được chính quyền địa phương cấp cho gia đình bà Trần Thị Toàn. Liên quan đến những vi phạm trong việc xây dựng chùa, trao đổi với chúng tôi bà Trần Thị Toàn cho biết: Năm 1997 khi đó gia đình tôi còn khó khăn, tôi đã xin Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp cho thuê đất tại khu vực này. Thời kỳ đó tại đây là nơi hoang vu, không ai dám ở. Khi chúng tôi đến đây đã có một ngôi miếu nhỏ từ lâu đời của người Thái. Từ đó, tôi tiếp tục thờ phụng. Tôi là người theo đạo Phật, năm 2012 trên địa bàn có rất nhiều phật tử nhưng lại không có điều kiện đi các chùa xa để tụng kinh cầu nguyện nên tôi đã cải tạo ngôi miếu đó thành chùa và thờ Bác Hồ, thờ thần núi, thần sông vì công ty tôi hoạt động khai thác khoáng sản hưởng bổng lộc của sơn lâm thì phải đầu tư lại cho sơn lâm.
"Sau khi chính quyền nhắc nhở, tôi đã lên huyện và rất nhiều lần xuống tỉnh để xin được cấp phép nhưng chưa được. Việc xây dựng chùa là việc làm tâm linh, tri ân chứ không phải tôi xây dựng để kinh doanh hay vì múc đích gì khác. Tôi năm nay đã 74 tuổi, quỹ thời gian không còn nhiều”. "Còn công trình chùa bên xã Xuân Hải, đây là vì lời hứa tâm linh những người đã khuất, với Đức Phật nên tôi phải thực hiện. Nếu mà hứa với những người đang sống mà bị như thế này thì tôi cao chạy xa bay lâu rồi", bà Toàn chia sẻ.
Hoạt động tâm linh "trái luật" tại Quỳ Hợp (Nghệ An) |
Theo phản ánh, tại địa bàn huyện Quỳ Hợp không chỉ có bà Trần Thị Khánh Toàn xây dựng chùa chưa được cấp phép mà còn có Đạo Tràng Hương Sen, đóng tại nhà bà Nguyệt Vy, ở khối 3 thị trấn Quỳ Hợp cũng hoạt động tín ngưỡng trái luật. Ông Nguyễn Thanh Quỳnh, Chủ tịch UBND thị trấn cho biết, Đạo tràng Hương Sen đóng tại nhà bà Nguyệt Vy ở khối 3, đã hoạt động khoảng 4 năm. Ngày lễ vu lan thì họ xin huyện mời sư của tỉnh về cầu siêu. Hằng ngày, họ đến đó thắp hương, tụng kinh cầu cầu nguyện nhưng không ảnh hưởng an ninh trật tự, vệ sinh môi trường.
Chính quyền địa phương cũng nhiều lần xuống nhắc nhở nhưng người dân cho rằng, không vi phạm các vấn đề an ninh trật tự nên chính quyền địa phương cũng khó xử lý. Chỗ bà Toàn thì thực tế đã nhiều năm xây dựng. Các ngày lễ, công nhân của Công ty về thắp hương. Trên thực tế, họ không gây mất trật tự an ninh và địa phương cũng thường xuyên kiểm tra. Khi nào làm lễ cầu siêu, bà Toàn đều xin phép chính quyền để mời sư về hành pháp sự.
Thiết nghĩ, chính quyền địa phương huyện Quỳ Hợp (Nghệ An), huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) cần sớm hướng dẫn người dân thực hiện các quy định, đảm bảo tự do tín ngưỡng nhưng cũng tuân thủ các điều kiện quy định của pháp luật về xây dựng và quy định của luật tôn giáo.
Tác giả: Quang Hiếu - Hải Long
Nguồn tin: Ngaymoionline.vn