Cây Táo mèo bước đầu mang lại kết quả cho bà con miền núi ở Nghệ An. |
Đề án thí điểm “Trồng cây táo Mèo ở vùng đồng bào dân tộc Mông tỉnh Nghệ An” đã triển khai từ năm 2015 với tổng nguồn vốn đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An cấp là 200 triệu đồng.
Cây Táo mèo được triển khai thực hiện ở các địa phương như bản Pà Khốm, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong là 0,5ha; bản Chà Lâng, xã Hữu Khuông, huyện Tương Dương 1 ha; xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn diện tích 5ha.
Cây Táo mèo được trồng trên độ cao từ 1000m -1300m, đất đai thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp, nên loài cây này phát triển nhanh, tốt. Các hộ gia đình được giao thực hiện mô hình, được hỗ trợ cấp giống cây, kinh phí trồng, chăm sóc, phân bón hàng năm. Diện tích trồng năm 2015 đã phát triển cao đến khoảng 3m-5m và đã cho ra quả; cây trồng 2017 cây cao khoảng 1,0 m-1,5m.
Với mức độ phát triển nhanh như vậy thì trong vòng khoảng 2 năm nữa cây táo Mèo sẽ ra quả. Tạo ra hàng hóa, thu nhập cao cho đồng bào và khi mô hình đã đạt được tổng kết có hiệu quả về mặt kinh tế thì sẽ được triển khai nhân rộng cho các huyện miền núi cao ở Nghệ An.
Đoàn của Trung tâm tư vấn và hỗ trợ Phát triển vùng Dân tộc thiểu số Nghệ An đi thăm các mô hình trồng cây thí điểm ở Nghệ An. (Ảnh. Đ.T) |
Ngoài ra, Đề án thí điểm “Xây dựng mô hình thí điểm trồng cây Bời lời đỏ trên địa bàn tỉnh Nghệ An” cũng đã triển khai năm 2016. Tổng nguồn vốn đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An cấp là 180 triệu đồng, để triển khai thực hiện tại xã Mậu Đức, huyện Con Cuông là 5,5 ha (hộ ông Lương Văn Minh 1,5ha; hộ ông Vi Văn Ước 2,5ha; hộ ông Lương Văn Đại 1,5ha).
Loài cây này được lựa chọn trồng trên địa bàn miền núi phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng. Độ cao từ 600m-700m, thích nghi với đất sét pha, ẩm, tầng đất dày.
Các hộ gia đình được giao thực hiện mô hình được hỗ trợ cấp giống cây, kinh phí trồng chăm sóc, phân bón hàng năm, đến nay trên diện tích đã trồng cây đã phát triển tốt, cây cao khoảng 1,5m-2,5m. Sau 3-4 năm nữa mô hình sẽ hoàn thành được đánh giá hiệu quả và triển khai nhân rộng mô hình.
Trong năm 2018, Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An sẽ triển khai “Mô hình trồng cây tràm Úc để lấy tinh dầu và mô hình chưng cất tinh dầu tại huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An” đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 4970/QĐ-UBND ngày 20/10/207 và phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị tiếp tục nghiên cứu, đề xuất một số mô hình, dự án mới có hiệu quả về kinh tế cao, để góp phần giúp đỡ đồng bào miền núi ngày càng phát triển kinh tế bền vững.
Trao đổi với PV Infonet, ông Nguyễn Đăng Tịnh – Giám đốc Trung tâm tư vấn và hỗ trợ Phát triển vùng Dân tộc thiểu số Nghệ An cho biết, việc triển khai các mô hình trồng cây như Táo mèo, Bời lời.. sẽ tạo ra hàng hóa, thu nhập cho đồng bào. Khi đạt được hiệu quả cao, chúng tôi sẽ triển khai nhân rộng cho các huyện miền núi cao, giúp đỡ cho bà con dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho gia đình.
Tác giả: Bảo Trâm
Nguồn tin: Báo Infonet