Một ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi tìm về Bảo tàng Quân khu IV, nơi lưu giữ bộ sưu tập thư của người lính trong chiến tranh, những lá thư nơi tiền tuyến gửi hậu phương… Đó không chỉ là tình cảm trong sáng, thủy chung không đơn thuần là tình yêu đối với cha mẹ, tình yêu trai gái, tình cảm vợ chồng,…. mà trên hết đó còn là tình yêu Tổ quốc thiêng liêng. |
Theo Trung tá Ngô Thị Nga, cán bộ Bảo tàng Quân khu IV, hiện bảo tàng đang lưu giữ bộ sưu tập khoảng hàng nghìn lá thư thời chiến, đó là những bức thư của người lính gửi cho cha mẹ, người yêu, vợ chưa cưới, những bức thư người chồng gửi vợ, vợ gửi chồng. Những bức thư úa màu thời gian, không còn nguyên vẹn vì bom đạn nhưng vẫn chứa chan tình cảm của tiền tuyến gửi về hậu phương. |
Những bức thư của người lính gửi về từ chiến trường luôn đầy ắp yêu thương và tin tưởng về ngày đoàn tụ với gia đình khi đất nước thống nhất. Trong những bức thư họ dự liệu cả cái chết và sẵn sàng đón nhận nó nhưng vẫn đau đáu nỗi đau của người vợ ở quê nhà… |
Tấm ảnh cưới của vợ chồng anh Mậu được chị Síu tặng lại cho Bảo tàng. Tình yêu trong thời chiến hay thời bình đều đẹp. Trong chiến tranh, những cảm xúc nhớ thương, hờn giận,... nhường chỗ cho những lý tưởng sống cao đẹp. Tình yêu người lính gắn liền với tình yêu Tổ quốc thiêng liêng. 136 lá thư của liệt sĩ Nguyễn Đức Mậu quê Hưng Yên gửi về cho vợ là chị Hoàng Thị Síu được trưng bày ở Bảo tàng là những tình cảm yêu thương sâu sắc, mãnh liệt đã toát lên một lý tưởng sống, quyết tâm chiến đấu và chiến thắng. |
Những lá thư của anh Mậu được gửi từ những địa chỉ khác nhau, dọc đường hành quân. Những lá thư chưa chan tình yêu nồng thắm của người lính gửi cho vợ. Nhưng bao trùm trong đó là tình yêu đất nước thiêng liêng. “Vì nhiệm vụ chống Mỹ cứu nước nên anh và em cũng phải cố gắng vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống để dành lại cuộc đời hạnh phúc cho toàn dân, trong đó có cả của anh, của em nữa chứ…", trích thư của anh Mậu gửi vợ. |
Trong chiến tranh những người lính luôn khao khát ngày cách mạng chiến thắng, đất nước hòa bình để trở về sống những ngày đời thường yên binh hạnh phúc bên vợ con. Người lính trẻ hẹn vợ ngày gần Tết sẽ sum vầy bên gia đình. "Nói tóm lại là vẫn thời gian trong Tết Âm lịch. Nếu may mắn thì anh em lại được,...gì nào,...ăn chung, đi chơi với nhau cho đỡ khổ và cưới nhau nữa em nhỉ. Thôi anh dừng bút, tạm biệt cô gái khắc khổ, người con gái đợi chờ chồng khi chiến thắng,..." trích thư của anh Mậu gửi vợ. |
Những bức thư gửi từ chiến trường được nắn nót, chỉn chu nhưng cũng có những lá thư viết vội vàng để người lính lên đường hành quân giữa bom đạn. "Anh vẫn biết em mong anh lắm nhưng hoàn cảnh chiến tranh nó bắt chúng ta đành chịu chứ có ai muốn. Em chịu khó bấm ngón tay theo ngày tháng nếu khoảng nửa năm không thấy gì thì lúc đó hãy nên suy nghĩ và đoán anh còn hay mất em nhé....Nói thế thôi chứ anh cùng 1 số anh em ở đây phải cố gắng bám chặt lấy đoạn đường đang và sắp chiến thắng này chứ. Dù sao đi nữa anh cũng phải gương mẫu, chẳng hề ngại ngần khó khăn gian khổ vì anh là phó bi thư của chi bộ quân y còn lại em ạ", những lời chứa chan tình cảm của anh Mậu gửi vợ. |
Rồi những lá thư đó đã không còn được tiếp tục gửi về hậu phương bởi anh đã ngã xuống trên đường ra trận. Những lá thư của anh được chị Xíu cất giữ như báu vật. Chị Síu đồng ý trao lại 136 bức thư của liệt sĩ Nguyễn Anh Mậu cho bảo tàng. Và câu chuyện tình yêu của anh chị đã trở thành câu chuyện cảm động tại phòng trưng bày di vật liệt sĩ Bảo tàng quân khu 4. |
Mấy chục năm qua, những bức thư của liệt sỹ Phan Huy Chương, SN 1933, trú tại Tp.Vinh, tỉnh Nghệ An luôn được bà Phan Thị Bé, vợ liệt sỹ Chương giữ gìn, nâng niu như báu vật. Những bức thư chất chứa yêu thương, tin tưởng, hờn trách, giận dỗi, động viên chia sẻ,...của người lính dành cho vợ. Chính những lá thư này là "liều thuốc" giúp cho người phụ nữ này vượt qua giông bão, hơn nửa thế kỷ thay chồng nuôi con… Qua những cánh thư, ông động viên vợ học văn hóa, phấn đấu vào Đảng, học đi xe đạp, góp ý với bà cách bày dạy, nuôi nấng con cái, chăm sóc mẹ già, đối xử với con cháu, với những người xung quanh. |
Trong nhiều bức thư ông tâm sự nhiều với các con, về cuộc sống, về cuộc chiến đấu và trách nhiệm của mỗi người dân trước vận mệnh của dân tộc. Ông luôn tin tưởng cách mạng sẽ thành công, đất nước sẽ hòa bình. Những ngày Tết, ông sẽ về, đưa các con đi chơi, bày dạy các con học, sẽ cùng vợ nuôi các con trưởng thành… Tuy nhiên, niềm mơ ước nhỏ bé, bình dị của người cha ấy đã không trở thành sự thật. "Những ngày Tết em hãy yêu thương các con nhiều hơn nữa nha, hãy chăm sóc cho chúng, giải thích cho chúng tại sao có Tết. tại sao ba không được ăn Tết cùng các con. Tết xong các con phải cố gắng học tập thật giỏi. Ba thương các con trông cho các con mau lớn, thật ngoan và học thật giỏi. Hôm nào đánh cho giặc Mỹ về nước thì ba sẽ về với các con", trích thư ông Chương gửi cho vợ. |
Tình yêu đã giúp người chiến sĩ quên đi mọi khó khăn nhọc nhằn và cả sự đe dọa của cái chết để chiến đấu, hy vọng và tin tưởng. Được người nhà các liệt sỹ trao tặng các bức thư, chị Nga và đồng nghiệp luôn nâng niu như những báu vật. Đối với nhiều người đó là công việc nhàm chán nhưng đối với chị đó là niềm đam mê. Chị sắp xếp một cách khoa học và nâng niu gìn giữ những kỷ vật vì đó là tài sản vô giá. |
Tác giả: Hà Thị Hằng
Nguồn tin: nguoiduatin.vn