Kinh tế

Những nhà băng nào cấp tín dụng cho Xuyên Việt Oil?

Dữ liệu cho thấy Xuyên Việt Oil và bà Mai Thị Hồng Hạnh có nhiều khoản vay tại Vietinbank, BIDV và SHB.

Xuyên Việt Oil và bà Mai Thị Hồng Hạnh thế chấp nhiều tài sản tại Vietinbank, BIDV, SHB. Ảnh minh họa: L.B/Vietnamnet.

Ngày 27/8, Cơ quan ANĐT Bộ Công an vừa công bố bản kết bản kết luận điều tra (KLĐT) vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (Xuyên Việt Oil) và một số cơ quan, tổ chức liên quan.

Cơ quan này đề nghị truy tố 15 bị can với các tội danh nêu trên. Trong đó, Mai Thị Hồng Hạnh, Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Xuyên Việt Oil đã sử dụng nhiều thủ đoạn gian dối để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, sử dụng trái phép tài sản của cơ quan, tổ chức, Nhà nước và lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt 214,1 tỷ đồng tài sản của Nhà nước là tiền Quỹ bình ổn giá xăng dầu (Quỹ BOG) và tiền thuế bảo vệ môi trường là 1.246,1 tỷ đồng.


Như Nhadautu.vn đã đề cập, cơ quan điều tra chỉ ra, khi xin cho Xuyên Việt Oil vay vốn tại Vietinbank và xin cấp giới hạn tín dụng, kéo dài thời gian duy trì giới hạn tín dụng, ông Lê Đức Thọ (cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre) đã có hành vi nhận hối lộ.

Cụ thể, trong quá trình xin vay vốn, Vietinbank cấp giới hạn tín dụng 400 tỷ đồng cho CTCP Việt Oil (công ty con của Xuyên Việt Oil) với tỷ lệ tài sản đảm bảo 50%, tín chấp 50%, nhưng không được phê duyệt vì Xuyên Việt Oil đang được cấp tín dụng với tỷ lệ tài sản đảm bảo là 80%, tín chấp là 20%. Chi nhánh ngân hàng đã thông báo cho bà Mai Thị Hồng Hạnh nhưng bà yêu cầu tỷ lệ tín chấp từ 40% trở lên thì Hạnh mới đồng ý vay vốn.

Theo yêu cầu của ông Thọ, Vietinbank chi nhánh Bến Tre có tờ trình thẩm định, đề xuất Tổng giám đốc Vietinbank xem xét phê duyệt cho Việt Oil vay 400 tỷ đồng, tỷ lệ tín chấp 40%. Sau đó, ngân hàng ở chi nhánh Bến Tre đã 20 lần giải ngân vốn vay cho Công ty Việt Oil, với tổng số tiền 892 tỷ đồng.

Bên cạnh khoản vay trên, dữ liệu của Nhadautu.vn cho thấy Xuyên Việt Oil vào tháng 8/2022 thế chấp tại Vietinbank chi nhánh 4 TP.HCM một chiếc xe Roll - Royce màu xanh cùng 5 chiếc ô tô Hyundai trắng chuyên chở xăng, dầu…


Cùng thời gian này, bà Mai Thị Hồng Hạnh cũng đảm bảo tại Vietinbank nhánh 4 TP.HCM một xe Lexus trắng.

Ngoài ra, Xuyên Việt Oil và bà Hạnh còn nhiều khoản vay tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội.

Theo đó, Xuyên Việt Oil tháng 2/2020 thế chấp ở BIDV – chi nhánh Nam Kỳ Khởi Nghĩa hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn số 0364 giá trị 42 tỷ đồng; tháng 5/2021 tiếp tục thế chấp hàng hóa là Dầu DO 0,05%/S (thành tiền là 450 tỷ đồng)…

Ở SHB, Xuyên Việt Oil tháng 9/2022 thế chấp 56,4 triệu cổ phần phổ thông CTCP Cảng Việt Oil (chiếm 94% vốn), giá trị 564 tỷ đồng; và 22 triệu cổ phần CTCP Dịch vụ Thương mại Lâm Đồng, tỷ lệ sở hữu 55%, giá trị cổ phần 220 tỷ đồng.

