Kinh tế

Những ai đang chi phối “cuộc chơi” mới ở Vinaconex?

Chỉ trong vòng vài ngày, 3 cổ đông lớn nhất của Vinaconex là SCIC, Viettel và Pyn Elite Fund đã chuyển nhượng toàn bộ 87% cổ phần tại doanh nghiệp (DN) này. Vậy những ai đang nắm quyền chi phối “ông lớn” ngành xây dựng Vinaconex?

Ba cuộc “sang tay” chớp nhoáng

Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã CK: VCG) vừa công bố thông tin liên quan đến giao dịch của những cổ đông lớn.

Theo đó, hai cổ đông lớn mới xuất hiện tại Vinaconex là công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ và công ty TNHH Đầu tư Star Invest, với sở hữu lần lượt là 21,28% và 7,57%.

Sau khi 3 cổ đông Nhà nước là SCIC, Viettel và cổ đông ngoại Pyn Elite Fund thoái 87% vốn VCG cho 3 cổ đông tư nhân khác, Vinaconex sắp có cuộc "thay máu" lãnh đạo lớn.

Trước đó, trong phiên đấu giá trọn lô 94 triệu cổ phiếu VCG do tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) nắm giữ vào ngày 22/11/2018 (chỉ có 2 nhà đầu tư tham gia gồm công ty Cường Vũ và CTCP Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Thăng Long Việt Nam), Cường Vũ đã trúng giá và trở thành cổ đông lớn sở hữu 21,28% cổ phần VCG.

Giá trúng của Cường Vũ sát với giá khởi điểm 21.300 đồng, tương ứng tổng giá trị bỏ ra là 2.002 tỷ đồng.

Cùng ngày 22/11, phiên đấu giá công khai lô 254.901.153 cổ phần (tương ứng 57,71% vốn điều lệ VCG) của Nhà nước tại Vinaconex do tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đại diện chủ sở hữu cũng thành công vang dội.

Vụ chuyển nhượng được báo chí coi là “đình đám” trong năm vì giá trị thương vụ lên tới tới gần 7.400 tỷ đồng, cao hơn gần 2.000 tỷ đồng so với giá khởi điểm đã công bố.

Đơn vị trúng giá là công ty TNHH An Quý Hưng, một công ty ít tên tuổi, có quy mô vừa phải của ông chủ Nguyễn Xuân Đông. Gọi là thương vụ “đình đám” vì An Quý Hưng đã “dám” trả giá 28.900 đồng/cổ phần trong khi giá khởi điểm chỉ là 21.300 đồng/cổ phần.

Tiếp theo, ngày 24/12, cổ đông lớn thứ 3 của Vinaconex là Pyn Elite Fund cũng chuyển nhượng toàn bộ 7,57% cổ phần sang cho công ty TNHH Đầu tư Star Invest.

Như vậy là chỉ trong vòng vài ngày cuối năm, 87% cổ phần Vinaconex đã được “sang tay” cho 3 cổ đông lớn khác, đánh dấu bước ngoặt đổi chủ tại ông lớn ngành xây dựng có quy mô lớn nhất nhì cả nước này.

Cổ đông chi phối Vinaconex – họ là ai?

Thời gian qua, báo chí đã tốn nhiều giấy mực để tìm hiểu An Quý Hưng và ông chủ Nguyễn Xuân Đông là ai, ai đứng sau An Quý Hưng “bơm tiền” để công ty này có số tiền khủng gần 7.400 tỷ đồng (lớn gấp mấy chục lần vốn điều lệ) thâu tóm hơn 57% cổ phần Vinaconex.

Tổng Giám đốc An Quý Hưng - ông Nguyễn Xuân Đông - vừa được bổ nhiệm làm TGĐ Vinaconex hồi giữa tháng 12/2018.

Theo tìm hiểu, công ty TNHH An Quý Hưng được thành lập vào năm 2001, trụ sở tại Chương Mỹ, Hà Nội, hoạt động trong lĩnh vực xây dựng do ông Nguyễn Xuân Đông (SN 1966) làm Tổng Giám đốc.

Ông Nguyễn Xuân Đông hiện đang nắm nhiều chức vụ ở các doanh nghiệp khác, như: Tổng Giám đốc công ty TNHH Mỹ nghệ Đức Hồng, Chủ tịch HĐTV công ty TNHH An Quý Hưng Land.

Trong đó An Quý Hưng Land chuyên phân phối các sản phẩm bất động sản và hiện đang thực hiện các dự án như Manhattan Tower (21 Lê Văn Lương, quận Thanh Xuân, Hà Nội); Tổ hợp TTTM dịch vụ Văn phòng và Chung cư cao cấp 105 Chu Văn An (số 105 Chu Văn An, P. Yết Kiêu, Q. Hà Đông, TP.Hà Nội)…

Doanh nhân này cũng đã từng nắm giữ khá nhiều vị trí quan trọng của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán như là Thành viên HĐQT CTCP Vimeco – công ty thành viên của Vinaconex, chủ đầu tư dự án chung cư CT4 Vimeco tại Cầu Giấy, Thành viên HĐQT công ty Hải Phát Invest – chủ đầu tư các dự án The Pride Hải Phát, Tân Tây Đô…

Đáng lưu ý, 2 cổ đông lớn còn lại chỉ có tuổi đời 1 năm tuổi và 1 tháng tuổi (tại thời điểm trúng giá).

Công ty Cường Vũ là doanh nghiệp chỉ mới được thành lập vào ngày 7/11/2017, địa chỉ trụ sở chính tại số 64 đường 85, khu phố 1, phường Tân Quy, quận 7, TP.HCM. Người đại diện theo pháp luật của Cường Vũ là ông Vũ Xuân Cường, sinh năm 1970.

Doanh nghiệp hơn một năm tuổi này có ngành nghề kinh doanh chính là xây dựng nhà các loại, ngoài ra còn có kinh doanh bất động sản, xây dựng công trình đường sắt và đường bộ, phá dỡ… Đáng chú ý là Cường Vũ chỉ có vốn điều lệ 20 tỷ đồng.

Ông Vũ Xuân Cường cũng là người đại diện của 2 công ty khác là công ty TNHH Bất động sản Cường Thanh (Cường Thanh) và công ty TNHH Bất động sản Lâm Vũ (Lâm Vũ).

Đáng chú ý, cả 3 công ty Cường Vũ, Cường Thanh và Lâm Vũ đều có vốn điều lệ 20 tỷ đồng, được thành lập chỉ cách nhau 1 ngày và có chung ngành, nghề đăng ký kinh doanh chính là “Xây dựng nhà các loại”.

Cổ đông lớn thứ 3 của Vinaconex là doanh nghiệp chỉ mới tròn 1 tháng tuổi tại thời điểm trúng giá. Đó là công ty TNHH Đầu tư Star Invest, thành lập ngày 9/11/2018.

Công ty Star Invest có vốn điều lệ 200 tỷ đồng (ở tầng 5, tòa nhà Sentinel Place, số 41A Lý Thái Tổ, phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội), do ông Đặng Thế Anh Đức (sinh năm 1985) làm Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật.

Star Invest cho biết muốn sở hữu cổ phần Vinaconex để phục vụ định hướng trở thành công ty chuyên về bất động sản và xây dựng.

Vinaconex là một tập đoàn lớn trong lĩnh vực xây lắp và một số dự án bất động sản quy mô vừa và nhỏ. Trong đó, dự án Khu đô thị mới Bắc An Khánh với quy mô 264ha là dự án đáng chú ý của Vinaconex.

Vào ngày 11/1 tới đây, Vinaconex sẽ tiến hành họp Đại hội đồng cổ đông bất thường theo đề nghị của cổ đông lớn An Quý Hưng. Nội dung họp dự kiến là việc kiện toàn nhân sự Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát Vinaconex nhiệm kỳ 2017-2022 và các nội dung khác.

Phiên họp này dự kiến sẽ có nhiều thay đổi về mặt nhân sự, để dọn đường cho những “nước cờ mới” của cổ đông lớn chi phối hoạt động Vinaconex trong thời gian tới.

Trước đó, sau thương vụ thâu tóm gần 58% vốn điều lệ của Vinaconex với giá “khủng” 7.400 tỷ đồng, Tổng Giám đốc công ty An Quý Hưng đã chính thức được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật tại Vinaconex, thay cho ông Đỗ Trọng Quỳnh vừa từ nhiệm.

Tác giả: Minh Minh

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

  Từ khóa: Vinaconex , cổ đông

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP