Kinh tế

Nỗ lực tăng giá tôm 30% trong tháng 9

Tập đoàn Thủy sản Minh Phú nói trước bộ trưởng NN&PTNT sẽ nỗ lực tăng giá tôm thẻ lên 10% trong tháng 6 và đến tháng 9 là 30%.

Sáng nay tại Bạc Liêu, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường chủ trì hội nghị các giải pháp trọng tâm để phát triển ngành tôm bền vững.

Phát biểu tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp và quan chức các tỉnh ĐBSCL có nhận định chung nguyên nhân dẫn đến tôm thẻ chân trắng bị giảm giá mạnh là do lượng cung tăng đột biến.

Bước vào đầu năm 2018, không chỉ Việt Nam mà các nước Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan đều trúng mùa tôm, sản lượng tăng cao vượt cầu. Các doanh nghiệp nhận định bắt đầu từ tháng 6 này giá tôm thẻ sẽ tăng và tiếp tục tăng đến cuối năm.

Ngoài ra các doanh nghiệp và lãnh đạo một số tỉnh cho biết kỹ thuật và công nghệ nuôi tôm đang phát triển mạnh sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo mục tiêu xuất khẩu đạt 10 tỉ USD trước năm 2025. Từ đó sản lượng nuôi tôm ở các tỉnh đều tăng mạnh.

Ông Quang, Chủ tịch Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, cho hay ông vừa mua được từ nông dân Cà Mau một ao tôm thẻ chân trắng kích cỡ 11 con/kg. Ông tin tưởng khả năng nuôi tôm của nông dân đã tiến bộ một bậc. Các doanh nghiệp cho biết đang kết hợp hỗ trợ người nuôi tôm nghiên cứu ứng dụng nhiều quy trình nuôi hiện đại nhằm giảm giá thành trong nuôi tôm.

Ông Long Văn Nghĩa, một người nuôi tôm ở Bạc Liêu, cho hay mình đã thử nghiệm thành công mô hình nuôi tôm trong lồng tròn nổi làm bằng chất liệu sắt bao quanh kết bạc. Ông khẳng định với cách làm này đã giảm được giá thành, tiết kiệm diện tích mà tỉ lệ thành công cao. Ông đã nuôi thành công liên tiếp bốn vụ, thu 100 tấn tôm trên diện tích chỉ 1 ha.

Đề nghị của nhiều doanh nghiệp đến Nhà nước là tinh gọn hệ thống kiểm dịch tôm vì hiện chi phí này khá cao trong giá thành chế biến tôm của doanh nghiệp. Giá vật tư, thức ăn, thuốc thú y thủy sản, con giống... trong nước luôn cao hơn nước bạn, khiến giá thành nuôi tôm trong nước luôn cao hơn các nước bạn. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn đề xuất phải tiếp tục đầu tư hệ thống hạ tầng phục vụ ngành tôm bao gồm kênh mương thủy lợi và điện đường. Thiếu điện, thiếu nước đang là cái khó lớn của nghề nuôi tôm hiện nay.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường biểu dương Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đã có nỗ lực tăng giá tôm thẻ chân trắng và các doanh nghiệp khác đã lên tiếng cùng với nông dân chia sẻ khó khăn hiện nay. Một số doanh nghiệp tôm giống đã cho giảm giá tôm giống để chia sẻ khó khăn với người nuôi tôm.

Bộ trưởng khuyến cáo nông dân không nóng vội mà bán tôm cỡ nhỏ; đồng thời cần gắn bó với doanh nghiệp để có kỹ thuật nuôi tôm tốt nhất, giảm giá thành, tăng gắn kết đầu ra...

Tác giả: Trần Vũ

Nguồn tin: Báo Pháp luật TPHCM

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP