|
Chưa giải mã được nguyên nhân xuất hiện vết nứt khổng lồ trên núi
Đêm một ngày mưa lớn cuối tháng 10/2020, người dân ở bản Bủng Xát (xã Châu Khê, Con Cuông, Nghệ An) đang ở trong nhà thì bất ngờ nghe tiếng nổ lớn, rung nhà nên vội hô hoán nhau chạy ra ngoài. Do mưa lớn và trời tối nên không ai biết chuyện gì đã xảy ra.
Sáng hôm sau, người dân đi lên núi kiểm tra, hốt hoảng phát hiện ở sườn núi xuất hiện một vết nứt lớn, một mảng đất đồi lớn đã bị sụt xuống khoảng 1m, nhiều đoạn sâu đến 2m.
Vết nứt khổng lồ dài khoảng 200m đã khiến khoảng 500 nghìn m3 đất đá bị tách khỏi triền núi và có thể đổ sập xuống bản Bủng Xát bất cứ lúc nào. |
"Nhận tin báo của người dân, khi xuống kiểm tra, cơ quan chức năng đo được vết nứt kéo dài khoảng 200m, chạy vòng quanh sườn núi hình vòng cung. Ước tính khoảng 500 nghìn m3 đất đá đã bị tách rời khỏi triền núi và có thể đổ ập xuống bất cứ lúc nào. Phía dưới chân núi đã bị hổng, một số đất đá đã rơi xuống", một cán bộ xã Châu Khê chia sẻ.
Được biết, thời điểm xảy ra sự cố này, chính quyền địa phương đã tạm thời di dời 17 hộ dân, hơn 50 nhân khẩu sống phía dưới chân núi đi ở nhờ nơi an toàn.
Vết nứt có nơi sâu hơn 2m và vẫn đang tiếp tục có dấu hiệu sụt xuống. |
Chính quyền xã Châu Khê đã cắt cử người đến túc trực khu vực núi nứt, không để người dân trở về nhà vì nguy hiểm, đồng thời cảnh báo cho người qua đường có khu vực núi nứt.
Đến nay, sau 1 năm xảy ra sự việc nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa xác định được nguyên nhân xuất hiện vết nứt núi này. Tuy nhiên, người dân địa phương cho biết, khu vực núi nứt này nằm ở sát bờ sông. Có thể do tác động của 2 đập thủy điện tích nước đóng gần bản Bủng Xát đã khiến núi bị sụt, sạt lở.
Phía chân núi bị nứt có 17 hộ dân với hơn 65 nhân khẩu đang sinh sống. Suốt 1 năm qua, người dân luôn sống trong lo sợ. |
Hàng chục người dân sống trong lo sợ, mưa xuống là ôm nhau chạy khỏi nhà
Những ngày cuối tháng 10/2021, PV đã quay trở lại hiện trường vụ núi nứt. Đến nay sau 1 năm ngày xảy ra sự việc, khu vực núi nứt cây cối đã mọc tốt lên nhưng nền đất vẫn có dấu hiệu bị sụt xuống sâu hơn.
Ở hông của triền núi nứt nẻ có 4 hộ dân đang sinh sống. Cả 4 hộ dân chủ yếu là phụ nữ sống đơn thân và trẻ nhỏ. Vì sống ngay bên cạnh vết nứt nên những ngày mưa đến, những hộ dân này lại phải đi ở nhờ nhà người khác để đảm bảo an toàn.
Nhà bà Diện ở sát vết nứt núi và nằm ngay bên bờ vực nên đe dọa sập bất cứ lúc nào. Bà Diện phải dùng tấm bạt lớn trải xuống đất để tránh việc nước, mưa làm xói mòn đất gây sập nhà. |
"Đất núi giờ sụt xuống sâu hơn năm ngoái. Chúng tôi ở đây hơn 1 năm rồi lo lắm nhưng chưa được chính quyền cho chuyển đi đến nơi ở mới. 1 năm rồi cứ thấy mưa lớn là cán bộ lại xuống nói chúng tôi đi ở nhờ nhà người khác vì sợ sạt lở. Vậy nên cứ mưa là chúng tôi lại ôm nhau ra khỏi nhà, đi ở nhờ", bà Lộc Thị Diện (SN 1959) chia sẻ.
Được biết, căn nhà sàn 2 tầng của bà Diện nằm ở vị trí nguy hiểm và sát với vết núi nứt nhất. Dưới chân nhà sàn bà Diện là chân núi đã bị hổng tạo thành vực sâu hàng chục mét. Sợ mưa làm đất xói mòn chân nhà và sẽ đổ sập, bà Diện phải dùng tấm bạt lớn trải xuống nền đất.
Mới sinh con chưa đầy 1 tháng, nhưng chị Lô Thị Mong (37 tuổi, bản Bủng Xát) đã vài lần ôm con chạy khỏi nhà cả đêm khi trời mưa lớn bất chợt. Bởi căn nhà chị Mong cũng nằm ở lưng chừng núi, sát ngay vết nứt.
Vị trí vết nứt núi cây cỏ đã mọc tốt um tùm nhưng đất vẫn có dấu hiệu sụt xuống. |
"Tôi mới sinh con chưa đầy tháng mà mấy lần ôm con chạy cả đêm đi sang nhà khác ở nhờ rồi. Cứ mưa xuống là chạy ra, sợ núi sập lắm. Mấy hộ dân chúng tôi mong được đi nơi khác ở sớm chứ sống ở đây lo lắm, núi thì càng ngày càng sụt xuống, không biết đổ lúc nào", chị Mong tâm sự.
Ông Kha Văn Tâm - Trưởng bản Bủng Xát cho biết, hiện bản có 189 hộ với 872 nhân khẩu. Trong đó, vùng sạt lở núi có 17 hộ, có 4 hộ nguy cơ cao và ảnh hưởng trực tiếp.
Ông Tâm cho biết, 1 năm qua, cứ mỗi lần mưa lớn, ông lại phải xuống nhà các hộ dân sống cạnh vết núi nứt để vận động người đi ra khỏi nhà cho an toàn.
Phía dưới đường chân núi có vết nứt này đã được chính quyền địa phương giăng dây để cảnh báo người đi đường. |
Liên quan đến sự việc trên, ông Kha Văn Thương - Chủ tịch UBND xã Châu Khê cho biết, chính quyền địa phương rất mong muốn được sớm bố trí tái định cư cho những hộ dân sống trong vùng bị sạt lở này. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có quỹ đất.
"Bây giờ có mưa lớn là chúng tôi phải vào vận động bà con lánh nạn", ông Thương nói.
Được biết, sau khi xảy ra sự việc nứt núi, UBND huyện Con Cuông đã có Tờ trình gửi UBND tỉnh về chủ trương di dời khẩn cấp các hộ dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai ở bản Bủng Xát.
Tại chân núi nơi có vết nứt, một số đất đá đã bị sạt lở xuống. |
Nhận được tờ trình, UBND tỉnh Nghệ An đã có văn bản giao các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông Vận tải, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN xem xét phối hợp với địa phương kịp thời giải quyết.
Tuy nhiên, đến nay gần 1 năm trôi qua, vấn đề xử lý vết nứt và bố trí tái định cư cho các hộ dân vẫn chưa được giải quyết.
Được biết, huyện Con Cuông cũng đã lập dự án xây dựng, di dời khẩn cấp 17 hộ dân vùng sạt lở ở bản Bủng Xát với tổng mức đầu tư dự kiến 20 tỷ đồng. Trong đó có 2 phương án được đưa ra gồm: phương án 1 là sắp xếp chỗ ở ổn định cho 17 hộ dân sau khi xử lý vùng sạt lở đảm bảo an toàn, ổn định lâu dài. Phương án 2 là di dời 17 hộ dân đến nơi ở mới khu tái định cư tập trung, hoặc xen ghép tùy theo tình hình thực tế tại quỹ đất của địa phương. Về việc xử lý vết nứt, huyện Con Cuông cũng đã có 2 phương án được đưa ra, phương án thứ nhất là xử lý bằng cách kè đá để giữ đất và tránh hư hỏng đường giao thông. Phương án thứ 2 là dùng mìn cho nổ tung khối đất đá này. |
Tác giả: Ngọc Tú
Nguồn tin: Trí thức trẻ