"Đấu võ" giữa đường
Đoạn clip ghi lại hình ảnh vì đường đông nên có thể do sốt ruột, người điều khiến xe bán tải đã vòng qua làn phải để vượt lên trước và va chạm với phần đầu của chiếc xe ô tô Honda đang đi phía trước. Mặc dù sau va chạm, hai chiếc xe không bị hư hại nghiêm trọng, song chưa cần phân biệt đúng sai, lái xe bán tải đã xuống xe lao vào lái xe còn lại và 2 bên bắt đầu cuộc “tỉ thí”. Hình ảnh 2 chiếc ô tô dừng đỗ sai quy định ở giữa đường, người điều khiển xe lao vào nhau bằng nắm đấm khiến người dân qua đường phải lắc đầu, ngán ngẩm.
Cách đây không lâu, cũng trên một tuyến đường của Hà Nội, sau khi va chạm giao thông, hai người điều khiển xe máy đã lao vào đánh nhau, trong đó một người bị đấm sưng mặt, chảy máu đầu. Mặc dù những người dân tại khu vực đã ra sức can ngăn nhưng sau một khoảng thời gian hai bên mới chịu buông nhau ra. Điều đáng nói là các nhân vật chính trong cuộc ẩu đả này lại là 2 người phụ nữ.
Ẩu đả do va chạm giao thông - hình ảnh khá phổ biến trên các tuyến đường |
Còn tại đại lộ Võ Văn Kiệt (đoạn trước cửa hầm vượt sông Sài Gòn) ở Q.1, TP.HCM), hai chiếc xe ô tô lưu thông trên đại lộ Võ Văn Kiệt, hướng từ quận 1 sang quận 2. Khi đến gần cầu, một lái xe bất ngờ điều khiển xe ô tô chặn trước đầu chiếc xe khác. Tại đây, hai lái xe lao vào đánh nhau làm náo loạn cả một đoạn đường, gây cản trở giao thông.
Trên đây chỉ là một vài ví dụ trong số hàng chục, thậm chí hàng trăm vụ ẩu đả do va chạm giao thông diễn ra trong thời gian qua. Mặc dù những va chạm này khó có thể tránh khỏi, đặc biệt là tại các thành phố lớn - nơi có mật độ người và phương tiện tham gia giao thông cao, song không ít người lại giải quyết va chạm bằng bạo lực, dẫn đến hậu quả khôn lường.
Cần lên án mạnh mẽ
Phân tích về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, PGS-TS Tâm lý Trịnh Hòa Bình cho rằng, đời sống tâm lý con người đang có nhiều thay đổi, trong đó không ít người luôn đặt lợi ích cá nhân lên trên hết. Do áp lực cuộc sống, công việc, sự căng thẳng, mệt mỏi trong quá trình di chuyển khiến một số người không giữ được bình tĩnh, khó kiềm chế được hành vi của mình.
Có thể nói, khi tham gia giao thông trên các tuyến đường, hầu như ai cũng đã từng là người trong cuộc của các vụ va chạm. Nhẹ thì chệch tay lái, xây xát người, phương tiện, nặng thì có thể bị thương tích, hư hỏng xe. Nguyên nhân va chạm khá đa dạng, nhưng điều đáng bàn chính là cách ứng xử của mỗi cá nhân sau khi xảy ra va chạm.
Đáng buồn là thời gian qua, va chạm giao thông đã trở thành nguyên nhân của nhiều vụ trọng án. Không ít cái chết đã đến từ những nguyên nhân rất nhỏ mà đáng ra chỉ cần một lời xin lỗi đúng lúc, đúng chỗ. Thay vì nhường nhịn bỏ qua cho nhau hoặc nhờ lực lượng chức năng giải quyết thì nhiều người lại lao vào “choảng” nhau, vừa thiệt người, hại của lại có thể tự đẩy mình vào vòng lao lý.
Cũng theo PGS-TS Trịnh Hòa Bình, cho dù với lý do nào thì hành vi đánh nhau, gây mất trật tự công cộng trên các tuyến đường là không thể chấp nhận được. Những hành vi này đều bị xử lý nghiêm theo đúng quy định của luật pháp. Thực tế đã có một số trường hợp bị xử lý hành chính, thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự do đánh người sau khi va chạm giao thông.
Do đó, khi va chạm giao thông để tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc, mỗi cá nhân cần phải kiềm chế bản thân và có lựa chọn cách xử lý phù hợp nhất. Điều quan trọng nhất là mỗi người khi tham gia giao thông cần chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ, biết nói lời xin lỗi khi gây ra lỗi. Bên cạnh đó cần có sự giám sát, kiểm soát chặt chẽ của các cơ quan chức năng.
“Văn hóa giao thông là ứng xử có văn hóa khi đi đường hoặc khi xảy ra va chạm, tai nạn giao thông. Nhường nhịn nhau cũng là cách để xây dựng văn hóa giao thông từ những điều nhỏ nhất. Việc sử dụng bạo lực khi giải quyết những mâu thuẫn, va chạm khi tham gia giao thông là nguyên nhân không nhỏ gây ùn tắc giao thông trên các tuyến đường, ảnh hưởng đến tình hình ANTT và khiến hình ảnh của người dân Việt Nam trở nên xấu xí. Vì vậy, hành vi này cần bị lên án mạnh mẽ” – PGS-TS Trịnh Hòa Bình nhấn mạnh.
Tác giả: Huệ Linh
Nguồn tin: Báo An ninh Thủ đô