Huyện Quỳ Hợp được biết đến là “thủ phủ” của đá trắng tại miền Tây của Nghệ An, đây cũng là địa phương có nhiều doanh nghiệp sản xuất đá cung cấp cho các tỉnh và xuất khẩu đi các nước. Tại đây cũng có nhiều loại đá hết sức phong phú, việc tài nguyên thiên nhiên ban tặng và nhiều cơ sở sản xuất đá mọc lên cũng góp phần tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động có việc làm, có thu nhập ổn định.
Tuy nhiên, việc đá trắng trở thành mặt hành để buôn bán có thu nhập thì nhiều doanh nghiệp, nhiều hộ gia đình mở xưởng cắt đá để phục vụ nhu cầu, cũng kéo theo việc các khu công nghiệp, cụm công nghiệp (CCN) chưa đảm bảo các điều kiện về thu gom nước thải.
Hình ảnh nước thải do cắt mài đá thải ra môi trường trắng xóa |
Trước phản ánh của người dân về việc CCN Đồng Lèn - Đồng Bảng, tại xã Đồng Hợp (huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An) thiếu cơ sở hạ tầng cho việc xử lý nước thải công nghiệp gây bức xúc cho người dân địa phương, Báo PLVN đã có mặt tại hiện trường ghi nhận thực tế.
Có thể dễ dàng nhận thấy, tại các xưởng khai thác đá, nước thải trong quá trình cắt xẻ đá được xả ra theo các kênh dẫn rồi đổ ra con suối và chảy ra tự nhiên đều có màu trắng xóa, bụi từ các xưởng, cơ sở này cũng bay lơ lửng phủ trắng nhiều điểm tại đây.
Đáng nói là tại các bể lắng của các xưởng chế biến đá luôn trong tình trạng đầy bột đá, nước chảy ra môi trường vẫn còn màu trắng, bằng mắt thường cũng dễ dàng nhận thấy khó có thể đảm bảo tiêu chuẩn về môi trường.
|
Điểm cuối trước khi chảy ra môi trường được một cơ sở sản xuất tại đây vừa xây xong bể lắng 4 ngăn nhưng lại có hiện tượng bể bị rò ra ngoài chảy rất lớn. Nước chảy ra ngoài hòa cùng với nước thải từ các cơ sở khác đổ ra tự nhiên thành một dòng trắng xóa nhìn từ xa như một 'con rồng đuôi trắng".
Tại UBND xã Đồng Hợp, ông Vũ Ngọc Lâm - Chủ tịch UBND xã yêu cầu phóng viên phải xuất trình giấy giới thiệu (GGT) mới được làm việc, sau khi giải thích theo Luật Báo chí thì ông Lâm vẫn yêu cầu phải có GGT mới làm việc. "Theo tôi được biết và một số văn bản của huyện gửi về,thì việc các cơ quan báo chí về địa phương làm việc thì phải có GGT và có thẻ nhà báo", ông Lâm nói.
Tuy nhiên, khi phóng viên đề nghị được tiếp xúc với văn bản mà huyện gửi về thì ông Lâm không xuất trình được.
Điểm các bể lắng rò ra ngoài môi trường |
Cũng tại đây, ông Lâm cho biết, việc ô nhiễm môi trường của các doanh nghiệp và các hộ gia đình sản xuất đá có từ nhiều năm qua, "Cảnh sát Môi trường năm ngoái đến nay đã nhiều lần đến kiểm tra, tài nguyên kiểm tra. Điều kiện người dân ở đây là sản xuất nhỏ lẻ, vừa làm vừa hành quân nên vốn không. Cấp trên vẫn biết, chúng tôi vẫn biết nhưng nếu làm cho nghiêm, cho đảm bảo môi trường thì dẹp hết không ai làm được", ông Lâm nói.
Theo ông Phan Thanh Tùng - Phó chủ tịch UBND xã Đồng Hợp thì tại CCN này có 3 công ty và 3 hộ gia đình tổ chức sản xuất khai thác đá trắng. ông Bình cũng thừa nhận việc ô nhiễm môi trường tại đây là có thật và tồn tại nhiều năm nay chưa thể khắc phục trong một sớm một chiều.
Một màu trắng xóa của nước sản xuất đá thải ra môi trường |
Ông Tùng cũng cho biết thêm, các đợt tiếp xúc cử tri cũng như họp tại xóm thì người dân đều có ý kiến, sau mỗi lần đó thì xã yêu cầu các doanh nghiệp và hộ gia đình tiến hành khắc phục để người dân yên tâm. Cũng theo ông Bình, đầu năm vừa rồi xã đã yêu cầu gia đình hộ ông Hồ Văn Tư xây bể lắng, đầu tháng 5 xã có kiểm tra việc xây bể và đang yêu cầu sửa chữa lại.
Trước đó, tại CCN Đồng Lèn - Đồng Bảng, trong các ngày từ ngày 3 - 5/3/2021 UBND xã Đồng Hợp đã quyết định tiến hành cắt điện để chủ các cơ sở tập trung giải quyết các tồn tại, bất cập. Cụ thể, các chủ cơ sở đã tập trung dọn dẹp nhà xưởng, múc bùn thải, không để nước thải vương vãi ra đường giao thông…
Tác giả: Nhóm PV
Nguồn tin: sao.baophapluat.vn