Xã hội

Nóng: TP.HCM đề nghị người dân tạm ngưng dùng các sản phẩm pate chay

3 bệnh nhân ở Bình Dương nhập viện vào các bệnh viện ở TP.HCM trong tình trạng nguy kịch, một người xin về, tất cả đều có ăn pate chay.

Sản phẩm pate chay năm 2020 khiến nhiều người bị ngộ độc, sau đó tử vong. ẢNH: DUY TÍNH

Tối 25.3, Sở Y tế TP.HCM đã có thông tin về chùm ca bệnh nguy kịch nghi do ngộ độc thực phẩm pate chay điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhân dân 115 và Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM.

Theo thông tin từ chồng và con trai của nữ bệnh nhân C.N.H (53 tuổi) đang hồi sức tại Bệnh viện Nhân dân 115, thì vào trưa thứ bảy ngày 20.3, gia đình có nấu bún riêu chay tại miếu (cách nhà khoảng 2 km, nhà ở Thuận An, Bình Dương) cho nhiều người cùng ăn, trong nguyên liệu sử dụng có 1 hộp pate chay đã bị phồng lên. Đến chiều tối cùng ngày thì bệnh nhân xuất hiện chóng mặt, nhìn 1 thấy 2.

Trưa ngày 21.3, bệnh nhân nuốt khó, nói đớ và nhập viện Bệnh viện Nhân dân 115, sau đó nhanh chóng ngưng tuần hoàn, hô hấp và rơi tình trạng hôn mê, chưa loại trừ ngộ độc Botulinum (nghi nhiễm độc pate chay). Hiện tại, BN mê sâu, thở máy qua nội khí quản, kích thích đau.

Trong khi đó, em gái bệnh nhân C.M.H là C.N.M (42 tuổi, ngụ Bình Dương) cũng nhập khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy lúc 7 giờ 44 phút ngày 24.3 trong tình trạng mệt mỏi và nuốt khó. Bệnh nhân được chuyển lên Khoa Nội thần kinh với chẩn đoán: theo dõi viêm thân não, phân biệt với ngộ độc. Trong quá trình theo dõi, bệnh nhân bị ngưng tim đột ngột, suy hô hấp thì đã được ê kíp điều trị hồi sức tim xử lý thì tim đập lại. Tuy nhiên, gia đình xin cho đưa bệnh nhân về dù được giải thích bệnh nhân có thể tử vong trên đường đi. Kết quả thử độc chất trong nước tiểu của bệnh nhân cho thấy có hàm lượng phốt pho vô cơ nồng độ 1810,9 mmg/lít.

Trước đó, vào ngày 22.3, bệnh nhân P.T.T.T (16 tuổi, con của bệnh nhân C.N.M), nhập viện BV Nhi đồng 2 trong tình trạng rối loạn tri giác, theo dõi viêm màng não. BV Nhi đồng 2 đang mời hội chẩn.

Theo Sở Y tế TP.HCM, tất cả bệnh nhân này đều có cùng bệnh cảnh (nhược cơ, suy tuần hoàn, suy hô hấp…) và trước đó đều cùng ăn pate chay. Hiện tại, Bệnh viện Nhân dân 115 và Bệnh viện Nhi đồng 2 đang hồi sức tích cực cho các bệnh nhân và đang chờ các bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai đến hội chẩn và mang thuốc giải độc tố của vi khuẩn Clostridium Botulinum, tác nhân chính có trong pate chay gây ra ngộ độc (dự kiến tối 25.3 sẽ đến).

Hiện Ban An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM đang khẩn trương xác minh, thu thập thông tin và xử lý theo quy định. Trong khi chờ xác định chính xác thông tin, Sở Y tế yêu cầu người dân tạm ngưng việc sử dụng tất cả các sản phẩm có liên quan đến pate chay và chờ thông tin và thông báo mới nhất từ Ban An toàn vệ sinh thực phẩm. Riêng những ai đã cùng ăn pate chay với các bệnh nhân trên cần đến bệnh viện gần nhất để được theo dõi và điều trị.

Trước đó, Thanh Niên từng thông tin, giữa năm 2020, trên cả nước ghi nhận nhiều ca nhập viện điều trị sau ăn pate chay, sản phẩm có tên “Pate Minh Chay”.

Các BN nhập viện với triệu chứng mệt mỏi, sụp mi mắt, tứ chi yếu cơ, khó nuốt, liệt cơ, khó thở. Có BN sau đó nguy kịch và tử vong.

Kết quả kiểm nghiệm ban đầu một số sản phẩm (sản phẩm mà BN ăn) của các lô khác nhau đã phát hiện vi khuẩn Clostridium botulinum typ B. Đây là vi khuẩn kị khí tuyệt đối, sinh bào tử; độc tố của vi khuẩn Clostridium botulinum có độc lực rất mạnh, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe, kéo dài và dễ tử vong. Bộ Y tế đã phải nhập thuốc giải với giá 8.000 USD/lọ để điều trị.

Tác giả: Duy Tính

Nguồn tin: Báo Thanh niên

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP