18 tuổi, giấu bố mẹ lên đường nhập ngũ
Tôi gặp bà Nguyễn Thị Kim Quy, một trong 45 nữ chiến sĩ của Trung đội lái xe quân sự mang tên Anh hùng LLVTND Nguyễn Thị Hạnh năm xưa, vào một chiều tháng 4, trong căn nhà nhỏ giữa lòng Hà Nội.
Ở tuổi gần 80, bà vẫn giữ giọng nói nhẹ nhàng, nụ cười hiền và đôi mắt ánh lên những ký ức đã ngủ yên suốt hơn nửa thế kỷ. Ít ai ngờ, người phụ nữ với dáng mảnh mai ấy từng là một trong những “bông hoa thép” trên tuyến lửa Trường Sơn, lái xe quân sự, chở hàng tiếp tế, vượt qua những trọng điểm khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
![]() |
Nữ lái xe Trường Sơn Nguyễn Thị Kim Quy. Ảnh: Quỳnh An |
Giọng bà Quy trầm ấm, đưa người nghe trở về những năm tháng kháng chiến gian khổ. Là chị cả trong một gia đình giàu truyền thống quân ngũ, bà Quy tự hào kể về người cha từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, và hai em trai sau này cũng lần lượt khoác ba lô lên đường, cầm súng bảo vệ Tổ quốc trong chiến tranh biên giới phía Bắc.
Năm 1965, khi mới 18 tuổi, bà kể đã trốn gia đình ở Kim Động, Hưng Yên để lên đường nhập ngũ. “Ngày đó tôi gầy lắm, chỉ có 45 kg, không đủ cân nặng theo tiêu chuẩn để đi thanh niên xung phong. Tôi đã lén nhét thêm hai 2 kg đá vào túi cho đủ 47 kg mới được nhận”, bà hồi tưởng.
![]() |
Bà Nguyễn Thị Kim Quy thời còn trẻ. |
Biết gia đình sẽ không đồng ý vì quá nguy hiểm, bà Quy giấu hành lý sang nhà hàng xóm, rồi âm thầm lên đường nhập ngũ. “Khi loa truyền thanh xã đọc tên tôi, bố mẹ mới biết, nhưng lúc đó tôi đã ngồi trên xe rồi”, bà cười, giọng xen lẫn một chút tinh nghịch - trong phút hồi tưởng về tuổi 18 năm nào.
Ban đầu, bà đóng quân ở sân bay Yên Bái. Hết 3 năm nghĩa vụ thanh niên xung phong, nhiều người trong đơn vị được phục viên, còn bà Quy tiếp tục xung phong nhập ngũ, được điều về Binh trạm 12, Quảng Bình. Tại đây, chứng kiến bao vất vả của những chuyến giao liên, bà xung phong học lái xe để trực tiếp đưa hàng vào chiến trường.
![]() |
Bà Quy chụp ảnh cùng với đồng đội là nữ lái xe Trường Sơn năm nào. Ảnh tư liệu. |
Từ khắp các miền quê, 45 cô gái tuổi mười tám, đôi mươi quy tụ về Trường lái 255 - nay là Trường Trung cấp Kỹ thuật xe - máy Sơn Tây, tham gia khóa huấn luyện kéo dài 45 ngày. Không giáo trình, không bảng đen phấn trắng, lớp học của họ là những cung đường gập ghềnh, “thầy giáo” là những người lính lái xe dày dạn trận mạc. Các nữ tân binh vừa lái vừa học cách tránh hố bom, vượt đèo, băng suối – chuẩn bị tinh thần cho cuộc chiến khốc liệt đang chờ phía trước.
“Chúng tôi chia làm hai khóa huấn luyện, thuộc binh trạm 9 và 12. Khóa nào học xong là được đưa thẳng vào chiến trường”, bà nhớ lại.
Bà Quy thuộc khóa 2 nên vào sau. Do không có xe trung chuyển, bà cùng chị em đeo ba lô, cuốc bộ từ Thanh Hóa vào Quảng Bình.
Bom đạn không quật ngã "hoa thép"
Tốt nghiệp trường lái, bà đảm nhận nhiệm vụ chở lương thực, thực phẩm từ Thọ Xuân (Thanh Hóa), Nghệ An vào chiến trường. Các nữ lái xe được chia thành hai đội, một đội lái xe goòng (loại xe thường dùng để kéo hoặc chở hàng hóa nặng trên đường rừng, hoặc trong những khu vực không có đường sá thuận tiện) và một đội lái xe đường bộ. Đội lái xe goòng chỉ đi một tuyến đường cố định, còn đội đường bộ mỗi ngày lại di chuyển trên một đường khác nhau.
Những cung đường họ đi qua là Khe Ve, Cổng Trời, Ngã ba Đồng Lộc, nơi được mệnh danh là “túi bom”. Ban ngày, họ ẩn mình trong rừng, chui hầm tránh bom. Ban đêm, lái xe dưới ánh sáng mờ của bóng đèn quả nhót. Mỗi lần lên xe là một lần đối diện với sinh tử: đường gập ghềnh, bom nổ, đá lở, xe chết máy, bánh sụp rãnh...
![]() |
Nữ lái xe trường sơn xem lại những hình ảnh lưu niệm. Ảnh: Quỳnh An. |
“Ba năm làm thanh niên xung phong giúp tôi rèn được sự gan lì. Hồi ấy chỉ nghĩ mình đi vì nước, chẳng toan tính gì. Trẻ mà, đâu biết sợ bom đạn gì. Ngày đầu ôm vô lăng dọc ngang tuyến lửa, tôi mới 21 tuổi”, bà Quy nói giọng nhẹ tênh, nhưng khiến người nghe không khỏi lặng đi.
Những năm tháng lái xe trên tuyến lửa Trường Sơn là một ký ức không thể nào quên đối với bà Nguyễn Thị Quy. Bà kể, gian khổ nhất không phải bom đạn, mà chính là cơn đói hành hạ. Chuyến đi kéo dài, dọc đường chỉ có nước lã và lương khô. May mắn lắm mới có bữa cơm nguội giữa rừng hay giấc ngủ vội vàng trên xe.
"Lúc đó không sợ bom đạn, không sợ chết, chỉ sợ đói," bà Quy nhớ lại. Đặc biệt, những ngày "con gái", bà vẫn phải lái xe trên đường gập ghềnh, gặp hố bom có nước thì tranh thủ giặt giũ rồi mặc vội, chẳng kịp chờ khô.
![]() |
Bà Quy tham gia vào đội nữ lái xe Trường Sơn năm 21 tuổi. Ảnh tư liệu. |
Một trong những kỷ niệm bà Quy không thể nào quên là lần lạc tay lái ở ngầm Tán Đức. Đường bộ và đường xe goòng mọc đầy cỏ dại, khó phân biệt. Tiếng bom nổ gần kề khiến bà cuống lên, lao xe vào đường goòng. "Tôi chỉ còn nghe tiếng sắt xi của xe cong vênh hết. Lần đó tôi tưởng mình hy sinh, không ngờ vẫn còn sống."
Hay lần khác, xe của bà và đồng đội đến ngầm Khe Tang trong đêm tối. Chiếc xe Gaz một cầu của bà bị mắc kẹt vì đi nhầm đường, đúng lúc nước suối dâng cao ngập cả buồng lái. "Chúng tôi rất lo vì các trọng điểm ở gần đấy bom đạn nổ ầm ầm, hai chị em sợ quá ngồi khóc." May mắn thay, các đồng đội đã kịp thời đến ứng cứu.
![]() |
Ngày đầu ôm vô lăng dọc ngang tuyến lửa, bà Quy mới 21 tuổi. Ảnh: Quỳnh An. |
Tuyến đường Trường Sơn khi ấy không chỉ hiểm trở mà còn bị rải chất độc hóa học, nắng rát mùa hè, mưa lầy mùa đông. Các đoàn xe vận tải men theo sườn Tây Trường Sơn, một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu hun hút. Những cô gái vóc dáng nhỏ bé phải xếp chăn dày lên ghế lái để tay với tới vô lăng, lưng có chiếc can xăng làm điểm tựa. Đường mấp mô, chỉ cần sơ sẩy một chút là xe lao xuống vực.
"Nhớ mua quà cho các em nhé", ký ức không thể gọi tên
Suốt những năm lăn lộn trên tuyến lửa Trường Sơn, bà Quy không ít lần chứng kiến đồng đội bị thương, hy sinh giữa bom đạn. Nhưng trong gian khổ và hiểm nguy, nỗi đau ấy buộc phải giấu kín, bởi “chiến trường không cho phép ai được mềm lòng”.
Điều khiến bà ám ảnh nhất đến tận bây giờ, chính là hình ảnh những cô gái thanh niên xung phong ở Ngã ba Đồng Lộc hiện lên trong kí ức. Mỗi lần xe của bà đi qua, họ lại tươi cười vẫy tay chào đoàn xe và dặn dò "khi quay về nhớ mua quà cho các em”.
Thế rồi, có lần trên đường trở lại, chiếc xe vẫn bon bon qua khúc cua ấy, nhưng chỉ còn trơ trọi một bãi đất hoang tàn, loang lổ hố bom. Những cô gái ngày nào đã nằm lại với đất. Và từ đó, không còn tiếng gọi “chị - em” thân quen nữa.
“Cảm giác mất mát không thể gọi tên. Mỗi lần nhắc lại các cô gái ở Ngã ba Đồng Lộc là mỗi lần tôi cảm thấy day dứt. Thương lắm, các em khi ấy mới 18 tuổi thôi”, bà nói, ánh mắt xa xăm.
![]() |
Bà Quy (đứng thứ 5 từ trái sang, hàng đầu tiên) cùng đồng đội chụp ảnh với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tháng 7/2004. Ảnh tư liệu. |
May mắn sống sót sau hàng trăm chuyến xe, bà từng bị thương bởi bom bi, để lại vết sẹo ở tay và đầu. Sau chiến tranh, bà trở về Hà Nội, lập gia đình, sinh hai con trai và tiếp tục lao động, nhưng những ký ức Trường Sơn chưa bao giờ phai mờ.
Bà kể, mỗi lần trở lại chiến trường xưa, đều mang theo bồ kết, khăn, lược thắp hương cho các em gái ở Ngã ba Đồng Lộc. "Cứ như thể họ vẫn còn đó, vẫy tay chào tôi mỗi lần đi qua", bà xúc động.
Nghe bà kể, tôi hình dung ra những chiếc xe tải "đầy thương tích", cũ kĩ, ì ạch bò trên những con đường đất đỏ, dưới làn mưa bom, bão đạn. Trong cabin chật hẹp, những cô gái trẻ đôi mắt kiên nghị, bàn tay chai sạn vững vàng trên vô lăng. Họ chở theo không chỉ vũ khí, lương thực mà còn niềm tin, hy vọng của cả dân tộc.
![]() |
Ký ức về Trường Sơn của bà Quy chưa bao giờ phai nhạt. Ảnh: Quỳnh An. |
Bom đạn không thể cướp đi tuổi xuân kiêu hãnh của những nữ chiến binh ấy, nhưng chiến tranh đã để lại những vết thương không bao giờ lành. Trong số 45 người, 23 chiến sĩ trở thành thương binh, 11 người đã mãi mãi ra đi.
"Nếu được chọn lại, tôi vẫn chọn cầm vô lăng trên tuyến lửa, vẫn muốn là một trong những nữ lái xe Trường Sơn”.
Cuộc đời bà Nguyễn Thị Kim Quy là hình ảnh thu nhỏ của thế hệ phụ nữ Việt Nam trong kháng chiến kiên cường, gan góc mà đầy nhân hậu. Trong dáng hình nhỏ nhắn ấy là tinh thần thép, là tuổi thanh xuân gửi trọn cho đất nước. Những vòng quay vô lăng năm nào giờ đã lùi xa, nhưng trong đôi mắt bà, ánh lửa Trường Sơn chưa bao giờ tắt.
Tác giả: Quỳnh An
Nguồn tin: viettimes.vn