Tin trong tỉnh

Nụ cười ấm áp trong những căn nhà nghĩa tình ở vùng biên Nghệ An

Được đón Tết Nguyên đán trong những ngôi nhà khang trang, ấm áp đã tạo động lực để người dân vươn lên lao động sản xuất, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Mùa đông không lạnh

Những ngày cuối năm, thời tiết bên ngoài dù lạnh nhưng căn nhà nhỏ của ông Vi Văn Thơm, bản Hồng Tiến, xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An vẫn thấy ấm áp. Ông Thơm cho biết, trước đây, ông không bao giờ nghĩ rằng cuối đời sẽ được sống trong căn nhà khang trang như thế này.

Ông kể, bản thân già yếu nên thường xuyên đau ốm. Không có sức lao động, không có người để nương tựa, nên nhiều năm qua ông phải sống trong căn nhà lá lụp xụp. Thậm chí, do lâu ngày nên cột kèo, vách lá xung quanh mục nát bị mối mọt ăn, cứ mưa đến là nhà cửa dột nát không có chỗ để ngủ.

Mỗi căn nhà có diện tích xây dựng 46,5m2, diện tích sử dụng 36,0m2 đảm bảo vững chắc, chống chịu được các loại hình thời tiết.

Cũng vì vậy, ông là một trong những hộ đầu tiên nằm trong danh sách được hỗ trợ xây nhà ở của Bộ Công an. Ngay sau đó, các cấp chính quyền, các lực lượng đoàn thể và đặc biệt là Công an huyện Kỳ Sơn đã đến hỗ trợ, giúp ông làm móng nhà. Rồi chưa đầy 2 tháng sau, ngôi nhà vững chãi được dựng lên ngay trên nền đất cũ khiến ông vô cùng vui mừng.

Ngày khánh thành ngôi nhà có sự góp mặt của Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An Thái Thanh Quý, ông đã không giấu được những giọt nước mắt hạnh phúc. Ông nói: “Tôi cảm ơn Đảng, Nhà nước lắm lắm. Thế này là yên tâm rồi, không lo dột nữa, không lo lạnh nữa”.

Ước mơ về một căn nhà kiên cố cũng đã trở thành hiện thực đối với mẹ con chị Vi Thị Hòe, ở bản Kim Khê, xã Châu Kim, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An. Chỉ vào mảnh đất trước đây từng dựng túp lều cũ, chị Hòe không khỏi bùi ngùi. Thuộc diện hộ nghèo của xã, chồng bỏ nhà đi khi đứa trẻ trong bụng chị còn chưa chào đời. Mặc dù đã cố gắng bươn chải, xoay sở đủ nghề làm thuê, song mẹ con chị vẫn luôn trong tình cảnh chạy ăn từng bữa.

Đặc biệt, những ngày mưa đã trở thành ký ức không muốn nhớ lại đối với mẹ con khi phải chạy ngược xuôi tìm xô chậu để hứng nước mưa dột trong túp lều cũ. Rồi đến khi gió mùa tràn về, chị phải ôm con khóc vì cái nghèo bủa vây. Chị không dám mơ ước một ngôi nhà kiên cố cho đến khi nhận được thông tin gia đình nằm trong danh sách được hỗ trợ của Bộ Công an.

“Trước đây, tôi và con gái phải ở trong căn lều cũ lụp xụp khoảng 10m2 được người thân, họ hàng thương tình dựng giúp cho. Mùa mưa thì thấm dột, mùa hạ thì oi bức, những tấm ván thưng đã mối mọt, không đủ che chắn gió lạnh khi đông về… Vì vậy, được ở trong ngôi nhà kín gió kín mưa như thế này khiến cho gia đình cảm giác rất vui”, chị Hoè nói.

Bây giờ, dù mưa to hay gió lạnh, chị cũng được thảnh thơi ngồi trong nhà, thoải mái dọn dẹp, nấu nướng mà không phải lo lắng gì nữa. Chị cho biết, dù đã sống hơn 3 tháng trong căn nhà mới được Bộ Công an trao tặng, mẹ con vẫn cứ ngỡ như là mơ.

“Được Bộ Công an tặng nhà, được các cấp chính quyền, lực lượng Công an Nghệ An và bà con dân bản chung tay hỗ trợ ngày công để xây dựng ngôi nhà kiên cố, có chỗ ở che mưa che nắng, thật không còn gì vui hơn. Giờ đã có nhà ở ổn định rồi, lo làm ăn thôi”, chị Hoè chia sẻ.

