Giáo dục

Nữ sinh hái măng kiếm tiền có điểm tốt nghiệp cao nhất Hà Tĩnh

Sát ngày thi, em Trần Thị Thảo vẫn một buổi đi học, một buổi vào rừng hái măng với mẹ. Thế nhưng, em vừa trở thành thí sinh có số điểm nhất Hà Tĩnh.

Em Trần Thị Thảo (HS 12A4 trường THPT Hàm Nghi, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh).

Bí quyết giành điểm cao

Từ khi biết điểm trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT, gia đình của em Trần Thị Thảo (lớp 12A4, Trường THPT Hàm Nghi, Hương Khê) tràn ngập niềm hạnh phúc khi cô con gái út giành điểm cao tại kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tổng số điểm 3 môn xét đại học của Thảo là 29,25 điểm, trong đó Ngữ văn 9,5; Lịch sử 10 và Địa lý 9,75. Thảo cũng là thí sinh có số điểm cao nhất tỉnh Hà Tĩnh và trở thành á khoa toàn quốc khối C00.

“Dù dự kiến bản thân sẽ đạt điểm khá tốt ở các bộ môn nhưng em vẫn rất bất ngờ khi biết mình đạt điểm cao như vậy. Sau khi tra cứu hết điểm các môn em đã hét lên vì sung sướng”, Thảo chia sẻ niềm vui.

Em Trần Thị Thảo (HS 12A4, Trường THPT Hàm Nghi) - thí sinh có điểm cao nhất Hà Tĩnh.


Chia sẻ về bí quyết học tập của mình, Thảo bộc bạch: “Phần lớn các đề thi đều nằm trong chương trình học vì vậy em luôn nắm chắc kiến thức cơ bản từ SGK. Mỗi tiết học ở lớp, em tập trung nghe thầy, cô giảng bài để không bỏ lỡ những nội dung quan trọng. Bên cạnh đó, em cũng đọc thêm nhiều sách của thư viện nhà trường, tham khảo thêm tài liệu từ các đề thi những năm trước. Trong giai đoạn nước rút, em chủ yếu hệ thống lại kiến thức và ôn luyện các đề thi".

Gia đình khó khăn, không có điều kiện đi học thêm như nhiều bạn cùng trang lứa, trong suốt 3 năm học THPT, Thảo chỉ học và tự ôn tập kiến thức từ những buổi học chính khóa chứ không tham gia một lớp học thêm nào. Ngoài học trên lớp, mỗi tối Thảo luôn dành thời gian 5 - 6 tiếng để tự học bài và tận dụng những tiết học online miễn phí trên mạng.

Trường THPT Hàm Nghi, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh).


Đối với các bộ môn khối C, Thảo cho biết, ngoài niềm đam mê, em cũng tự sắp xếp cho mình một thời gian biểu hợp lý. Nếu như môn Lịch sử cần ghi nhớ nhiều dữ kiện, thay vì cố gắng học thuộc một cách máy móc, em sắp xếp thành một câu chuyện theo chuỗi thời gian. Môn Địa lý đòi hỏi thí sinh cần có kỹ năng sử dụng Atlat và xử lí bảng số liệu, kỹ năng nhận diện biểu đồ. Việc luyện đề để trau dồi kỹ năng là rất cần thiết. Phần kiến thức sẽ được note lại những vấn đề khó, quan trọng để có thể ôn và học thật kỹ. Còn ở môn ngữ văn, cùng với kiến thức phần trình bày cũng cần trau chuốt để giành điểm cao nhất.

"Ngoài sự nỗ lực của bản thân, thành quả ngày hôm nay em đạt được nhờ rất nhiều vào sự giúp đỡ của thầy cô giáo. Em xin gửi lời cảm ơn đến thầy cô đã giúp đỡ, động viên em trong thời gian vừa qua”, Thảo bày tỏ.

Bằng mọi giá cũng cho con đi học

Sinh ra trong gia đình nghèo tại huyện miền núi huyện Vũ Quang, Thảo là thành viên duy nhất trong gia đình được học hành trọn vẹn. Các anh, chị của Thảo do điều kiện gia đình khó khăn nên đều học hành dang dở. Bao hy vọng, mong muốn của cả nhà đều gửi gắm vào cô con gái út.

Bố mẹ không có việc làm ổn định. Hàng ngày bố em đi làm mướn bằng nghề bóc vỏ keo tràm. Những mùa mưa, không có việc, bố lại ngược ngàn hoặc sang vùng khác kiếm thêm các nghề phụ.

Dù gia đình khó khăn nhưng chưa bao giờ bố mẹ muốn Thảo nghỉ học.


Còn mẹ em ngày ngày vào rừng để kiếm măng mang ra chợ bán. Đó cũng là công việc của Thảo sau mỗi buổi đến trường. Để đi hái măng, 2 mẹ con phải vào tận trong rừng, đi bộ hơn 10km. Nhiều hôm 2 tay em cũng rát bỏng vì bị lá cứa vào. Sát ngày thi, dù bận bịu việc học, nhưng hễ có thời gian rảnh em lại vào rừng hái măng với mẹ. Bởi, số tiền kiếm được từ hái măng sẽ giúp cho gia đình em đỡ đi một phần gánh nặng từ chi phí sinh hoạt và học tập.

“Hiện nay đang đầu mùa nên măng còn ít. Mỗi ngày em và mẹ chỉ hái chưa được 10kg, tính ra khoảng 100 ngàn đồng. Số tiền này, em tiết kiệm để làm chi phí học hành cho năm học mới”, Thảo nói.

Hiểu được sự nỗ lực của cha mẹ, suốt 12 năm học Thảo luôn không ngừng cố gắng. Mỗi ngày, em đều chạy xe hơn 12km để tới trường. Dù nắng hay mưa, Thảo vẫn không dám nghỉ học bởi sợ hổng kiến thức. Kết quả của kỳ thi là sự nỗ lực bền bỉ của cô nữ sinh miền núi suốt 3 năm học.

Mẹ em - chị Nguyễn Thị Liên (SN 1955) không giấu được sự xúc động khi hay tin con được điểm cao. “Tôi hạnh phúc lắm, con vui 1 thì bố mẹ vui 10. Bao nhiêu vất vả, khó nhọc nhìn con học hành chăm chỉ tôi cũng quên hết. Khi con thông báo điểm, cả nhà vẫn không dám tin”.

Ngoài nỗ lực bản thân, thành tích của Thảo còn có sự dạy bảo tận tình của thầy cô.


Thế nhưng, sau niềm hân hoan vui mừng ấy là cả một nỗi lo dài. Chị Liên tâm sự: “Nhà ai có con đạt điểm cao ai mà không mừng, nhưng cũng vừa mừng vừa lo. Tuy vậy, dù khó khăn thế nào, bằng mọi giá tôi cũng cho cháu đi học. Mình có xuất phát điểm thấp hơn nhiều người, mình có thể đi chậm hơn họ, nhưng không có nghĩa là không thể chạm đích".

Chia sẻ về dự định của mình, Thảo cho biết em sẽ muốn học ngành Báo chí của Trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội. “Dù trước mắt sẽ có nhiều khó khăn, nhưng em sẽ không từ bỏ. Kết quả hôm nay là bước tạo đà giúp em thêm tự tin để chinh phục ước mơ của mình”, Thảo bộc bạch.

"Tôi rất vui mừng trước kết quả mà Thảo đạt được trong kỳ thi. Là giáo viên theo sát suốt 3 năm học của Thảo, tôi không quá bất ngờ với thành tích này của em. Đó là kết quả của sự cố gắng và nỗ lực vượt khó, của em trong 3 năm học. Thảo cũng là tấm gương sáng để nhiều bạn bè cùng trang lứa noi theo", thầy giáo Bùi Xuân Sơn (GV chủ nhiệm lớp 12A4) nhận xét.

Tác giả: Phương Hồ

Nguồn tin: Báo Giáo dục & Thời đại

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP