Tin trong tỉnh

Nỗi niềm người phụ nữ đơn thân mong một tấc đất cắm dùi

Không nên để xảy ra một thực trạng buồn là thực hiện đề án xóa nhà tập thể trên địa bàn thành phố lại đẩy một hộ dân rơi vào cảnh không chốn nương thân.

Chúng tôi gặp chị tại một quán nước bên đường Nghệ An - Xiêng Khoảng, sát chân cầu vượt ngã tư Quán Bàu (TP. Vinh). Trong quán nhỏ chật chội, sâu hút, lộn xộn các vật dụng, chị chua xót xác nhận: “Tôi là người có đơn gửi đến cơ quan Báo…”. Chị là Nguyễn Thị Thủy, 52 tuổi, hộ khẩu thường trú tại khu tập thể Trung tâm Dạy nghề người tàn tật (xóm 8, xã Nghi Phú, TP. Vinh), là công dân có đơn kiến nghị gửi đến Báo Nghệ An hồi cuối tháng 3/2019.

Một hoàn cảnh éo le

Tại đơn gửi báo, chị Thủy trình bày “nguyện vọng cả đời” là mong muốn được các cấp, ngành có liên quan xem xét hoàn cảnh éo le của bản thân, cho được mua đất tại khu tập thể Trung tâm Dạy nghề người tàn tật, nơi chị và các con đã sống 30 năm có lẻ.

Về hoàn cảnh của mình, chị Thủy thông tin: Vào năm 1989 chị được Trung tâm Dạy nghề người tàn tật hợp đồng lao động và được bố trí ở tại khu tập thể của trung tâm. Thời kỳ đó, Trung tâm rất khó khăn, cùng với các cán bộ, nhân viên trong đơn vị, chị đã tham gia đóng từng viên táp-lô để xây tường rào và nhà xưởng; đi bán từng bộ quần áo do trung tâm sản xuất để lấy tiền nuôi học sinh khuyết tật… Khi Trung tâm Dạy nghề người tàn tật không có việc làm cho lao động hợp đồng, chị Thủy bất đắc dĩ trở thành nhân viên bán hàng tại ki-ốt do trung tâm xây dựng để bán sản phẩm làm ra.

Chị Nguyễn Thị Thủy trình bày với phóng viên. Ảnh: Nhật Lân

Dù chị cố gắng bán hàng, đóng nộp tiền ki-ốt đầy đủ, nhưng oái ăm thay, năm 2000, trung tâm lấy lại ki-ốt để cho người ngoài thuê. Lúc này, chị không còn gì liên quan đến trung tâm, nhưng vẫn được ở tại khu tập thể để lần hồi kiếm sống nuôi 3 con nhỏ.

Đến tháng 7/2018, khi các căn hộ tập thể bị phá dỡ để thực hiện việc chia đất ở cho các gia đình sống tại đây, vì không được giao đất, nên chị phải thuê một chiếc ốt nhỏ để vừa có nơi ở, vừa bán đồ lặt vặt kiếm sống.

Tại đơn, chị Thủy bày tỏ: “Chủ trương của Nhà nước xóa nhà ở tập thể là để chia đất cho những hộ gia đình đang sống tại khu tập thể và chưa có nhà ở, đất ở. Tôi cũng có một thời gian là người của trung tâm, đã cùng gia đình nhỏ bé của mình sống tại khu tập thể đến 30 năm chứ đâu phải người ngoài đường vào xin ở trọ. Tại sao không cho tôi được mua đất như các gia đình khác…???”.

"Tôi cũng có một thời gian là người của trung tâm, sống tại khu tập thể đến 30 năm chứ đâu phải người ngoài đường vào xin ở trọ”.

Chị Nguyễn Thị Thủy

Tôi (phóng viên) gặp chị Thủy tại một quán nước bên đường Nghệ An - Xiêng Khoảng, sát chân cầu vượt ngã tư Quán Bàu. Trong quán nhỏ chật chội, sâu hút, lộn xộn các vật dụng, chị chua xót xác nhận: “Tôi là người có đơn gửi đến cơ quan Báo…”. Kể lại hoàn cảnh như đã nêu trong đơn, chị bật khóc bộc bạch rằng cuộc đời sao cực khổ, đã gần 60 tuổi mà vẫn không có chỗ dung thân, trong khi các con của chị, ngoài mẹ ra thì chẳng có chỗ nào khác để cậy nhờ…

Ông Nguyễn Hữu Thanh nói về hoàn cảnh của chị Nguyễn Thị Thủy. Ảnh: Nhật Lân

Trong khu tập thể, nên nhiều người đã xác nhận nội dung đơn kiến nghị của chị Nguyễn Thị Thủy là đúng sự thật. Ông Nguyễn Hữu Thanh, một trong những người sống tại khu tập thể Trung tâm Dạy nghề người tàn tật từ thời kỳ đầu kể, ở đây toàn những hộ gia đình khó khăn, nhưng chị Thủy là người có hoàn cảnh éo le nhất.

"Chúng tôi nhiều lần đề nghị xem xét giao một lô đất cho hộ cô Thủy vì cô ấy cũng có một thời gian làm việc tại trung tâm, đã sống tại đây một thời gian rất dài, hoàn cảnh rất khó khăn…”.

Ông Nguyễn Hữu Thanh

Ông Thanh trao đổi: “Do trung tâm gặp khó khăn nên công việc của cô Thủy bị đứt đoạn. Đã vậy, đường chồng con cũng lỡ dở vì sinh con một bề. Từ khi vợ chồng chia tay, đành phải ở vậy nuôi 3 con. Năm 2014, khi hóa giá nhà tập thể, lãnh đạo trung tâm không hóa giá nhà cho cô Thủy vì cô ấy không còn là người của trung tâm. Nhưng trong các buổi họp xét duyệt các đối tượng xin giao đất ở tại khu tập thể, chúng tôi có ý kiến nhiều đề nghị xem xét giao một lô đất cho hộ cô Thủy như các trường hợp khác. Vì dẫu sao cô ấy cũng có một thời gian làm việc tại trung tâm, đã sống tại đây một thời gian rất dài, hoàn cảnh rất khó khăn, trong khi không có một nơi ở nào khác…”.

Khu tập thể Trung tâm giáo dục người khuyết tật đã được dỡ bỏ, xây dựng hạ tầng và chia lô. Ảnh: Nhật Lân

Cần quan tâm xem xét thực tế

Tìm hiểu, trong giai đoạn rà soát, xét duyệt đối tượng xin giao đất tại khu tập thể Trung tâm Dạy nghề người khuyết tật, chủ đầu tư là UBND xã Nghi Phú đánh giá hộ Nguyễn Thị Thủy đủ điều kiện giao đất, cấp giấy chứng nhận QSD đất. Trên cơ sở đó, ngày 23/8/2017, UBND xã Nghi Phú có Tờ trình số 101/TTr-UBND trình danh sách các hộ đủ điều kiện lên UBND TP. Vinh, trong đó có hộ chị Nguyễn Thị Thủy. Tuy nhiên, như đại diện UBND xã Nghi Phú cho biết, trong quá trình xét duyệt ở cấp thành phố thì trường hợp của hộ chị Nguyễn Thị Thủy không được chấp nhận.

Theo các tài liệu có được, khu tập thể Trung tâm Dạy nghề người tàn tật có 13 hộ gia đình. Trong đó, có 12 hộ được mua nhà tập thể do trung tâm bán thanh lý ngày 30/10/2014 (hộ chị Nguyễn Thị Thủy không được mua nhà thanh lý). Quá trình xét duyệt đối tượng giao đất, UBND thành phố Vinh xác định giấy tờ thanh lý nhà của các hộ sau thời điểm ngày 1/7/2014, mốc thời gian theo quy định để trở thành một trong những điều kiện được giao đất theo hình thức không thông qua đấu giá.

Văn bản của UBND xã Nghi Phú thể hiện sau khi thực hiện rà soát, lấy ý kiến thì trường hợp hộ chị Nguyễn Thị Thủy đủ điều kiện để được Nhà nước giao đất, cấp giấy chứng nhận QSD đất. Ảnh: Nhật Lân

Tuy nhiên, có 10 hộ do đang sinh sống tại khu tập thể, không có nhà ở và đất ở trên địa bàn thành phố nên UBND thành phố Vinh phê duyệt đối tượng được giao đất. Với 2 hộ còn lại (đã có nhà ở, đất ở tại phường khác trên địa bàn thành phố) và hộ chị Nguyễn Thị Thủy, UBND TP. Vinh có văn bản xin ý kiến các ngành có liên quan. Tại Công văn số 294/STNMT-QLĐĐ ngày 16/1/2019, Sở TN&MT trả lời UBND thành phố Vinh: “Căn cứ quy định tại Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ, Quyết định số 58/2015/QĐ-UBND ngày 13/10/2015 và Quyết định số 39/2018/QĐ-UBND ngày 10/9/2018 của UBND tỉnh thì việc UBND thành phố Vinh đề nghị bố trí đất ở đối với 3 trường hợp không đủ điều kiện theo quy định là không có cơ sở để giải quyết”. Từ đây, UBND thành phố Vinh khẳng định việc hộ chị Nguyễn Thị Thủy đề nghị được giao 1 lô đất tại khu tập thể là không thể thực hiện được (Công văn số 1248/UBND-TNMT, ngày 7/3/2019).

Vẫn biết rằng Sở TN&MT và UBND thành phố Vinh xử lý, xét duyệt trường hợp hộ chị Nguyễn Thị Thủy phải tuân thủ đúng quy định. Nhưng với hoàn cảnh hiện tại của gia đình này, thực sự đáng thương. Vì vậy, cần xét đến việc chị này từng là người của Trung tâm Dạy nghề người tàn tật, có thời gian sống liên tục 30 năm tại khu tập thể, và không có nhà ở, đất ở nơi nào khác trên địa bàn thành phố để xem xét lại. Không để xảy ra một thực trạng buồn là thực hiện đề án xóa nhà tập thể trên địa bàn thành phố lại đẩy một hộ dân rơi vào cảnh không chốn nương thân. Như nguyên giám đốc Trung tâm Dạy nghề người tàn tật là ông Phan Văn Mật (cũng ký tại đơn kiến nghị của chị Thủy), ngoài xác nhận chị có một thời gian làm việc tại trung tâm sau khi được Sở LĐ-TB&XH ký hợp đồng lao động, cũng trao đổi rằng: “Việc xét duyệt giao đất cần căn cứ theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, rất mong cấp thẩm quyền xét đến hoàn cảnh thực tế để gia đình cô ấy có một nơi ở…”.

Cần xem xét lại để không xảy ra một thực trạng buồn là thực hiện đề án xóa nhà tập thể trên địa bàn thành phố lại đẩy một hộ dân rơi vào cảnh không chốn nương thân.

Chị Nguyễn Thị Thủy phải thuê một chiếc ốt nhỏ để vừa có nơi ở, vừa bán đồ lặt vặt kiếm sống. Ảnh: Nhật Lân

Tác giả: Nhật Lân

Nguồn tin: Báo Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP