Giết mổ gia súc trái phép làm lây lan dịch bệnh có thể bị xử lý hình sự
Thời gian qua, các cơ quan chức năng Hà Tĩnh đồng loạt vào cuộc kiểm tra, phát hiện và xử phạt nhiều hộ gia đình tự ý giết mổ gia súc tại nhà.
Cụ thể, hôm 29/12, đoàn kiểm tra liên ngành về quản lý vật tư nông nghiệp - kiểm soát giết mổ động vật của huyện Kỳ Anh phát hiện 3 trường hợp giết mổ gia súc tại nhà, gồm các ông: N.T.T. (trú xã Kỳ Đồng), N.Đ.B. và H.V.T. (cùng trú xã Kỳ Khang).
Một cặp vợ chồng ở huyện Lộc Hà đang mổ lợn tại nhà riêng (Ảnh: Công an cung cấp). |
Đoàn lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi giết mổ động vật tại địa điểm không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh sau khi được tham mưu đã ra quyết định xử phạt mỗi trường hợp 7 triệu đồng.
Tương tự, lúc 6h ngày 16/12, Công an xã Ích Hậu (huyện Lộc Hà) chủ trì, phối hợp với Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật - Bảo vệ cây trồng, vật nuôi phát hiện bà N.T.C. (45 tuổi, trú xã Ích Hậu) giết mổ lợn tại nhà riêng.
Bà C. sau đó bị Công an huyện Lộc Hà xử phạt hành chính 7 triệu đồng.
Trong ngày 16/12, một hộ dân khác chuyên giết mổ động vật tại huyện Lộc Hà cũng bị xử phạt số tiền trên.
Công an cho hay huyện Lộc Hà là địa phương đang có dịch viêm da nổi cục trâu bò. Vì thế, nhà chức trách khuyến cáo việc giết mổ lợn trái phép nếu để làm lây lan các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể bị xử lý hình sự.
Hạn chế dịch bệnh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm
Ngày 31/12, trao đổi với phóng viên Dân trí về vấn đề trên, ông Trần Hùng, Chi cục trưởng Chăn nuôi - Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh) cho biết, thời gian qua, các ngành, địa phương trên toàn tỉnh tăng cường xử lý các hành vi vi phạm giết mổ gia súc ở những địa điểm không đảm bảo quy định.
Việc xử lý căn cứ vào Nghị định của Chính phủ và các quy định của pháp luật.
Một người dân tự ý giết mổ động vật tại nhà bị công an lập biên bản xử phạt (Ảnh: Công an cung cấp). |
"Không có bất cứ địa phương nào quy định riêng. Căn cứ vào nội dung nào thì tùy hành vi vi phạm cụ thể. Nhưng đa số các trường hợp bị xử phạt do có hành vi giết mổ động vật tại địa điểm không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép, Quy định tại khoản 4, điều 20, Nghị định 90/2017 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y", ông Hùng nói.
Vẫn theo Chi cục trưởng Chăn nuôi - Thú y Hà Tĩnh, người dân thường giết mổ gia súc tại nhà do thói quen, đưa ra nhiều lý do, trong đó có việc chung nhau để làm. Nhưng không vì thế mà gây ảnh hưởng, vi phạm quy định.
Việc phát hiện, xử phạt nghiêm nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong khu dân cư, đặc biệt đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ngành chức năng khuyến cáo người dân cần đưa gia súc đến các lò mổ tập trung để đảm bảo quy định. Giá cả giết mổ tại các lò giết mổ này dao động 30.000-35.000 đồng/con gia súc, còn gia cầm rẻ hơn.
Cũng theo ông Hùng, cơ quan chức năng khi kiểm tra, xử lý người dân tự ý giết mổ động vật gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, vấn đề này thời gian tới sẽ tiếp tục được các ngành, địa phương đồng loạt triển khai, tuyên truyền, kiểm tra và xử lý các trường hợp cố tình vi phạm.
Đặc biệt, mới đây, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã ban hành kế hoạch tăng cường, kiểm soát đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm dịp trước, trong, sau Tết Nguyên đán.
"Để xóa bỏ điểm giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư và tuyên truyền cho người làm nghề này cũng rất khó khăn. Việc này phải làm thường xuyên, đảm bảo nghiêm túc mới thực hiện được. Hà Tĩnh sẽ cố gắng từng bước để chấn chỉnh, không vì lợi ích cho riêng ai mà của toàn xã hội", vị Chi cục trưởng khẳng định.
Tác giả: Dương Nguyên
Nguồn tin: Báo Dân trí