Giới trẻ

Những kiểu chia tay gây thảm họa sát thương

Gặp gỡ không an toàn, đánh úp bất ngờ, thách thức, biến mình thành "con cá to" để đối phương phải tiếc nuối... Một số cách chia tay hay hậu chia tay có khả năng gây sát thương khủng khiếp với những đối phương xem "tình yêu là lẽ sống của cuộc đời".

Châm thêm lửa cho cuộc chia ly

Cô gái tìm đến đến chuyên gia tâm lý với sự hoảng loạn và sợ hãi tột độ. Nhiều ngày qua, cô không dám về nhà, đang tạm lánh ở nhà một người bạn nhưng rất sợ bị phát hiện.

Anh chàng người yêu mà cô vừa nói lời chia tay đang lùng sục, nhắn tin đe dọa không quay lại thì "chết cùng ngày giờ".

Cô tên Thủy, 25 tuổi, đang là nhân viên một ngân hàng ở Q.3, TPHCM. Cô với bạn trai trước đây học cùng trường, yêu nhau được khoảng 3 năm.

Trong thời gian đó, dần dần Thủy nhận ra hai người không phù hợp, quan điểm sống khác nhau, bạn trai cô rất lười biếng, ỉ lại... ra trường nhiều năm nhưng không đi làm.


Thủy nhiều lần góp ý nhưng không hiệu quả nên cô ấp ủ việc chia tay từ nhiều tháng trước. Tuy nhiên, Thủy nghĩ kiểu gì rồi cũng chia tay, thời gian còn lại sẽ cố gắng bù đắp, chăm sóc bạn trai như để "trả nợ tình".

Không bắn ra các tín hiệu chia tay, Thủy còn lên kế hoạch cùng nhau đi du lịch, dành cho người yêu nhiều tình cảm nhất để anh có nhiều kỷ niệm đẹp trong mối tình đầu, cũng quan tâm đến gia đình bạn trai hơn...

Sau khi thấy mình đã làm "trọn tình trọn nghĩa", Thủy đột ngột nói lời chia tay. Để bạn trai thấy được quyết tâm sắt đá của mình, Thủy còn bịa ra mình đã có người mới.

Ban đầu anh người yêu còn nghĩ Thủy đùa, sau thấy cô tránh mặt, biết là thật thì anh ta lồng lộn, nhắn tin cho biết sẽ không để cô và gia đình cô được yên.

Chuyên gia tâm lý phân tích, Thủy đã châm thêm lửa cho cuộc chia tay của mình. Lẽ ra, cô cần bắn dần tín hiệu cho đối phương biết tình cảm lung lay, cho đối phương thời gian để tự cảm nhận dần sự đỗ vỡ thì cô lại làm ngược lại. Vun vén rồi chia tay một cách quá bất ngờ, lại đưa ra lý do chết người là kẻ thứ 3.

Đây là điều rất nhiều bạn trẻ mắc phải và làm cho đối phương thêm tức giận, cuồng loạn. Ngoài ra, nhiều bạn trẻ chia tay quay sang xúc phạm hoặc bóc mẽ đối phương như chê là kẻ vô tích sự, đào mỏ, lợi dụng. Có người còn nhờ bạn bè nói hộ lời chia tay hay viết status nhờ mạng xã hội...

Có những trường hợp chia tay vì tự ái, giận dỗi, nhiều bạn còn cố tình thể hiện, sau khi bỏ mình phải thật đẹp, thật lộng lẫy, phải thể hiện mình có nhiều người theo đuổi để kẻ kia phải sáng mắt ra, phải tiếc hùi hụi.

Điều này cũng sức nguy hiểm khi các bạn biến mình thành con "cá to" bị tuột thì đối phương sẽ càng bất chấp để níu kéo hay cuồng lên sẵn sàng giết người.

Rút lui phải an toàn

Rất nhiều vụ giết người có lý do xuất phát từ chuyện tình cảm. Không có lý bất cứ lý do nào có thể bao biện cho hành vi tàn độc ra tay sát hại đối phương khi níu kéo hoặc tỏ tình bất thành.

Vậy nhưng, cũng không thể né tránh thực tế, rất nhiều người cuồng tình khi đối diện với lời chia tay hay từ chối của đối phương liền chọn con đường hết yêu là chết.

Nhiều nạn nhân không biết cách nói lời chia tay, khiến đối phương quá tổn thương, uất ức dẫn đến thù hận và muốn trả thù. Từ những thảm kịch có thật này, mỗi người phải tìm cách chia tay, rút lui sao cho an toàn nhất có thể.

Tỏ tình, theo đuổi một người cũng cần suy nghĩ thì chia tay cũng phải có những cách thức để về đích an toàn.

Nhưng thực tế điều này còn bị nhiều người xem nhẹ mà ngược lại, có thể vô tình nhiều người còn "góp sức" cho cuộc chia tay thêm khủng hoảng, nguy hiểm.


Chính người chủ động chia tay cần hiểu, việc chia tay sẽ gây tổn thương rất lớn cho đối phương để có những biện pháp, kỹ năng phù hợp với từng tình huống cụ thể.

Khi thấy việc chia tay của mình bị đe dọa thì không được chủ quan gặp gỡ mà cần tìm sự giúp đỡ của của mọi người xung quanh, của các tổ chức, thậm chí nhiều trường hợp cần đến pháp luật bảo vệ.

Trong lần chia sẻ với các bạn trẻ ở TPHCM về chủ đề chia tay, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (Công ty tư vấn và đào tạo Ý tưởng Việt) chia sẻ những điều cần đặc biệt chú ý khi chia tay.

Thứ nhất, bạn chỉ nên nói lời chia tay khi đã suy nghĩ kỹ và xác định rõ ràng mình không còn tình cảm với người ấy. Đừng vì một phút giận dỗi nói chia tay xong rồi hối tiếc, hay mang lời “chia tay” ra dọa thì lời chia tay không có trọng lượng.

Khi chia tay, tuyệt đối không xúc phạm đối phương, không kể lể thói hư tật xấu của họ, không so sánh họ với người khác, và đặc biệt không được nhắc đến nhân vật thứ ba.

Ngoài ra, cũng cần chú ý chọn thời gian và địa điểm hợp lý cho cuộc chia tay. Hãy nói lời chia tay khi cuộc sống của đối phương bình ổn, không sóng gió và cũng không gặp phải cú sốc tinh thần nào như bị đuổi việc, thất nghiệp, thi trượt, bố mẹ mất... Về địa điểm, không nên chọn những chỗ vắng vẻ có thể gây nguy hiểm cho mình.

Tác giả: Lê Đăng Đạt

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP