Mắt phải của bệnh nhân đã hồi phục ban đầu sau 14 ngày điều trị biến chứng sau tiêm filler - Ảnh: THÚY ANH |
Nữ bệnh nhân này làm việc trong ngành ngân hàng ở Thái Nguyên, vào Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức cách đây 14 ngày, trong tình trạng mắt phải sụp mi, rối loạn vận động các cơ nhãn cầu, da vùng trán và mũi tím sẫm, lạnh hơn các vùng khác trên mặt, thị lực mắt phải không còn cảm nhận được ánh sáng.
Bệnh nhân được chẩn đoán tai biến do tiêm filler làm mất thị lực và thiếu máu cấp tính da trán, mũi và ổ mắt.
Theo lời bệnh nhân, cô đến 1 spa ở địa phương cùng một số người bạn, 2 người được tiêm trước đó không gặp vấn đề gì, thấy rẻ (hạ giá từ 3 triệu xuống còn 1 triệu/lần tiêm, vật liệu được cho là filler để nâng mũi) nên cô cũng tiêm.
Ngay sau tiêm, chưa kịp rút kim, cô đã thấy đau buốt dọc sống mũi, lan vào tận trong óc. Cô choáng váng và mắt phải ngay lập tức tối đen.
Bệnh nhân được chuyển về Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức ở Hà Nội, nhưng thời gian đến bệnh viện đã khoảng 4-5 giờ tính từ khi được tiêm, được cho vượt thời gian vàng can thiệp hiệu quả nhất.
Ngay khi bệnh nhân vào viện, các bác sĩ đã sử dụng thuốc giảm áp lực cho não và ổ mắt, oxy liều cao liên tục, tiêm thuốc giải vào vùng tiêm filler và da sắp hoại tử. Một kíp bác sĩ Bệnh viện Mắt trung ương cũng đến hỗ trợ ngay.
Động mạch mắt là một nhánh của động mạch cảnh nằm trong não, để tiêm được thuốc giải vào tận nơi, các bác sĩ đã rất nỗ lực điều khiển ống thông tới nơi mong muốn.
Sau 2 giờ can thiệp, thị lực bệnh nhân có dấu hiệu phục hồi, từ chỗ chỉ toàn thấy màu đen, bệnh nhân đã có thể thể nhìn thấy bác sĩ điều trị và đếm ngón tay ở khoảng cách 60-70cm.
Tuy nhiên sau 12 giờ có dấu hiệu hồi phục thị giác, bệnh nhân lại xuất hiện tình trạng mất thị lực lần 2. Lần này bác sĩ sử dụng thuốc giải filler, thuốc pha loãng máu liều cao để tái lập tuần hoàn cho võng mạc người bệnh...
Sau 2 giờ can thiệp, thị lực bệnh nhân lại có những biểu hiện nhìn thấy nhưng không bằng lần can thiệp đầu tiên.
Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, trưởng khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, cho biết hiện ở ngày thứ 14 sau tai biến, các tình trạng sụp mi, đau buốt đầu... của bệnh nhân đều giảm, thị lực mắt phải có cải thiện: phân biệt được đồ vật, nhìn thấy bác sĩ... nhưng vẫn đang phải sử dụng nhiều thuốc để chống tái mù.
Bác sĩ Hà cho biết năm 2018 toàn thế giới có 3,7 triệu ca tiêm filler tại cơ sở được phép, nhưng số tiêm trái phép nhiều không thống kê được, tỉ lệ gặp các biến chứng như hoại tử da mũi, môi sau tiêm 3 - 9 ca/10.000 ca tiêm. Biến chứng tắc mạch, gây mù mắt sau tiêm là biến chứng nặng nề nhất, nhưng cũng đã ghi nhận hàng trăm ca. Tuy nhiên trường hợp bị tắc mạch, điều trị nhìn thấy được và lại tắc mạch, mù mắt lần 2 như bệnh nhân này là trường hợp rất hiếm gặp. |
Tác giả: Lan Anh
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