Bác sỹ thăm khám cho bệnh nhân F0 tại trung tâm thu dung COVID-19 ở Nghệ An |
Những bữa cơm muộn, giấc ngủ chập chờn
Sau Tết Nguyên đán, dịch bệnh COVID-19 ở Nghệ An bùng phát mạnh với các ca F0 tăng nhanh mỗi ngày. Trung tâm thu dung COVID-19 ở TP Vinh tại trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An được đưa vào hoạt động từ ngày /2 (tức mùng 6 Tết).
Từ ngày trung tâm hoạt động thì Thạc sỹ, dược sỹ Nguyễn Văn Linh, hiện đang công tác tại Bệnh viện Đa khoa TP. Vinh cũng chính thức bước vào cuộc chiến chống dịch COVID-19 và đồng hành cùng các bệnh nhân.
Gắn bó với trung tâm thu dung này từ những ngày đầu nên dược sỹ Linh hiểu rõ những khó khăn, vất vả, thiếu thốn. “Do dịch bệnh bùng phát nhanh, F0 được đưa vào trung tâm dồn dập khiến công việc của đội ngũ nhân viên y tế càng áp lực. Hàng ngày chúng tôi tiếp nhận bệnh nhân, thăm khám, kê thuốc, hoàn thiện các hồ sơ. Sau đó, theo dõi tình hình sức khỏe của các bệnh nhân để kịp thời xử lý những trường hợp có triệu chứng bất thường”, thạc sỹ Linh chia sẻ.
Để thuận tiện cho việc chăm sóc, theo dõi sức khỏe các F0, bệnh nhân khi vào trung tâm thu dung được tham gia vào nhóm chát Zalo chung. Tại nhóm chát này, những câu hỏi của các bệnh nhân liên tục được gửi tới đội ngũ y bác sỹ bất kể ngày hay nửa đêm: “Bác sỹ ơi, con của tôi sốt trên 39 độ, phải làm sao ạ? Bác sỹ ơi, trong phòng tôi có bác cao tuổi, chưa tiêm phòng vaccine ngày hôm nay ho, sốt nhiều lắm, nhờ bác sỹ xử lý...”.
Nhân viên y tế thăm khám, phát thuốc cho bệnh nhân |
“Tiếp nhận những câu hỏi của các bệnh nhân, chúng tôi phải kịp thời trả lời, hướng dẫn họ. Đối với những trường hợp nặng, cần xử lý nhanh thì anh em chúng tôi vội mặc quần áo bảo hộ để trực tiếp đến thăm khám”, thầy thuốc trẻ cho hay.
Ngoài trả lời trực tiếp các vấn đề F0 thường gặp phải, thạc sỹ Linh còn tận tình nhắn tin qua Zalo hoặc tin nhắn bình thường về các loại thuốc, cách dùng, liều lượng rồi các pha thuốc…
Khối lượng công việc nhiều khiến các y, bác sỹ tại trung tâm luôn trong tình trạng căng thẳng. Việc ăn cơm quá bữa hay những giấc ngủ chập chờn diễn ra vào lúc 2,3 giờ sáng là điều thường xuyên xảy ra. Dù vậy, các y bác sỹ luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Luôn đồng hành cùng F0
Cùng đồng hành với các F0 từ khi trung tâm thu dung này được thành lập, bác sỹ Nguyễn Văn Hoàng – hiện đang công tác tại Bệnh viện Đa khoa TP Vinh đang trải qua những ngày căng thẳng để kịp thời tư vấn, hỗ trợ các bệnh nhân không may mắc COVID-19 đang được thu dung vào để theo dõi, điều trị.
Theo bác sỹ Hoàng, đến nay Trung tâm đã thu dung được khoảng hơn 500 bệnh nhân. Hầu hết các F0 vào đây có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng nhưng vì nhiều bệnh nhân quá lo lắng nên ngoài vấn đề thuốc thang, chúng tôi phải hỗ trợ họ về mặt tâm lý.
Suốt nhiều ngày quan Thạc sỹ, dược sỹ Nguyễn Văn Linh luôn đồng hành chăm sóc sức khỏe cho các F0 |
Các y, bác sỹ cũng liên tục nhắn trong nhóm chát kêu gọi sự quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau giữa các bệnh nhân trong phòng. Bởi nhiều trường hợp bệnh nhân cao tuổi, không sử dụng điện thoại thông minh nên không kịp thời thông báo các triệu chứng bất thường. Bên cạnh đó, các nhân viên y tế cũng thường xuyên gọi điện hỏi thăm những bệnh nhân cao tuổi, bị bệnh nền hoặc chưa tiêm vaccine để nắm bắt tình hình sức khỏe.
Nhiều F0 vì quá lo lắng nên trong quá trình điều trị thường sử dụng rất nhiều loại thuốc. Ví như một số người chỉ bị sốt nhẹ nhưng uống cùng lúc các loại thuốc như kháng sinh corticoid…rất có hại cho cơ thể. Chúng tôi phải hướng dẫn cụ thể để bệnh nhân có cách điều trị đúng và sớm khỏi bệnh. Đặc biệt, chúng tôi luôn động viên để các bệnh nhân có tinh thần lạc quan để chiến thắng dịch bệnh.
Niềm vui của các nhân viên y tế tại trung tâm thu dung COVID-19 trong ngày thầy thuốc Việt Nam |
Gần 3 tuần trực tiếp điều trị cho các F0, các nhân viên đã chứng kiến trường hợp đáng tiếc là do nhiều người lạm dụng việc xông, rồi dẫn đến bị bỏng. Bác sỹ Hoàng nhớ lại, cách đây không lâu, tại trung tâm có trường hợp cháu bé bị bỏng do xông lá. Rất may, cháu bé đã được sơ cứu kịp thời.
Tiếp xúc trực tiếp với các F0, nguy cơ lây nhiễm cao khiến đội ngũ nhân viên y tế, cán bộ chăm sóc tại trung tâm luôn cẩn thận trong việc bảo hộ. Tuy vậy, việc một nhân viên y tế và cán bộ làm việc tại trung tâm bị nhiễm COVID-19 khiến Linh và đồng nghiệp lo lắng.
Tuy nhiên, không vì vậy mà họ chùn bước, thay vào đó luôn động viên nhau cần trọng hơn để tự bảo vệ sức khỏe mình. “Nhìn các đồng nghiệp nữ sẵn sàng gửi con nhỏ cho người thân để xung phong vào đây chăm sóc, điều trị cho F0 khiến chúng tôi càng cố gắng. Động lực quan trọng nhất đối với chúng tôi là người thân, tiếp đó là mong muốn chữa khỏi bệnh cho người bệnh. Những ngày làm việc gần như 24/24h đương nhiên cũng làm chúng tôi mệt mỏi nhưng không thể gục ngã, chỉ cần người bệnh còn tin tưởng chúng tôi, chúng tôi sẽ còn chiến đấu vì họ”, “chiến sỹ áo trắng” Nguyễn Văn Linh tâm sự.
Những ngày này, khi các ca bệnh được công bố vẫn chưa có dấu hiệu giảm thì áp lực công việc lên đội ngũ nhân viên y tế ngày càng nhiều. Dù vậy, những y bác sỹ trẻ như dược sỹ Linh, bác sỹ Hoàng vẫn quyết bám trụ trung tâm thu dung bệnh nhân COVID-19 để kịp thời hướng dẫn, điều trị cho người bệnh. Họ cho hay, sẽ “chiến đấu” đến khi dịch bệnh được khống chế.
Tác giả: Kim Long
Nguồn tin: baophapluat.vn