Về phía bà Hạnh, bà vào tháng 9/2022 dùng 98% vốn Xuyên Việt Oi sở hữu làm tài sản đảm bảo tại SHB, giá trị vốn góp 2.940 tỷ đồng; tháng 2/2023, bà tiếp tục thế chấp 96,702% vốn Công ty TNHH Thành Phong ở SHB, giá trị vốn góp 11,7 tỷ đồng.

Đáng chú ý, Agribank AMC hồi tháng 3/2024 đã thông báo tổ chức đấu giá khoản nợ của Xuyên Việt Oil nhằm xử lý nợ xấu. Tài sản đảm bảo cho khoản nợ của Xuyên Việt Oil gồm 4 lô đất. Trong đó 3 lô đất địa chỉ tại quận 3, TP.HCM và 1 lô đất có địa chỉ tại huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận.


Xuyên Việt Oil là một trong số gần 40 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn trên cả nước, được Bộ Công Thương cấp giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu ngày 19/11/2021, hiệu lực trong 5 năm.

Ngày 11/8, Xuyên Việt Oil bị Bộ trưởng Công Thương thu hồi giấy phép xuất, nhập khẩu xăng dầu, cấp ngày 19/11/2021 và hiệu lực tới tháng 11/2026.

Ngoài mảng kinh doanh xăng dầu, Xuyên Việt Oil còn nắm 55% vốn CTCP Dịch vụ Thương mại Lâm Đồng, giá trị cổ phần 220 tỷ đồng. Đây từng là chủ đầu tư dự án Khu thương mại dịch vụ kết hợp nhà ở Phương Nam (cũ Trung tâm Thương mại - Dịch vụ Bảo Lộc). Tuy nhiên từ tháng 9/2016, DVTM Lâm Đồng đã chuyển nhượng dự án cho DNTN Phương Nam và CTCP Hiệp Phú.

Đáng chú ý, DVTM Lâm Đồng tính đến tháng 8/2023 (theo danh sách công bố bởi Tổng cục thuế Cục thuế tỉnh lâm Đồng) ghi nhận nợ thuế hơn 14 tỷ đồng.

Xuyên Việt Oil còn sở hữu 94% vốn CTCP Cảng Việt Oil, tương ứng tổng giá trị 564 tỷ đồng. Tuy đến đến tháng 9/2018, Xuyên Việt Oil chỉ nắm nắm 38,2% vốn công ty, 2 cổ đông còn lại là Mai Thị Ngọc Trinh (20,6%) và ông Nguyễn Thanh Bình (41,2%). Dù vậy, nhóm Xuyên Việt Oil cơ bản vẫn nắm chi phối khi sở hữu hơn 51% vốn khi bà Trinh cũng là một mắt xích cùng nhóm.

Bà Mai Thị Hồng Hạnh còn đứng tên tại Công ty TNHH Thành Phong, đơn vị này có ngành nghề kinh doanh chính là trồng rừng, chăm sóc rừng và ươm giống cây lâm nghiệp. Hiện, Thành Phong sở hữu 2 chi nhánh tại khu vực Đà Lạt – Lạc Dương là Quầy gỗ 51 Hùng Vương và Xưởng cưa Nông lâm trường 78. Theo tìm hiểu, Thành Phong trước thuộc sở hữu của các cổ đông gồm Lê Trần Phong (40%), Phạm Hồng Lạc (21%) và Võ Thị Nhạn (39%). Song, sau nhiều lần xáo trộn, bà Mai Thị Hồng Hạnh đến tháng 12/2021 là cổ đông lớn nhất nắm hơn 96,7% vốn công ty.

Một doanh nghiệp cùng nhóm khác - CTCP Thương mại Queen Land, được biết đến là chủ đầu tư dự án Cụm công nghiệp Tân Dương có quy hoạch với diện tích đất 158.715m2 (xã Tân Dương và Hòa Thành, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp).

Ngoài các đơn vị kể trên, bà Hạnh còn đứng tên tại CTCP Việt Oil, Công ty TNHH Triệu Phong Bình Thuận và Công ty TNHH Thương mại Xăng dầu Phương Mai.

Tác giả: Hữu Bật

Nguồn tin: nhadautu.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP