5 năm sau mới đòi nợ?
Bà T. (trú huyện Đô Lương) hoảng loạn cho biết, suốt hơn 2 tháng qua tôi cũng như gia đình như sống trên đống lửa. Giờ cứ nghe điện thoại gọi đến là như chết lặng.
Bà T. kể, từ tháng 5/2017 vì cần tiền gấp nên tôi đã gọi theo số điện thoại cho vay tiền dán ở ngoài đường có tên ngân hàng OCB. Việc vay tiền tôi không nói với ai trong gia đình.
Sau đó, một người phụ nữ đến gặp tôi và làm hợp đồng vay với số tiền 30 triệu đồng. Thời hạn vay 36 tháng. Mỗi tháng tôi đóng cả lãi và gốc là 1 triệu 892 ngàn đồng. Lúc đó, người này có chụp ảnh chứng minh thư và sổ hộ khẩu của gia đình.
Số tiền thực nhận của bà T. chỉ 29 triệu đồng. Sau khi làm hợp đồng xong, bà T. không được cầm một bản hợp đồng cũng như giấy tờ gì.
Những tin nhắn đe dọa để đòi nợ gửi đến con gái bà T. |
Hàng tháng bà T. đến bưu điện huyện để đóng tiền lãi và gốc số tiền 1 triệu 892 ngàn đồng. Bà đã đóng tiền được 16 tháng (từ tháng 6/2017 đến tháng 9/2018). Sau đó, một người gọi điện thông báo cho bà T. là không cần phải đóng tiền nữa.
Oái ăm thay, đến tháng 3/2022 có người gọi điện đến con gái của bà T. thông báo số nợ của bà T. lên tới 96 triệu đồng. Mấy ngày sau, người khác gọi điện đến bảo sẽ giảm số nợ xuống còn 31 triệu đồng.
Con gái bà T. băn khoăn, tại sao đến tận 5 năm sau thì phía ngân hàng mới đòi nợ. Nếu mẹ tôi có chậm trả nợ 1 tháng, nhân viên không gọi được thì phải đến nhà tìm hiểu chứ. Vì trước đó, nhân viên đã đến tận nhà, có chụp lại sổ hộ khẩu. Nhà tôi vẫn ở đúng địa chỉ đó có di chuyển đi đâu đâu... Bỗng dưng 5 năm sau lại có kiểu đe dọa để đòi nợ như thế được.
Đang trong quá trình tìm hiểu khoản vay này thì con gái bà T. liên tiếp nhận hàng trăm cuộc điện thoại, nhắn tin xúc phạm, đe dọa chị. Không dừng lại ở đó, những người này cũng điện thoại, nhắn tin đến đồng nghiệp, công ty nơi con gái bà T. làm việc.
Hàng trăm cuộc gọi, tin nhắn khiến người thân bà T. luôn sống trong bất an. |
Quá hoảng sợ nên con gái bà T. bảo là sẽ trả số tiền đó nhưng sẽ trả trực tiếp cho nhân viên hoặc đến tận ngân hàng để đóng.
Tuy nhiên lời đề nghị của con gái bà T. không được chấp nhận và những người gọi điện yêu cầu phải ra bưu điện gửi tiền theo hướng dẫn của họ. Đồng thời, con gái bà T. lại tiếp tục nhận được hàng trăm cuộc điện thoại, nhắn tin đe doạ, xúc phạm.
"Chúng tôi không thể trả nợ cho người đe dọa giết mình"
Thấy có nhiều bất thường nên ncon gái của bà T. đã đến chi nhánh ngân hàng của ngân hàng OCB ở Khối 3, thị trấn Diễn Châu, huyện Diễn Châu (Nghệ An) để tìm hiểu sự việc. Tại đây, phía ngân hàng kiểm tra hồ sơ vay nhưng không tra cứu được.
"Chúng tôi rất muốn trả số tiền này để đổi sự bình yên nhưng không thể trả cho người gọi điện xúc phạm, đe dọa mang hòm đến rước chúng tôi được" – con gái bà T. bức xúc nói.
Ông Lê Phi Hùng – Phó giám đốc ngân hàng OCB chi nhánh Nghệ An cho biết, nếu đã được nhân viên ngân hàng OCB tra cứu nhưng không có kết quả thì người đó không có khoản vay tại ngân hàng. Các giấy tờ có thông tin ngân hàng OCB mà những người đó gửi cho bà T. là giả mạo.
Ông Hùng lưu ý thêm, người dân khi có nhu cầu thì nên tìm hiểu ở các tổ chức cho vay có uy tín. Khi ký kết vay thì nên đọc kỹ các điều khoản. Đặc biệt, các văn bản đưa cho người đi vay đều có dấu của ngân hàng. Người dân tuyệt đối không vay qua điện thoại để rước họa vào thân.
Tác giả: V.Đồng
Nguồn tin: giadinh.suckhoedoisong.vn