Trong những năm gần đây, công nghệ được đẩy mạnh đã tạo ra sự đột phá trên sản phẩm. Lấy thí dụ như smartphone từ những "chú dế" chỉ có chức năng nghe gọi, kiểm tra email, lướt web,... thì nay đã hoạt động như một thiết bị giải trí đa phương tiện, cho phép xem phim, chơi game, chụp ảnh... vô cùng tiện lợi.
Đối với TV, từ những thiết bị chiếu chỉ hiển thị 2 tông màu đen và trắng, giờ đây người dùng đã choáng ngợp trước hàng loạt chiếc TV màn hình lớn, có độ phân giải 4K, 8K, hay những công nghệ tân tiến như HDR, OLED,... mang lại khả năng giải trí tuyệt vời.
|
Tuy nhiên, có cảm giác như công nghệ TV đang phát triển quá nhanh so với nhu cầu thực tế của người dùng. Bằng chứng cho thấy mặc dù liên tục đổi mới và cập nhật công nghệ, những dòng TV mới vẫn tỏ ra đặc biệt kém thu hút người tiêu dùng.
TV 8K vẫn đắt, đặc biệt kém thu hút người mua
Tại các siêu thị điện máy lớn, cũng như trang web bán hàng online, có thể thấy tốc độ giảm giá của những chiếc TV 8K cao hơn nhiều so với các dòng TV khác.
Cụ thể, mẫu Samsung Q900R 82-inch từ hơn 300 triệu đồng, giảm 1/3 giá xuống 200 triệu đồng. Mẫu Nanocell 8K LG SM9900 75-inch thậm chí giảm gần nửa giá - từ 200 triệu đồng xuống 110 triệu đồng.
Một số dòng TV 8K khác có giá niêm yết lên tới cả trăm triệu đồng, nhưng đã giảm xuống chỉ còn trung bình từ 65 - 70 triệu. Cá biệt có các dòng TV 8K 55-inch trước đây có giá 75 triệu, nay chỉ còn khoảng 40 triệu.
|
Tuy nhiên theo ghi nhận, ngay cả khi đã giảm số tiền rất lớn, thị trường TV 8K vẫn vô cùng ảm đạm. Đa số người tiêu dùng khi được hỏi, thắc mắc rằng tại sao họ phải bỏ một số tiền lớn như vậy để mua TV, trong khi hiệu quả chưa rõ ràng.
Anh Hòa, một người dùng công nghệ từng tỏ ra đặc biệt quan tâm đến dòng TV 8K khi mới du nhập vào thị trường Việt Nam. Tuy nhiên theo thời gian, anh Hòa quyết định mua một chiếc TV độ phân giải HD với màn hình lớn, thay vì tiếp cận các công nghệ có tính thực tiễn thấp như 4K và 8K.
Lý do được anh Hòa đưa ra đó là: 8K chưa sẵn sàng ở Việt Nam.
8K có thực sự cần thiết - hay chỉ HD là đủ?
Trên thực tế tại Việt Nam, việc phủ sóng nội dung chất lượng cao, dù là 4K vẫn còn đang chật vật để trở nên phổ biến, chứ chưa nói đến 8K - vốn là một khái niệm rất xa vời.
Lấy cột mốc những chiếc TV đầu tiên đã xuất hiện cách đây khoảng từ 7-8 năm, có thể hình dung rằng thị trường cần lâu đến thế nào để chúng ta tiến tới một cột mốc mới.
|
Trả lời Dân trí, ông Nguyễn Quang Đức, Giám đốc Marketing tại chuỗi siêu thị Pico ở Hà Nội đánh giá đa số TV 8K trên thị trường ảnh hưởng đến người tiêu dùng chưa nhiều.
"Giá thành cao, công nghệ đi trước, nguồn phát 8K chưa có là những yếu tố khiến nhu cầu khách hàng về sản phẩm này chưa cao", ông Đức cho biết. "Ngoài ra, người dùng cũng có ít sự lựa chọn TV 8K, chủ yếu gồm 2 hãng là Samsung, LG. Trong khi đó, các hãng khác đang rất ít sản phẩm hoặc chưa ra mắt".
"Năm nay, kinh tế khó khăn cũng như ảnh hưởng từ dịch Covid-19 khiến người tiêu dùng có xu hướng tiết kiệm hoặc mua sắm vào các đồ thiết yếu trước, còn những sản phẩm mang tính giải trí hoặc thay thế thì sẽ tính toán kỹ hơn khi bỏ ra một khoản tiền lớn", ông Nguyễn Quang Đức cho biết thêm. "Do vậy nên giai đoạn 9 tháng đầu năm, hầu hết các sản phẩm TV đều bị ảnh hưởng sức mua".
Dựa trên báo cáo thị trường từ một hãng điện máy lớn tại Việt Nam, có thể thấy tổng quan thị trường TV Full-HD, 4K kích thước từ 49-inch đến 55-inch vẫn bán tốt nhất, và mức giá của phân khúc này cũng rẻ hơn nhiều so với các năm về trước.
Nhìn lại giai đoạn từ năm ngoái, khi người dùng trung bình phải bỏ ra ít nhất 15 triệu để sở hữu một chiếc TV 55-inch độ phân giải 4K. Nhưng hiện nay, nhiều mẫu TV màn hình lớn tương tự đã giảm xuống chưa đến 10 triệu. Ví dụ như Model 55P65 của TCL hiện chỉ có 7 triệu, hay những model của hãng lớn như Samsung, LG, Sony chỉ lên tới 11 triệu.
Tác giả: Nguyễn Nguyễn
Nguồn tin: Báo Dân trí