Tin trong tỉnh

Nhiều giống bưởi đặc sản đã "bén duyên" với đất Đô Lương

Những năm gần đây, nhiều nông dân huyện Đô Lương đã lựa chọn cây bưởi là cây trồng chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế rõ nét. Đây là tín hiệu đáng mừng để người dân mạnh dạn mở rộng diện tích, chọn lọc giống phù hợp với chất đất vùng trung du.

Ông Thái Đắc Nhự ở xóm Hương Sơn, xã Bài Sơn lập nghiệp ở vùng đất này từ lâu. Khi mới đến ông Nhự trồng mía, chuối và đào ao thả cá, nhưng thu nhập không đáng kể. Năm 2012, ông bắt đầu tìm hiểu và trồng giống bưởi Phúc Trạch ruột đỏ. Ban đầu ông Nhự trồng vài chục gốc bưởi, đến nay đã lên hàng trăm gốc. Sau 4 năm tất cả các cây bưởi đều cho nhiều quả; trừ chi phí mỗi năm cho thu nhập 60 - 70 triệu đồng...

Giống bưởi Phúc Trạch ruột đỏ của gia đình ông Thái Đắc Nhự ở xóm Hương Sơn, xã Bài Sơn (Đô Lương). Ảnh: Ngọc Phương

Còn mô hình trồng bưởi của ông Lê Đình Lan ở xóm Liên Sơn, xã Bài Sơn rộng 0,6 ha, nằm bên cánh đồng làng. Mặc dù mới đầu tháng 8 DL nhưng nhờ chăm sóc tốt nên vườn bưởi hơn 5 năm tuổi đã trĩu quả, cho thu hoạch lứa đầu. Đối với những quả bưởi hướng về phía mặt trời, ông cẩn thận dùng vải che để tránh rám nắng. Nhờ vậy, bưởi của gia đình ông có mẫu mã đẹp.

"Gia đình tôi trồng giống bưởi Phúc Trạch là chủ yếu. Giống bưởi này chịu sâu bệnh cao, ruột hồng, ăn rất ngon, có giá trị về kinh tế. Hiện tôi có hơn 50 gốc bưởi Phúc Trạch và vài chục gốc bưởi da xanh. 2 giống này phù hợp với vùng đất trung du miền núi" - ông Lê Đình Lan chia sẻ.

Ở xã Bài Sơn hiện nay, không chỉ gia đình ông Lan trồng bưởi với diện tích lớn mà còn nhiều hộ nông dân khác như gia đình ông Thái Đình Lợi, Hoàng Văn Chính, ông Phạm Xuân Nhàn…, cũng trồng giống bưởi Phúc Trạch, bưởi da xanh và bưởi Hồng Quang Tiến diện tích từ 0,5ha đến gần 1ha.

Theo chị Nguyễn Thị Nhung - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Bài Sơn, hiện trên địa bàn xã có khoảng 200 hộ hội viên cải tạo vườn tạp trồng bưởi, cho thu nhập từ 50 - 60 triệu đồng/năm. Hội đã tuyên truyền, vận động hội viên tiếp tục cải tạo vườn tạp, nhân rộng các mô hình mới, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc nên các mô hình phát triển rất tốt.

Bưởi Phúc Trạch khi chín quả căng đều, bắt mắt. Ảnh: Ngọc Phương

Cũng từ mô hình trồng bưởi cho thu nhập cao, phong trào trồng cây ăn quả đã thành tiêu chí thi đua cho Hội Nông dân xã Bài Sơn phát động, mỗi hội viên trồng 10 cây bưởi trở lên.

Để bảo vệ cây trồng, phòng trừ ruồi vàng phá hại bưởi, các hộ trồng thường dùng hỗn hợp tỏi, ớt, gừng giã nhỏ ngâm rượu trong vòng 6 tháng làm dung dịch phun lên quả. Nhiều hộ gia đình từ trồng bưởi đã trở nên khấm khá, có điều kiện xây dựng nhà cửa khang trang.

Hiện nay, xã Bài Sơn đang triển khai kế hoạch phát động người dân mở rộng diện tích trồng bưởi để đẩy mạnh phong trào cải tạo vườn tạp trồng cây ăn quả, từ đó phát huy thế mạnh của vùng đất đồi miền núi.

Ông Thái Doãn Hồng - Phó Chủ tịch UBND xã Bài Sơn cho biết, xã đang triển khai các chính sách hỗ trợ đầu tư, ứng dụng khoa học kỹ thuật và tìm kiếm thêm thị trường, đổi mới tổ chức sản xuất nhằm mục tiêu đưa Bài Sơn trở thành vùng chuyên canh cây ăn quả nói chung và vùng trồng bưởi nói riêng. Tương lai không xa, xã sẽ có thu nhập cao, giàu lên nhờ trồng cây ăn quả.

Người dân Đô Lương chủ yếu trồng giống bưởi Phúc Trạch, bưởi da xanh và bưởi Hồng Quang Tiến. Ảnh: Ngọc Phương

Từ phong trào của Hội Nông dân xã Bài Sơn phát động trồng cây ăn quả mà chủ lực là cây bưởi, đến nay, bà con đã có thêm thu nhập từ kinh tế vườn đồi. Đây là những tín hiệu đáng mừng để người dân mạnh dạn mở rộng diện tích, chọn lọc giống phù hợp với chất đất vùng trung du.

Tác giả: Ngọc Phương

Nguồn tin: Báo Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP