Tin trong tỉnh

Nhiều đoàn thiện nguyện về Nghệ An sau lũ, lo 'cứu trợ không đồng đều'

Gần một tuần nay, nhiều đoàn thể, cơ quan, tổ chức vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm cứu trợ cho người dân vùng lũ quét ở xã Tà Cạ và thị trấn Mường Xén, sau trận lũ quét lịch sử.

Nghệ An vừa trải qua đợt mưa lũ kéo dài ở huyện Thanh Chương, Quỳnh Lưu, Hưng Nguyên…và trận lũ quét kinh hoàng ở huyện Kỳ Sơn. Lũ đi qua để lại khung cảnh tan hoang, xơ xác, toàn bộ tài sản bị cuốn trôi hoặc nhấn chìm dưới đống bùn đất dày cả mét. Người dân nơi đây hiện phải sống trong cảnh khó khăn, thiếu thốn.

Khó tránh chênh lệch khi phân phát hàng cứu trợ

Trao đổi với Zing, ông Nguyễn Hữu Minh, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, cho biết gần một tuần nay, nhiều đoàn thể, cơ quan, tổ chức vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm cứu trợ cho người dân vùng lũ quét ở xã Tà Cạ và thị trấn Mường Xén.

Một số nhà hảo tâm khi liên hệ với huyện đã được bố trí phương tiện và tình nguyện viên để vận chuyển những thứ cần thiết đến với bà con. “Tài sản người dân đã trôi hết, để trở lại cuộc sống bình thường cần nhiều thời gian. Gạo và nhu yếu phẩm là điều trước mắt phải có cho người dân, xa hơn là tạo sinh kế, xây dựng lại nhà cửa”, ông Minh nói.

Cảnh tan hoang sau trận lũ quét kinh hoàng ở huyện Kỳ Sơn, Nghệ An. Ảnh: P.T.

Theo ông Minh, khi nước lũ đã rút, đường sá được khơi thông, không còn ách tắc, số lượng nhà hảo tâm, các đoàn cứu trợ về địa phương càng tăng cao. Địa phương định hướng các đoàn cứu trợ nếu chưa mua nên hỗ trợ người dân bằng tiền mặt, để họ chủ động trong mua sắm vật dụng và những thứ cần thiết cho sinh hoạt.

“Lúc bà con khó khăn, ai cứu trợ gì, tặng gì cũng đều quý cả. Nhưng khó khăn ban đầu đã dần qua, cái cần bây giờ với bà con là có tiền để mua sắm lại mọi thứ đã bị lũ cuốn trôi. Xa hơn nữa, họ cần có khu tái định cư an toàn để yên tâm sinh sống khi lũ về”, theo ông Minh.

Vị chủ tịch huyện cũng cho rằng nhu cầu của người dân sau trận lũ quét lịch sử là rất lớn, huyện cũng đã thành lập một ban tiếp nhận hàng hóa các đoàn cứu trợ. Đến nay có khoảng 50 đoàn đăng ký qua huyện và hàng chục đoàn khác tự đi đến trao cho người dân.

Ông cũng nêu thực tế trong những ngày đầu, có tình trạng hàng hóa không được phân phát đồng đều. Vì thế, huyện đã phối hợp lực lượng công an trực chốt trao đổi với các đoàn nên liên hệ qua huyện để được hướng dẫn tiếp nhận, cấp phát hàng cứu trợ, đảm bảo người dân thiệt hại được hỗ trợ đúng, đầy đủ, tránh tình trạng nơi nhận rất nhiều, nơi không có.

Các đoàn thiện nguyện lội bùn, vượt cầu tạm để cứu trợ nhu yếu phẩm cho người dân vùng lũ. Ảnh: P. Trường - Lê Thạch.

“Rất khó để tránh sự chênh lệch khi điều tiết nguồn hàng cứu trợ nhưng huyện sẽ hạn chế mức thấp nhất tình trạng nơi có, nơi không”, ông Minh nói.

Trong đợt lũ quét vừa qua, xã Tà Cạ và thị trấn Mường Xén (huyện Kỳ Sơn) làm sập và cuốn trôi 56 nhà, khiến 141 nhà bị ngập, sạt lở, hư hỏng nặng; 45 nhà phải di dời khẩn cấp. Lũ quét cũng cuốn trôi 2 ôtô, 10 ôtô khác cùng hàng trăm xe máy, xe đạp bị ngập sâu trong lớp bùn dày.

Cần hỗ trợ sinh kế lâu dài

Nói về việc điều tiết hàng hóa cứu trợ trong mùa lũ, ông Trình Văn Nhã, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương (Nghệ An), cho biết đợt lũ từ cuối tháng 9 đến nay khiến hàng nghìn hộ dân trên địa bàn bị ngập sâu, ảnh hưởng nặng nề.

Đến nay có khoảng 39 đoàn liên hệ qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc của huyện để đăng ký và được hướng dẫn đến trao quà tại các địa phương chịu ảnh hưởng nặng do lũ.

“Khi các đoàn về hỗ trợ người dân, huyện cũng định hướng ngoài nhu yếu phẩm cần thiết, cần giúp người dân tạo sinh kế ngay sau lũ lụt. Họ cần vật tư, phân bón, con giống nên tốt nhất các đoàn nếu chưa mua hàng hóa nên hỗ trợ bằng tiền”, ông Nhã nói.

Nhà hảo tâm mang trứng, nước và nhu yếu phẩm lội qua đoạn ngập 1 m, vào vùng rốn lũ huyện Quỳnh Lưu, hỗ trợ người dân. Ảnh: P.T.

Theo ông Nhã, khi các đoàn liên hệ, huyện đều chuẩn bị phương tiện và bố trí tình nguyện viên giúp di chuyển hàng hóa, trao hàng cứu trợ cho người dân.

Với địa phương vùng lũ như Thanh Chương, nếu có nguồn kinh phí phù hợp, người dân sẽ chủ động xây dựng các căn nhà cao tầng, vượt lũ để chủ động hơn trong việc cất trữ tài sản và yên tâm khi lũ về.

Bà Võ Thị Minh Sinh, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An, cho biết sau khi có thư ngỏ kêu gọi ủng hộ người dân địa phương do ảnh hưởng của thiên tai gây ra, đến nay đã có gần 6.600 đơn vị, tổ chức, cá nhân ủng hộ hơn 15 tỷ đồng.

Nữ cán bộ lưu ý mỳ tôm, lương khô và nhu yếu phẩm ban đầu là cần thiết và đã đảm bảo, song về lâu dài, người dân cần xây dựng, sửa lại nhà cửa, mua các thiết bị, đồ dùng đã bị cuốn trôi nên rất cần kinh phí hỗ trợ.

Tác giả: Phạm Trường

Nguồn tin: zingnews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP