|
Đeo khẩu trang bẩn: Khẩu trang là vật dụng cần thiết trong mùa dịch. Tuy nhiên, khẩu trang chỉ nên sử dụng một lần đối với khẩu trang y tế. Khẩu trang vải cần giặt sạch trước khi dùng lại. Mồ hôi, dầu thừa, vi khuẩn trên khẩu trang bẩn góp phần làm mụn mọc nhiều hơn ở cằm, đường viền hàm và má. Ảnh: Mountelizabet.
|
Không rửa mặt: Trong ngày, bụi bẩn, dầu, lớp trang điểm tích tụ trên da. Nếu không rửa mặt trước khi ngủ, những tạp chất này sẽ gây tắc nghẽn lỗ chân lông và hình thành mụn. Bên cạnh đó, chúng còn làm bẩn áo gối của bạn. Nằm ngủ trên áo gối kém vệ sinh cũng khiến da mặt thường xuyên bị mụn. Ảnh: Grazia.
|
Thiếu ngủ: Ngủ là thời gian để cơ thể nghỉ ngơi, phục hồi và sửa chữa các thương tổn. Lúc ngủ, nồng độ cortisol giảm xuống. Ngủ không đủ giấc làm cơ thể dễ mệt mỏi, căng thẳng và gia tăng nồng độ cortisol. Cortisol tăng cao liên quan đến sự hoạt động quá mức của tuyến bã nhờn. Ảnh: Insider.
|
Dùng quá nhiều sản phẩm trị mụn: Sử dụng quá mức các loại kem trị mụn chứa salicylic acid, benzoyl peroxide hoặc lưu huỳnh làm da dễ bị khô, mẩn đỏ. Bên cạnh đó, chúng còn kích thích làn da sản sinh nhiều dầu và nổi mụn. Ảnh: Momspresso.
|
Tẩy da chết quá mức: Không tẩy tế bào chết là một trong những nguyên nhân gây mụn trứng cá. Tuy nhiên, nếu chà rửa quá nhiều, hàng rào bảo vệ da sẽ suy yếu. Lúc này, vi khuẩn dễ xâm nhập và gây tổn thương cho da. Ảnh: SCMP.
|
Hút thuốc lá: Không chỉ dẫn đến nhiều bệnh nguy hiểm, hút thuốc lá còn phân hủy collagen, elastin, tạo nên nếp nhăn và tăng kích thước lỗ chân lông. Những chất hóa học trong khói thuốc cũng gây kích ứng da, khiến da bị khô, tiết nhiều mẫu. Ảnh: Mamamia.
|
Nặn mụn không đúng cách: Bóp, chọc nốt mụn tiềm ẩn nguy cơ nhiễm trùng và để lại sẹo về sau. Khi cố gắng lấy nhân mụn ra khỏi lỗ chân lông, bạn có thể đẩy vi khuẩn vào sâu hơn. Ngoài ra, chạm vào da cũng góp phần truyền vi khuẩn từ tay lên mặt. Ảnh: Safeguard.
Tác giả: Tiểu Võ
Nguồn tin: zingnews.vn