Thế giới

Những vụ gian lận thi cử gây chấn động ở các nước

Trên thế giới từng xảy ra các vụ lộ đề và gian lận bằng công nghệ cao trong các kỳ thi quan trọng khiến nhiều người bức xúc.

Học sinh ở một trường tại Algeria năm 2008. Ảnh: NYTimes.

Sau khi điều tra kết quả cao bất thường trong kỳ thi THPT quốc gia ở Hà Giang, giới chức đã phát hiện hành vi sửa điểm của ông Vũ Trọng Lương, Phó phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở Giáo dục Hà Giang. Tổ công tác đang tiếp tục điều tra để tìm hiểu thêm còn cá nhân nào liên quan hay không.

Tại quốc gia Bắc Phi Algeria, kỳ thi tốt nghiệp trung học cũng là sự kiện quan trọng, được coi là ảnh hưởng lớn đến tương lai nghề nghiệp của thí sinh. Nền giáo dục nước này năm 2016 đã hứng chịu bê bối nặng nề khi một số câu hỏi trong kỳ thi bị đăng lên mạng xã hội trước hoặc khi bài thi bắt đầu.

Chính phủ Algeria bị chỉ trích nặng nề và họ phải tổ chức buổi thi mới cho những thí sinh đến trễ - những người có thể đã biết trước câu hỏi. Algeria bắt 31 người liên quan đến vụ rò rỉ, trong đó có một số nhân viên Bộ Giáo dục, theo Guardian.

Năm nay, để tránh sự cố này lặp lại, Algeria hồi tháng 6 ngắt mạng cả nước ba tiếng một ngày trong 6 ngày diễn ra kỳ thi. Nhiều người phàn nàn về biện pháp này, nói rằng nó gây ra quá nhiều bất tiện. Tuy nhiên, Bộ trưởng Giáo dục Nouria Benghabrit nhấn mạnh họ phải làm vậy để đảm bảo công bằng cho các thí sinh.

Ngoài ra, thiết bị chặn sóng di động, camera giám sát và máy dò kim loại cũng được lắp đặt để phát hiện thiết bị gian lận.

Tại Hàn Quốc, kỳ thi SAT (bài kiểm tra đánh giá năng lực để vào đại học Mỹ) vào tháng 5/2013 cũng bị hủy vì thí sinh biết trước đề. College Board, tổ chức giám sát SAT, giải thích rằng họ nhận được thông tin từ công tố viên Hàn Quốc cho thấy các trung tâm luyện thi ở nước này đã thu thập được đề bằng cách phi pháp. Những bản sao đề thi SAT có thể mua với giá khoảng 4.500 USD.

Quyết định hủy thi đã gây rắc rối cho các thí sinh Hàn Quốc. Họ lo ngại mất cơ hội vào đại học Mỹ nếu họ phải chờ đến kỳ thi SAT tiếp theo. Vì vậy, nhiều thí sinh quyết định đến nơi khác để làm bài thi như Hong Kong hay Nhật Bản.

"Người khác gian lận nhưng chúng em cũng phải gánh hậu quả", thí sinh có tên Henry Kim nói.

Gian lận công nghệ cao

Năm 2016, đại học Rangsit của Bangkok hủy kỳ thi tuyển vào nha khoa sau khi phát hiện ra những hành động bất thường của ba nữ thí sinh. Ba người này chụp ảnh đề thi bằng camera được gắn vào mắt kính. Họ rời khỏi phòng sau khi cuộc thi bắt đầu được 45 phút và chuyển ảnh vào một máy tính xách tay. Người giữ máy tính gửi ảnh đến trung tâm "thi hộ" mà ba thí sinh đã đăng ký từ trước.

Thiết bị thí sinh Thái Lan dùng để nhận đáp án. Ảnh: AP.

Câu trả lời sau đó được truyền đến đồng hồ thông minh của các cô gái. Họ khai rằng đã trả 800.000 baht (23.000 USD) cho dịch vụ này.

Một vụ gian lận bằng công nghệ cao khác đã gây chấn động Trung Quốc tháng 10/2014, khi khoảng 2.440 người bị phát hiện gian lận trong kỳ thi trở thành dược sĩ ở thành phố Tây An.

Chủ dịch vụ "thi hộ" điều các thí sinh giả vào phòng thi để thu thập đề. Sau khi các câu hỏi được gửi về, họ sẽ giải đề và truyền đáp án cho khách hàng qua tai nghe không dây hoặc thiết bị điện tử trá hình thành cục tẩy.

Vụ gian lận bị lộ tẩy sau khi giới chức phát hiện tín hiệu radio bất thường. Mỗi khách hàng phải trả 330 USD cho dịch vụ này.

Jiang Xueqin, nhà tư vấn giáo dục ở Bắc Kinh, nói rằng hệ thống giáo dục tập trung vào kết quả thi của Trung Quốc đã dẫn đến "văn hóa gian lận". "Nạn gian lận phổ biến bởi vì họ chỉ chăm chăm vào điểm số chứ không phải kỹ năng", ông nói.


Tác giả: Phương Vũ

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP