Pháp luật

Nhói lòng vụ án con sát hại cha, cả nhà vướng vòng lao lý

Không chịu được việc bố thường xuyên rượu say chửi bới, đánh đập mẹ, Hưởng đã sát hại bố đẻ. Sau đó cả nhà Hưởng dựng lên hiện trường nạn nhân bị ngã chết.

Gia đình tan nát vì rượu

Chồng vốn là người hay rượu chè, thường xuyên to tiếng chửi, đánh đập vợ, nhưng bà Đào Thị Liên (SN 1964, trú xã Kiến Thiết, Yên Sơn, Tuyên Quang) chỉ biết nhẫn nhịn chịu đựng. Mỗi lần chồng đi uống rượu về, mẹ con bà Liên chỉ còn nước sang hàng xóm ngủ nhờ.

Sau nhiều lần chứng kiến cảnh bố bạo hành mẹ, những đứa con không thể chịu đựng nên đã ra tay sát hại chính cha ruột. Hiện trường giả được dựng lên, những tưởng vụ án "thần không biết quỷ không hay" nhưng sau 5 năm từ một nguồn tin tố giác tội phạm, phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an tỉnh Tuyên Quang đã lật lại vụ án khiến cả gia đình 5 người vướng vòng lao lý.

Theo tài liệu phòng CSHS cung cấp, vụ án xảy trên ra vào tối mùa hè oi bức giữa năm 2008. Sau khi cả nhà đi ngủ, đến 22h, bà Liên cảm thấy đau đầu nên dậy ra bàn uống nước và gọi con gái ra bóp đầu.

Lúc đó, ông Tạ Xuân H. (SN 1964, chồng bà Liên) tỉnh dậy đi ra chỗ mẹ con bà Liên đang ngồi rồi quát “mấy giờ rồi, chúng mày có phải bác sĩ đâu” đồng thời ông H. dùng tay túm tóc và tát vợ một cái. Thấy vậy, cô con gái chạy vào giường gọi anh trai Tạ Đức Hưởng (SN 1987) dậy can ngăn. Hưởng ra can bố nhưng không được.

Mỗi lần rượu vào, ông H. lại chửi bới vợ con (ảnh minh hoạ).

Bực tức, Hưởng chạy ra trái nhà lấy một thanh sắt tồi vụt 2 nhát khiến ông H. ngã gục xuống nền nhà. Sau đó Hưởng cùng vợ, em gái và Nông Thanh Khang (SN 1985, lúc đó là người yêu, sau này là chồng của em gái Hưởng) đưa bà Liên sang nhà hàng xóm ngủ nhờ.

Để mọi người ở lại, Hưởng một mình đi về nhà xem xét tình hình. Nhưng, Hưởng vừa bước chân vào nhà thì thấy ông H. đang nằm trên giường và liên tục chửi bới, đe dọa sẽ giết hết cả nhà.

Cảm thấy không thể cứu vãn tình hình, Hưởng lập tức quay lại gọi Nông Thanh Khang ra ngoài nói chuyện. Lúc này Hưởng trầm ngâm nói “anh trót đánh bố rồi, bây giờ bố cứ đe dọa giết mấy anh em, đã thế thì giết chết bố đi không thì mai tỉnh dậy bố lại giết anh em mình”.

Thấy vậy, vợ và em gái Hưởng khuyên can, nghĩ Hưởng chỉ bực tức nói vậy nên sau đó mọi người quay lại vào nhà người hàng xóm. Nhưng thực tế, Hưởng đã hạ quyết tâm giết bố và nhờ Khang giúp sức. Khang đồng ý.

Sau đó, Khang cùng Hưởng trở lại nhà, trên đường về Hưởng và Khang gặp Phạm Văn Th. (hàng xóm) vừa đi từ trong nhà ông H. ra. Biết chuyện Hưởng vừa đánh bố nên người hàng xóm này khuyên anh em không nên đánh bố như vậy, sau đó đi về nhà.

Con sát hại cha, cả nhà lập hiện trường giả

Nhưng, lúc này không ai có thể dập tắt "lửa hận" đang cháy bùng trong người Hưởng. Hưởng và Khang lao thẳng về nhà, hắn tiến đến bể nước ở góc sân lấy chiếc chày gỗ rồi lấy 1 đoạn gậy gỗ đưa cho Khang.

Khang cầm gậy gỗ "trấn thủ" trước cửa, Hưởng cầm chày đi vào trong nhà vụt liên tiếp vào người bố đẻ. Thấy ông H. chạy ra khỏi giường, Khang cũng cầm gậy lao theo tấn công khiến nạn nhân ngã gục. Sau đó, ông H. chết bởi bị Hưởng dùng dây siết cổ...

Trong lúc Hưởng và Khang đánh ông H. thì những người trong gia đình đang đứng cách nhà khoảng 30m nên nghe thấy tiếng bụp bụp, do đó họ biết rõ Hưởng và Khang đã đánh ông H..

Sau 5 năm vụ án được đưa ra ánh sáng, nhiều người mới biết nguyên nhân cái chết của ông H. (ảnh minh hoạ).

Sau đó, Khang đi sang chỗ bà Liên, còn Hưởng cầm chiếc chày gỗ và đoạn gậy gỗ vứt ra sau nhà, đoạn dây Hưởng cầm vứt ở gốc cây gần nhà rồi sang thông báo cho mọi người là ông H. đã chết.

Biết chân tướng sự việc nhưng Đào Thị Liên dặn các con nói với mọi người là ông H. do uống rượu say nên bị ngã chết.

Sau đó Hưởng cùng gia đình làm đám tang chôn cất ông H.. Trong lúc khâm liệm, người hàng xóm là Phạm Văn Th. nhìn rõ tình trạng thương tích trên người ông H. nên biết ông H. đã bị đánh chết.

Nhận xét về vụ án, phòng CSHS cho biết, hành vi phạm tội của các đối tượng thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng. Hành vi sát hại bố đẻ là trái pháp luật và luân thường đạo lý. Nguyên nhân có phần lỗi của bị hại và nhận thức pháp luật hạn chế của người con và thành viên trong gia đình.

"Trong cuộc sống sinh hoạt, hầu như gia đình nào cũng có mâu thuẫn, do đó mỗi thành viên cần bình tĩnh để tìm ra cách giải quyết, tuyệt đối không để bản thân dẫn đến hành vi phạm tội, vi phạm luân thường đạo lý", cán bộ điều tra phòng CSHS khuyến cáo.

Trong vụ án trên, bị cáo Tạ Đức Hưởng bị TAND tỉnh Tuyên Quang tuyên phạt tù chung thân, Nông Thanh Khang phải trả giá đắt bằng 18 năm tù. Những thành viên trong gia đình bao gồm bà Liên, con gái, con dâu và người hàng xóm bị xử phạt 9 tháng tù, cho hưởng án treo vì tội Không tố giác và Che giấu tội phạm.

Tác giả: Đặng Ngọc Thủy

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP