|
Giết nhầm người rồi bỏ trốn
Trời rét căm căm, Trần Văn Dần, 61 tuổi, trú tại xã Thọ Hợp, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An lủi thủi theo cán bộ dẫn giải đến phiên toà. Dần liếc xuống phía phải khán phòng nhìn người thân của mình với ánh mắt buồn rầu. Sau đó, Dần nhìn về phía người nhà bị hại rồi cúi mặt xuống đất, hai bàn tay gầy đan chặt vào nhau. Dần bị TAND tỉnh Nghệ An đưa ra xét xử sơ thẩm về tội Giết người. Khuôn mặt khắc khổ, Trần Văn Dần thừa nhận hành vi phạm tội của mình như cáo trạng nêu.
Dần biện minh cho hành vi phạm tội của mình do say rượu nên mới hành động như vậy. Hành vi giết người được Dần thuật lại tại phiên toà sơ thẩm. Theo đó, vào chiều 12/8/1991, Trần Văn Dần đạp xe đến nhà bạn để rủ người này sang Lào làm ăn. Khi qua cổng nhà máy nước thuộc Xí nghiệp Liên hiệp thiếc Nghệ Tĩnh, Dần thấy nhóm thanh niên tụ tập nên ghé vào xem. Trong nhóm đó, có một thanh niên hỏi Dần: "Đi rình vợ với thằng bảo vệ à?" Nghe những lời xì xào đó khiến cho Dần tức giận nhưng không nói gì mà bỏ về.
Sau gần 31 năm trốn chạy, Dần cũng phải về quy án. |
Khi ra đến đường thì Dần gặp bạn và cùng uống rượu. Trong quá trình uống rượu Dần có kể lại cho người bạn nghe chuyện vợ mình có quan hệ tình cảm với người tên Mạnh, bảo vệ nhà máy nước thuộc xí nghiệp. Người này nói với Dần, nếu vợ đã nảy sinh tình cảm với người khác thì sẽ gặp lại thôi.
Nhậu xong, Dần vào chợ mua một con dao, quay lại nhà máy nước, lẻn vào phòng bảo vệ tìm người tên Mạnh để dằn mặt. Đến xí nghiệp, Trần Văn Dần nhìn thấy anh T.X.Q. SN 1966, thủ kho vật tư của nhà máy nước đang nghỉ trưa trên giường bảo vệ. Do không biết mặt người bảo vệ tên Mạnh nên Dần nghĩ anh Q. là Mạnh. Sau đó, Dần dùng dao đâm vào ngực anh Q. Nạn nhân được người dân đưa đi cấp cứu nhưng tử vong sau đó.
Dần sau đó bắt xe đi Đắk Lắk và đến vùng đất đang khai hoang thuộc huyện Cư Kuin để làm thuê, mua đất, dựng nhà sống. Để tránh sự truy lùng của công an, Dần đã đổi tên thành Trần Duy Dần. Sau 1 năm, Dần trốn về địa phương đưa vợ cùng các con vào sống cùng. Đến ngày 10/10/2022, Dần bị Công an tỉnh Nghệ An bắt giữ theo quyết định truy nã.
Nỗi đau của người ở lại
Bị cáo cúi đầu xin lỗi và mong nhận được sự tha thứ vì đã gây ra nỗi mất mát quá lớn cho gia đình bị hại. Việc làm của bị cáo cũng không thể có gì bù đắp được. Bị cáo chấp nhận yêu cầu về phần dân sự của phía bị hại và cho biết, bản thân đi tù không làm ra tiền nhưng sẽ tác động các con đền bù thay.
Bị cáo cho biết mình không có ý định giết người mà chỉ có ý muốn dằn vặt người bảo vệ để không léng phéng với vợ khi chồng đi xa. Tuy nhiên, vì lúc đó say rượu lại không biết mặt người bảo vệ nên bị cáo đã đâm nhầm người thủ kho. “Nếu không say rượu chắc bị cáo không hành động như vậy đâu. Từ khi gây ra vụ việc đến giờ bị cáo cũng dằn vặt bản thân lắm. Gần 31 năm sống chui, sống lủi không có đêm nào bị cáo ngủ ngon giấc. Tuy nhiên, bị cáo không có đủ can đảm để ra đầu thú”, bị cáo Dần cúi đầu xin lỗi gia đình bị hại.
Được biết, thời điểm anh Q. bị Dần đâm chết thì người vợ mới mang bầu đứa con đầu lòng. Nghe tin chồng mình bị sát hại khiến người vợ sốc nặng. Điều đau đớn, kẻ gây ra án lại bỏ trốn biệt tích. Suốt gần 31 năm qua, người vợ ở vậy nuôi dạy đứa con khôn lớn. Một mình nuôi con người phụ nữ này cũng trải qua bao nhiêu vất vả và buồn tủi. Bây giờ con gái đã trưởng thành nhưng có lẽ nỗi đau của người phụ nữ này vẫn đang còn đó. Có mặt tại phiên toà, người phụ nữ này mong muốn HĐXX ra một bàn án nghiêm minh cho người giết chồng mình.
Với hành vi phạm tội của mình, Trần Văn Dần phải nhận mức án 17 năm tù về tội Giết người. |
Người con trai của Dần cũng đứng dậy thay bố xin lỗi gia đình bị hại. Người con trai cho biết, gia đình đã vay mượn để bồi thường cho gia đình bị hại 100 triệu đồng. Người con trai này cũng hứa sẽ hỗ trợ bố bồi thường cho gia đình bị hại.
HĐXX nhận định, hành vi của bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, nguy hiểm cho xã hội, tước đi quyền được sống của con người, gây ra mất mát cho gia đình, người thân bị hại. Xem xét toàn diện vụ án, tòa tuyên Trần Văn Dần 17 năm tù về tội Giết người.
Kết thúc hành trình trốn nã, Trần Văn Dần cũng phải nhận bản án nghiêm khắc của pháp luật. Giá như thời điểm đó Dần bình tĩnh tìm hiểu và giải quyết sự việc bằng cách văn minh hơn thì không có hậu quả như ngày hôm nay. Có lẽ bản án cao nhất dành cho bị cáo là sự day dứt lương tâm suốt cả cuộc đời.
Tác giả: Hà Thị Hằng
Nguồn tin: nguoiduatin.vn