Lãnh đạo Bộ Công an và tỉnh Nghệ An tham quan và chung vui với bà con trong ngôi nhà mới.

Không chỉ gia đình chị Vi Thị Hòe hay ông Vi Văn Thơm, tính đến nay, 2.820 hộ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở tại 6 huyện biên giới trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có được niềm vui, niềm hạnh phúc trong những căn nhà mới.

Phát huy những kết quả đạt được, với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau” và với tinh thần “đâu dân cần Công an có, đâu dân khó có Công an”, Công an tỉnh Nghệ An phối hợp các Cục nghiệp vụ Bộ Công an tiếp tục kêu gọi, vận động các nhà tài trợ ủng hộ xây dựng 733 căn nhà giai đoạn 2.

“An cư, lạc nghiệp”

Trước đó, vào ngày 17/1/2023, Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã ban hành Chỉ thị số 21 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở”. Triển khai thực hiện Chỉ thị 21 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp đã thành lập ban chỉ đạo; tổ chức lễ phát động ở cấp tỉnh và nhiều địa phương; tiến hành tổng rà soát, phê duyệt đối tượng cần hỗ trợ làm nhà; đặc biệt là tuyên truyền, vận động hỗ trợ nguồn lực làm nhà cho người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở.

Trong tổng số 12.568 căn được các tập thể, cá nhân đăng ký, đã làm và bàn giao cho người dân vào ở là 3.940 căn, với tổng giá trị 197 tỷ đồng (nhiều hơn kết quả làm nhà của 2 năm 2021 – 2022 cộng lại). Đặc biệt, tổng số nhà đã làm, trân trọng sự đóng góp nhiều nhất của ngành Công an với số lượng đăng ký 2.820 căn và đến nay đã làm xong cả 2.820 căn, hoàn thành trước mốc thời gian đề ra (19/8).

Lực lượng công an huyện Tương Dương hỗ trợ vận chuyển nguyên, vật liệu giúp người dân xây dựng nhà.

Không chỉ đóng góp về kinh phí, lực lượng Công an còn trực tiếp chủ trì thi công làm nhà lắp ghép cho người dân; cùng sự vào cuộc chung tay của cán bộ, công chức từ huyện đến cơ sở và người dân 6 huyện miền núi, tạo thành một “chiến dịch” đóng góp kinh phí, ngày công san nền, làm móng, đưa vật liệu vào xây dựng...

Việc chăm lo xây dựng nhà ở cho hộ nghèo là chương trình mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm, chăm lo của Bộ Công an cùng các cấp, các ngành và toàn xã hội chung tay vì người nghèo; giúp nhiều gia đình ở miền biên viễn xứ Nghệ có mái ấm để an cư, ổn định cuộc sống, tạo động lực vươn lên phát triển kinh tế xã hội. Đây cũng là tiền đề quan trọng, là giải pháp bền vững góp phần bảo đảm an ninh trật tự trên tuyến biên giới, thực hiện thắng lợi Đề án xây dựng xã biên giới sạch về ma túy, tiến tới xây dựng các huyện sạch về ma túy của tỉnh Nghệ An.

Thiếu tướng Phạm Thế Tùng, Giám đốc Công an tỉnh nhấn mạnh, quán triệt tinh thần Chỉ thị 21 của Tỉnh ủy, với tinh thần “đâu dân cần Công an có, đâu dân khó có Công an”, Ban Thường vụ Đảng ủy, Lãnh đạo Công an tỉnh xác định công tác an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo là công tác then chốt, là nghĩa cử cao đẹp, “lá chắn”, góp phần giúp đỡ nhân dân vượt qua khó khăn, vừa tạo “vành đai”, xây dựng “tấm khiên” vững chắc. Qua đó góp phần bảo đảm tốt an ninh, trật tự tuyến biên giới, sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện biên giới “sạch” về ma túy và giúp đỡ địa phương có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn.

Theo số liệu thống kê, tính đến đầu năm 2023, toàn tỉnh Nghệ An còn hơn 55.000 hộ nghèo, hơn 53.000 hộ cận nghèo; trong đó, có 15.300 hộ đang gặp khó khăn về nhà ở. Phần lớn các hộ dân gặp khó khăn về nhà ở sinh sống ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, bãi ngang, vùng thường xuyên bị lũ quét, lũ ống… nên ít có khả năng tự sửa chữa, xây mới nhà ở kiên cố.

Tác giả: Nguyễn Anh Ngọc

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP