Nói về trường hợp nữ sinh nghèo Trần Thị Hồng Ngọc (SN 2001, trú tại xóm 7, xã Nghi Tiến, huyện Nghi Lộc, Nghệ An, cựu học sinh lớp 12C1, Trường THPT Nghi Lộc 4), thầy cô nơi đây đều xem đó là một tấm gương sáng về nghị lực vươn lên trong học tập để các thế hệ học sinh của trường noi theo và học tập.
Dù hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn nhưng nhiều năm liền Hồng Ngọc luôn xuất sắc đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện.
|
Từ ngày cháu Ngọc nhận được giấy báo nhập học, nhưng không có điều kiện tiếp tục nên hàng ngày cô giáo chủ nhiệm, bạn bè đã đến chia sẻ. |
“Là giáo viên chủ nhiệm, hơn ai hết tôi thấu hiểu được hoàn cảnh của gia đình em. Một mình người mẹ tật nguyền, chịu biết bao vất vả nuôi em ăn học. Ngày chuẩn bị bước vào kỳ thi THPT quốc gia cũng là lúc Hồng Ngọc biết mẹ mình mắc phải căn bệnh ung thư tuyến giáp ở giai đoạn cuối, lúc này tinh thần em suy sụp rất nhiều, lúc đó hai cô trò cũng chỉ biết ôm nhau khóc.
Được thầy cô, bạn bè động viên em mới tiếp tục đi thi. Không phụ lòng mong đợi của mọi người, kết quả thi của em rất cao, trong đó 3 môn xét tuyển đại học khối C đạt 26,5 điểm, là một trong những học sinh có điểm xét tuyển đại học cao nhất trường, nhưng…”, nói đoạn cô Nguyễn Thị Nhàn - giáo viên chủ nhiệm lớp 12C1 nghẹn ngào trong nước mắt.
Cô giáo Nhàn khóc phần vì thương cho học sinh của mình, phần vì tự trách bản thân đã không thể nào giúp đỡ được học trò của mình viết tiếp những giấc mơ giảng đường đại học. Điều đó có nghĩa là Hồng Ngọc tự đóng lại cánh cửa tương lai dừng bước trước giảng đường đại học là điều có thể xảy ra.
Hàng ngày ở nhà, Ngọc thái rau nuôi gà, hái rau ra chợ bán kiếm tiền. |
Theo chân thầy Hiệu trưởng, cô giáo chủ nhiệm, chúng tôi về xóm 7, xã Nghi Tiến, huyện Nghi Lộc để thăm gia đình Hồng Ngọc. Trong căn nhà 2 gian nhỏ hẹp, người phụ nữ đã nhiều tuổi chỉ còn lại một cánh tay bước đi tập tễnh ra đón khách với nụ cười gượng.
“Chắc thầy cô lại đến động viên cháu đi học đúng không? Tôi cũng muốn con được tiếp tục đi học lắm nhưng bây giờ biết làm sao được. Bản thân tôi biết sống được bao nhiêu ngày nữa, giờ cháu đi học rồi ai nuôi nấng nó nơi đất khách quê người đây…”, bà Trần Thị Hạt (SN 1962, mẹ của Hồng Ngọc) nghẹn ngào.
|
Ngọc sắp xếp những tấm Giấy khen, Giấy báo nhập học để cất. Ngọc bảo, em khó có thể tiếp tục học, vì gia cảnh quá nghèo. |
Từ thủa mới ngoài 20 tuổi, bà Hạt không may gặp tai nạn trong lúc cùng đoàn thanh niên địa phương làm việc. Bà bị một thân cây lớn đè lên người, cánh tay bên trái dập nát phải cắt bỏ đến vai.
Cũng vì thế bà không thể làm được những công việc bình thường, người phụ nữ với một cánh tay bị cụt lầm lũi sống qua ngày đoạn tháng trong cái nghèo cái khổ từ đó.
Bà Hạt mất một cánh tay. |
Hằng ngày, Ngọc làm tất cả mọi việc cho mẹ đỡ mệt. |
Vượt lên những điều tiếng của xã hội, bà Hạt đánh liều tự “xin” cho mình một đứa con với hi vọng làm chỗ dựa lúc tuổi già. Ước nguyện thành hiện thực, bà mang bầu rồi tự mình vượt cạn, hạnh phúc ngọt ngào ngày Hồng Ngọc chào đời.
Vượt qua biết bao vất vả, khốn khó, dù chỉ còn lại 1 tay nhưng bà luôn dành tất cả tình yêu thương cho con gái, cố gắng cho con ăn học nên người. Bởi hơn ai hết bà hiểu nếu không được học hành tương lai của con bà cũng giống như mình, cũng phải sống trong cái cảnh nghèo khó đến tận cùng.
Hiện bà Hạt đang mắc chứng bệnh ung thư vòm họng. |
Hàng tháng bà phải tái khám và điều trị tại bệnh viện Ung bướu Nghệ An với chi phí rất lớn. |
Không phụ lòng mong đợi, niềm hi vọng của mẹ, Hồng Ngọc luôn chăm ngoan, 12 năm học em đều đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện dù không được đến những lớp học thêm, không được mua những bộ sách nâng cao… để trau dồi thêm kiến thức.
Thay vì đến những lớp học thêm, em lại ra đồng giúp mẹ trồng thêm luống rau để đem đi chợ bán, hay xin đi làm thuê tại những quán ăn gần nhà để kiếm thêm chút tiền lẻ hai mẹ con trang trải cuộc sống.
Cuộc sống khốn khó đủ đường, người mẹ nghèo tật nguyền chưa một lần mua đủ bộ sách giáo khoa cho con trước ngày năm học mới, hay có thể sắm cho con một bộ quần áo để đi tựu trường cùng các bạn. Nhưng con gái luôn dành tặng cho mẹ món quà vô giá là những tấm Bằng khen cuối năm học với điểm số xuất sắc.
“Cháu biết mẹ đã quá vất vả, tất cả mẹ đều hi vọng vào cháu nên lúc nào cháu cũng nỗ lực để học thật giỏi không phụ lòng tin của mẹ. Lúc nào mẹ cũng nói, nhà chỉ có hai mẹ con nên phải cùng nhau cố gắng, cháu phải học để có được cái nghề mai này thoát cảnh nghèo khó.
Quá nghèo khó, nên bà Hạt khi mắc bệnh đã được Hội LHPX xã Nghi Tiến ủng hộ hơn 40 triệu đồng. |
Căn nhà hai gian chật chội mẹ con bà Hạt sinh sống. |
Nhưng giờ mẹ cháu lại mắc phải bệnh hiểm nghèo, hàng tháng phải điều trị rất nhiều tiền nên cháu chắc phải xin đi làm thuê để chữa bệnh cho mẹ, chứ nếu mẹ không còn nữa thì cuộc đời của con chẳng còn ý nghĩa gì”, Hồng Ngọc nghẹn ngào. Cô học trò tựa đầu trên bờ vai của mẹ, nơi ấy cánh tay của mẹ không còn nữa.
Ngày biết tin mình mắc căn bệnh ung thư tuyến giáp, sức khỏe bà Hạt suy sụp rất nhiều. Đặc biệt sau khi được phẫu thuật, bà lại yếu đi hẳn. Hàng tháng bà phải tái khám và điều trị tại bệnh viện Ung bướu Nghệ An với chi phí rất lớn. Cũng vì thế bà không dám mơ cho con gái tiếp tục giấc mơ đến giảng đường đại học.
|
Với số điểm 3 môn xét tuyển đại học đạt 26,5 điểm (chưa cộng điểm ưu tiên), Hồng Ngọc đăng ký xét tuyển vào ngành Báo chí trường Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội, và em đã trúng tuyển. |
Với số điểm 3 môn xét tuyển khối C đạt 26,5 điểm (chưa cộng điểm ưu tiên), Hồng Ngọc đăng ký xét tuyển vào ngành Báo chí trường Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội, và em đã trúng tuyển.
Mới đây nhà trường gửi giấy báo nhập học về, ngày 22/8 tới là hạn cuối nhập học nhưng nữ sinh nghèo chỉ xin mẹ được đóng khung tờ giấy báo nhập học xem nó như một kỷ niệm đẹp của thời học sinh.
|
Giấy xác nhận hoàn cảnh bà Hạt. |
Nhiều đêm cầm tờ giấy báo nhập học, Ngọc đã khóc, nước mắt thấm đẫm trên từng con chữ, mảnh áo sờn màu.
“Tôi biết con bé đã khóc nhiều lắm, nó giấu mẹ ngồi một mình bên ngoài để khóc. Tôi cũng thương nó lắm nhưng giờ tôi biết phải làm sao nữa...”, bà Hạt xót xa.
“Chúng tôi thấu hiểu hoàn cảnh gia đình em, nhà trường sẽ làm tất cả để em có thể tiếp tục học tập cũng như sát cánh cùng mẹ em trong quá trình chữa bệnh. Tôi hi vọng với sự chung tay của tất cả mọi người, xã hội sẽ không để một học sinh với nghị lực phi thường như Ngọc phải nghỉ học ở nhà”, thầy Nguyễn Văn Phương - Hiệu trưởng Trường THPT Nghi Lộc 4 chia sẻ.
Để kịp thời hỗ trợ cho cháu Ngọc không phải bỏ học, Ban lãnh đạo Trường THPT Nghi Lộc 4 đã chia sẻ những khó khăn ban đầu. |
Hơn lúc nào hết, hoàn cảnh đáng thương của cô nữ sinh nghèo đang rất cần sự chung tay của các nhà hảo tâm, mạnh thường quân trên cả nước để Hồng Ngọc được tiếp tục đến với giảng đường đại học. Để người mẹ nghèo có thể tiếp tục điều trị căn bệnh ung thư nhìn con gái viết tiếp giấc mơ.
Bạn đọc sẻ chia với cháu Hồng Ngọc có thể liên hệ qua số điện thoại: 0834.841.410 (cháu Ngọc) 0843.034.174 (bà Hạt) |
Tác giả: Nguyễn Duy
Nguồn tin: Báo Dân trí